Ai đưa giá đất ở Đà Nẵng lên… trời?

Thứ Sáu, 06/04/2018, 09:23
Sự phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực du lịch - dịch vụ; đặc biệt là sau Tuần lễ Cấp cao APEC, thông tin nhiều nhà doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài về lĩnh vực bất động sản (BĐS) đến Đà Nẵng để tìm kiếm cơ hội, hợp tác đầu tư; cùng với kế hoạch triển khai các dự án lớn, việc xây dựng các vành đai kết nối giao thông, sự gia tăng dân số cơ học... là những yếu tố khách quan đẩy giá đất Đà Nẵng tăng nhanh.

Đặc biệt, các chủ dự án đã liên tục “thổi giá” đất nền, tạo điều kiện cho “cò đất” đẩy giá đất nhảy vọt…

Những năm gần đây, TP Đà Nẵng luôn dẫn đầu chỉ số cạnh tranh CPI cấp tỉnh, năm 2017 xếp thứ 2 sau Quảng Ninh. Đà Nẵng duy trì tốc độ phát triển kinh tế ở mức cao hơn bình quân cả nước, trong đó, ngành du lịch, dịch vụ ngày càng chiếm vai trò quan trọng.

Chỉ riêng năm 2017, Đà Nẵng đón hơn 6,63 triệu lượt khách (có hơn 2,33 triệu lượt khách quốc tế), mang đến nguồn thu hơn 19.500 tỷ đồng. Lượng khách này kéo theo nhu cầu rất lớn về các cơ sở dịch vụ lưu trú. Trong khi đó, đa số du khách đến Đà Nẵng lựa chọn các khách sạn, các khu nghỉ dưỡng 4-5 sao nằm ven biển từ bán đảo Sơn Trà vào Non Nước, Ngũ Hành Sơn, giáp ranh phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam).

Giá phòng lưu trú khu vực này ở mức khá cao, dao động từ 1-1,5 triệu đồng/phòng đơn ở các khách sạn 3 sao, từ 2-3,5 triệu đồng/phòng đối với khách sạn 4-5 sao và lên đến hơn 10 triệu đồng/phòng đối với các căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp. Công suất phòng trung bình các khách sạn đạt rất cao, bình quân lên đến 75%/năm. Nhiều khách sạn có dịch vụ tốt, thường xuyên trong trình trạng “full” phòng dù là vào mùa mưa.

Do vậy, giới đầu tư BĐS, nhất là từ Hà Nội đã đổ xô vào Đà Nẵng mua đất ven biển để đầu cơ, xây dựng khách sạn, nhà hàng với mục đích thu lợi. Thậm chí, nhiều Việt kiều ở nước ngoài cũng tập trung về Đà Nẵng mua đất ven biển để đầu tư. Trò chuyện với chúng tôi, anh B., chủ một khách sạn trên đường Võ Văn Kiệt cho biết, khoảng 4 năm trước, anh mua lô đất diện tích 200m2 với giá 13 tỷ đồng và đầu tư thêm 30 tỷ đồng để xây dựng khách sạn quy mô 15 tầng, với 70 phòng.

Kể từ khi đưa vào hoạt động giữa năm 2016 đến nay, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng anh thu lãi đều đặn khoảng 1 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm 2019 là hoàn vốn. Từ đó, anh quyết định mua thêm một lô đất khác bên cạnh với giá 230 triệu đồng/m2. Lô đất này hiện đã có người hỏi mua lại với giá 280 triệu đồng/m2, nhưng anh không bán.

Cũng với mục đích xây khách sạn, nhiều nhà đầu tư không ngần ngại bỏ tiền ra mua nhiều căn nhà của các hộ dân khu dân cư ven biển, dọc các trục đường Hà Bổng, Dương Tự  Minh, Hoàng Kế Viêm... rồi đập bỏ, hợp thửa để xây công trình như ý muốn…

Đáng chú ý, sau Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng, quy tụ hơn 10.000 đại biểu đến từ 21 quốc gia thành viên trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và các tổ chức quốc tế, TP Đà Nẵng càng được các nhà đầu tư chú ý, trong đó có các nhà đầu tư BĐS nước ngoài. Hiện một số nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đang trao đổi với doanh nghiệp trong nước về việc đầu tư, kinh doanh BĐS phân khúc condotel.

Dịch vụ “cò đất” mọc lên như nấm ở các dự án góp phần nâng giá đất đô thị Đà Nẵng tăng vọt.

Ngày 2-4 vừa qua, ông Ron Gonzales, cựu Thị trưởng TP San Jose, cùng 40 doanh nghiệp, nhà đầu tư của Hiệp hội Chuyên gia BĐS người Việt Nam tại Hoa Kỳ (VNARP) cũng đã đến Đà Nẵng tham dự cuộc tọa đàm “Kết nối đầu tư Đà Nẵng – Hoa Kỳ trong lĩnh vực BĐS”, làm việc với lãnh đạo TP để tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội, hợp tác đầu tư.

Trước thông tin này, các nhà đầu tư BĐS loại “trùm” nhạy bén hơn, đổ tiền vào mua đất ven biển bằng mọi giá để đón cơ hội “hốt bạc”. Những người ít tiền hơn thì nhanh chóng rút tiền gửi tiết kiệm mua các lô đất trong các khu dân cư ven biển để xây căn hộ cho thuê. Các lô đất nhỏ 100-150m2 thường được lùng mua để xây căn hộ mini cho thuê với quy mô 5-7 tầng, mỗi tầng diện tích 40-50m2, giá cho thuê hàng tháng từ 700-1.000 USD.

Phần lớn khách thuê căn hộ mini từ Trung Quốc, Hàn Quốc đến Việt Nam lưu trú dài ngày. Thậm chí, nhiều người Trung Quốc, Hàn Quốc làm ăn tại TP Đà Nẵng cũng tham gia vào thị trường BĐS bằng hình thức nhờ người Việt là vợ, hoặc người quen đứng tên “sổ đỏ”.

Đà Nẵng mấy năm trước từng xôn xao khi hàng trăm lô đất tuyến đường ven biển giáp sân bay quân sự Nước Mặn trở thành khách sạn, nhà hàng bày biển hiệu tiếng Trung, phục vụ chủ yếu cho người Trung Quốc…

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 và chính thức có hiệu lực từ ngày 5-1-2018. Tuy đã có quy định Luật này bảo vệ quyền lợi của khách hàng kể cả khi ngân hàng bị phá sản, thì hiện chúng tôi cũng ghi nhận không ít người dân còn tỏ ra lo ngại. Đây cũng là một yếu tố khiến khoản tiền nhàn rỗi trong dân được đầu tư vào kênh bất động sản.

Nổi lên hiện nay là trào lưu các chủ tài khoản đầu tư vào bất động sản không chỉ riêng tại TP Đà Nẵng mà ở nhiều địa phương lựa chọn. Chị Lê Ngọc Anh (39 tuổi, trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) chia sẻ rằng, gia đình chị vừa rút khoản tiền gửi hơn 3 tỷ đồng tại chi nhánh ngân hàng để đầu tư mua lô đất khu biệt thự ở Nam Hòa Xuân.

Theo chị Anh, đây là lựa chọn yên tâm nhất của gia đình chị. Vì không chỉ riêng chị mà rất nhiều người dân tại Đà Nẵng đã quyết định đầu tư tiền nhàn rỗi vào các dự án BĐS, do sinh lợi rất cao, không lo sợ rủi ro…

Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, một nguyên nhân chủ yếu góp phần đẩy giá đất nền đô thị Đà Nẵng tăng mạnh, đó là sự tác động từ các chủ đầu tư dự án. Cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng đường sá, cầu cống nối liền giao thông về các trục ven biển; hệ thống cây xanh… các chủ đầu tư mở bán giá sàn tư đưa ra giá đất và dĩ nhiên lần mở bán sau “hét lên” cao hơn lần trước. Đây là “chiêu độc” mà không tinh ý thì khó thể nhận ra.

Ví dụ, giá đất sàn một khu dân cư ven sông Cổ Cò mở bán lần thứ nhất, nhằm thu hút người mua, trước đây được bán giá thấp nhất từ 4-7 triệu đồng/m2. Lần mở bán thứ hai, giá đất giá sàn tăng lên 9-10 triệu đồng/m2. Rồi tiếp theo, mở bán “hô lên” 14-15 triệu đồng/m2… Bên cạnh, là việc chiết khấu mỗi lô đất bán được cho “cò đất” 8% trong tổng số tiền thu về. Từ đó “cò đất” liên kết với nhau để găm hàng, nâng thêm giá bán để hưởng lợi lớn, dẫn đến sốt đất… ảo.

Cũng có nhiều chủ đầu tư giở “chiêu trò” tạo cơn sốt mua bán khi ra một block mới nào đó, chẳng hạn như dùng phương thức chiết khấu để tạo sự tranh đua, hay chỉ bán hàng trên danh nghĩa cho đại lý cấp 1, rồi để đại lý cấp 1 đẩy giá. Giá lên cao cũng do các “cò” mua bán trao tay liên tục theo kiểu đa cấp với giá mua sau luôn cao giá trước, dựa trên yếu tố nguồn cung cạn kiệt, bởi nhiều người có đất vẫn găm hàng, chờ giá cao hơn. Thế là tạo ra tâm lý chung cho người dân có nhu cầu mua BĐS để ở, họ không mua được đất giá thấp, đành phải mua với giá cao vì sợ giá đất tiếp tục leo thang...

Thân Lai – Hoài Thu
.
.
.