Quản lý nhà biệt thự trên địa bàn Hà Nội

Thứ Năm, 18/12/2014, 11:12
Mặc dù UBND TP Hà Nội không quản lý một biệt thự công vụ nào nhưng quỹ nhà biệt thự cũ của Hà Nội lại khá lớn. Biệt thự cũ ở Hà Nội đa số được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 do người Pháp xây dựng. Hơn 1.200 căn biệt thự với những kiến trúc độc đáo ẩn chứa trong đó những giá trị vô giá về lịch sử, kiến trúc, văn hóa của Thủ đô. Tuy nhiên, việc quản lý quỹ biệt thự này lại đang lỏng lẻo, khá tùy tiện.

Bài 1: Biệt thự cũ kêu cứu

Kh s, cht chi trong nhng bit th hoa l mt thi

Tiếp nhận quản lý quỹ nhà biệt thự từ năm 1954, sau hàng chục năm với những biến đổi lớn về chính sách quản lý, những căn biệt thự tạo dấu ấn của một Hà Nội hào hoa, lịch lãm đang dần biến thành những khu tập thể chật chội, xuống cấp. Có những căn biệt thự bị bao quanh bởi hàng chục căn hộ khác xây dựng san sát khiến người đi đường không hề biết bên trong đó là một biệt thự cổ. Bên trong những căn biệt thự này khi xây dựng, nguyên bản chỉ dành cho một gia đình thì nay được phân chia tới từng cm kể cả gầm cầu thang cho cả chục hộ dân.

Thực trạng xuống cấp của các biệt thự cũ đã được nhiều lần báo cáo lên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND TP Hà Nội dừng ngay việc phá các biệt thự cũ và đồng thời có kế hoạch phục hồi, trùng tu duy trì phong cách kiến trúc đặc thù của các công trình này. Nhưng sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, sau 5 năm, thay vì  “hồi sinh” cho những biệt thự đã bị biến dạng và dần trở thành phế tích thì ngược lại, thực trạng xuống cấp còn trầm trọng hơn.

Tìm đến biệt thự cổ số nhà 26 trên phố Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm), phải cố gắng lắm chúng tôi mới nhìn thấy chóp căn nhà này nhô ra một cách yếu ớt sau một ngôi nhà cao tầng đang gấp rút hoàn thiện. Ngõ vào căn biệt thự này giờ chỉ còn là một lối đi nhỏ, sâu hun hút. Bác Hoàng Quế Song, một trong số những gia đình đang trú tại căn biệt thự này kể: Bác là con dâu thứ 10 của gia đình. Ngôi biệt thự là của 2 cụ Nguyễn Hữu và Hoàng Thị Đoan.

Chủ nhà vốn là học sinh khoá 1 của Trường Y Đông Dương. Ngôi biệt thự cổ này cũng có hơn 100 năm tuổi. Ông bà đã quyết định chia ngôi biệt thự này cho 12 người con. Phần đất lưu không phía trước, vườn khế bên cạnh trong khuôn viên ngôi biệt thự được chia cho các con. Sau một thời gian sinh sống thì hai người con cũng đã bán những phần đất này cho người khác. Một công ty đã bỏ ra 19 tỷ đồng mua lại toàn bộ diện tích trên và xây một ngôi nhà 5 tầng án ngữ ngay trước mặt ngôi biệt thự.

Nhà xây lên đến đâu thì ngôi biệt thự bị che kín đến đó. Tất cả có 21 thành viên của 4 gia đình đang sống trong biệt thự. Thời gian, nắng mưa hằn vết loang lổ lên ngôi biệt thự. Chủ nhân của nó cho biết  ngôi nhà này đã xuống cấp và phải sửa lại khá nhiều. Duy chỉ có nền gỗ vẫn có từ ngày xưa. Phần bên ngoài thỉnh thoảng chỉ cần phải quét vôi lại. 

Bà cụ Song đã dẫn chúng tôi vào gian thờ chính của ngôi nhà. Đây là căn phòng duy nhất được giữ nguyên hiện trạng và dành riêng để hội tụ con cháu mỗi lần có dịp lễ Tết. Thay vì cổng chính nhìn ra đường Phan Chu Trinh, sau khi địa chỉ này được chia cho nhiều hộ gia đình, lối vào ngôi biệt thự chỉ còn là một ngách nhỏ nằm thông ra đường lớn. Những người già sinh sống tại đây chỉ còn biết hoài niệm về một ngôi biệt thự cổ nhìn ra đường Phan Chu Trinh.

So với những căn biệt thự được chia cho cả chục hộ dân sinh sống, căn biệt thự trên phố Phan Chu Trinh chúng tôi kể trên vẫn còn khá “may mắn” bởi nó vẫn còn được gìn giữ từ những người trong cùng một dòng họ. Ngôi biệt thự  nằm ở 18A  phố Lê Thánh Tông đang là nơi sinh sống của hàng chục nhân khẩu với đủ các quán cháo lòng, cà phê, cửa hàng… Nếu không được bà Nguyễn Thị Khả, năm nay đã 80 tuổi, chủ nhân của ngôi nhà này giới thiệu thì chúng tôi chẳng thể hình dung được nơi đây xưa kia từng là  một biệt thự cổ được sử dụng làm khách sạn rất đẹp. Để đáp ứng được nhu cầu sinh sống cũng như chống chọi lại sự khắc nghiệt của thời gian, đến nay ngôi biệt thự này gần như được sửa chữa, cải tạo rất nhiều. Những dấu tích còn lại có chăng chỉ là vài bậc thang gỗ mờ tối và những  góc tường loang lổ vết tích. Nhiều căn biệt thự khác đã bị “chia” thành những căn hộ rộng chỉ 20m², với những phòng ngủ có diện tích 3-4m², gầm cầu thang cũng được trưng dụng thành nơi ở của một hộ gia đình như ngôi biệt thự số 8 đường Tăng Bạt Hổ. Mười ba hộ dân vẫn phải dùng chung một khu vệ sinh chật chội.

Nhiều biệt thự trong diện quản lý đã xuống cấp trầm trọng.

Qun lý tùy tin và lng lo

Theo thống kê mới nhất của Sở Xây dựng, hiện nay, Hà Nội có 1.253 biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường quản lý việc bảo trì, cải tạo nhà biệt thự theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn.

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền phải báo cáo UBND TP về phương án xây lại công trình trên khuôn viên đất của biệt thự cũ trước khi cho phép phá dỡ và phải chịu trách nhiệm trước thành phố về việc chủ đầu tư xây dựng đúng theo phương án đã được chấp thuận. Theo quy định của Quy chế, biệt thự thuộc đối tượng quản lý được phân loại thành ba nhóm.

Trong đó, biệt thự nhóm 1 (từ 70 đến 100 điểm) gồm những biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; biệt thự gắn liền với lịch sử cách mạng - kháng chiến được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng; biệt thự có giá trị đặc biệt về kiến trúc (đánh giá từ 30 đến 35 điểm dành cho giá trị kiến trúc nghệ thuật).

Biệt thự nhóm 2 (từ 50 đến 69 điểm) gồm những biệt thự có giá trị về kiến trúc, nhưng không thuộc biệt thự nhóm 1. Biệt thự nhóm 3 (dưới 50 điểm) gồm những biệt thự không thuộc biệt thự nhóm 1 và biệt thự nhóm 2. Tất cả các biệt thự thuộc danh mục quản lý (bao gồm cả biệt thự thuộc sở hữu của Nhà nước, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân) không được tự ý phá dỡ.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý nhà biệt thự cũ trên địa bàn Hà Nội lại lỏng lẻo, khá tùy tiện. Theo báo cáo thẩm tra của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội mới đây, UBND TP Hà Nội đã loại bỏ 312 biệt thự ra khỏi danh mục quản lý theo Đề án. Việc loại bỏ các biệt thự này không được thông qua HĐND TP là một động thái “khó hiểu” của UBND TP Hà Nội. Cá biệt, trong số những biệt thự trên, có biệt thự 2 - H1 Vĩnh Hồ, quận Đống Đa và biệt thự số 7 Nguyễn Chế Nghĩa, quận Hoàn Kiếm đều là biệt thự được xác định không bán theo Nghị quyết đã được thông qua của HĐND TP thì hiện nay đều đã là sở hữu tư nhân, trong đó có một biệt thự đã được xây dựng mới. Việc quản lý lỏng lẻo, thậm chí buông lỏng của các cơ quan được giao làm đầu mối quản lý đã dẫn đến tình trạng theo dõi không đầy đủ, số liệu hiện trạng sai lệch, làm ảnh hưởng đến một chủ trương đúng đắn về quản lý với mục đích cao cả là bảo tồn, phát huy giá trị quỹ nhà biệt thự trên địa bàn TP.

Ngọc Yến – Phan Hoạt
.
.
.