Thảo luận cơ cấu và nghiên cứu danh sách đề cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII

Thứ Hai, 25/01/2016, 08:31
Ngày 24-1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng làm việc tại đoàn, thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và nghiên cứu danh sách đề cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (cả chính thức và dự khuyết) do Ban Chấp hành Trung ương khóa XI chuẩn bị.

Các đại biểu tiến hành ghi phiếu ứng cử, đề cử thêm nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (ngoài danh sách do Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đề cử). Trên cơ sở đó, Đoàn Chủ tịch Đại hội nghe các trưởng đoàn đại biểu dự Đại hội báo cáo về danh sách ứng cử, đề cử (bổ sung) vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã được Đại hội biểu quyết là 200 đồng chí, gồm 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng các đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương thảo luận, nghiên cứu tài liệu tại đoàn. Ảnh: V.Hưng.

4 yêu cầu cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XII

Về tiêu chuẩn, cơ cấu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khóa XI cho biết, để xây dựng Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã đặt ra 4 yêu cầu. Đó là Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII phải thật sự là một tập thể đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí, hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có tầm nhìn chiến lược; có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và các đại biểu.

Thứ hai, có số lượng và cơ cấu hợp lý để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, tăng cường số lượng ủy viên Trung ương Đảng ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác quan trọng. Bảo đảm tính kế thừa và phát triển liên tục.

Thứ ba, việc giới thiệu nhân sự nói chung phải trên cơ sở quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo; giữ vững nguyên tắc, quy chế, quy định, phát huy trách nhiệm, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan trong giới thiệu, đánh giá, lựa chọn nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm..., cảnh giác với những âm mưu của các thế lực thù địch phá hoại, gây rối nội bộ.

 Thứ tư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII phải là những đồng chí tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ theo Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt chú trọng 3 nhóm tiêu chuẩn, đó là có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích dân tộc; có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, nói đi đôi với làm, gắn bó mật thiết với nhân dân, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và quần chúng tín nhiệm; có tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ với công việc; bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi; có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình; công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ. Nhóm tiêu chuẩn thứ ba là có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược và kiến thức toàn diện để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; có năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới tại lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công; qua thực tiễn thể hiện rõ là người có năng lực sáng tạo, nhiệt huyết, làm việc có hiệu quả, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đoàn kết, quy tụ, phát huy được đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực, địa bàn được phân công; có ý thức, trách nhiệm và khả năng tham gia thảo luận, đóng góp vào các quyết định chung của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ.

Không nhất thiết ngành nào, địa phương nào cũng có người tham gia Ban Chấp hành Trung ương

Theo đồng chí Lê Hồng Anh, để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cần có cơ cấu hợp lý để phân công phụ trách các lĩnh vực công tác Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan trọng yếu của Nhà nước ở Trung ương, địa phương và lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, không nhất thiết địa phương nào, lĩnh vực nào, ngành nào cũng phải có người tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Để bảo đảm tính kế thừa và phát triển, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cần có cơ cấu 3 độ tuổi, trong đó dưới 50 tuổi dự kiến 15 - 20%; từ 50 - 60 tuổi dự kiến 65 - 70%; trên 60 tuổi dự kiến 5 - 10%. Phấn đấu xây dựng cơ cấu, tỉ lệ cán bộ nữ trên 10% (khóa XI là 8,13%), cán bộ trẻ dưới 40 tuổi từ 4 - 6% (khóa XI là 2,2%), cán bộ là người dân tộc thiểu số từ 9 - 10% (khóa XI là 8,75%). Ngoài ra, có cơ cấu một số nhà khoa học, văn nghệ sĩ, lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia, đây cũng là một nét mới trong công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Theo đại biểu Ngô Duy Hiểu (Hà Nội), số lượng ủy viên Trung ương (chính thức) tăng là phù hợp với xu thế phát triển hiện nay khi mà nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế của đất nước ngày càng rộng lớn. Đây là vấn đề rất cần thiết, là kết quả của sự cân nhắc rất kỹ càng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Với tư cách là một đại biểu có trách nhiệm bỏ phiếu để bầu chọn ra Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, đại biểu cho biết sẽ lựa chọn những đại biểu ưu tú, xuất sắc, trước hết phải căn cứ vào cơ cấu của Đề án Ban Chấp hành, nhưng điều quan trọng nữa chính là tiêu chuẩn đại biểu. Đó phải là những người trung thành với Đảng, với nhân dân, tận tụy, lo lắng thực sự công việc của dân; đó phải là những người dám nghĩ, dám làm. Những người hành động vẫn là những người mà Đảng và nhân dân đang cần trong giai đoạn hiện nay.  Đặc biệt, cần tầm nhìn, tư duy chiến lược của người đứng đầu đang là một yêu cầu lớn trong bối cảnh chúng ta phải giải quyết các thách thức, đòi hỏi trí tuệ, tầm nhìn chiến lược của những người tham gia Ban Chấp hành Trung ương… Đại biểu Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng thì nhấn  mạnh việc đây là lần đầu tiên, Trung ương có quy hoạch cán bộ cấp chiến lược để từ đó luân chuyển, đào tạo. Trung ương mở 6 lớp đào tạo cán bộ cấp chiến lược tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Do vậy, công tác chuẩn bị nhân sự lần này chặt chẽ hơn, thấu đáo hơn từ cơ sở lên. Các đồng chí dự kiến giới thiệu vào Trung ương lần này được Ban Chấp hành Trung ương khóa XI giới thiệu đều qua rất nhiều vòng từ cơ sở, được Bộ Chính trị bỏ phiếu rồi mới ra Trung ương giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa mới. Quy trình  như  vậy là rất chặt chẽ.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng: Quy chế bầu cử chặt chẽ, đảm bảo quyền của đại biểu

Tôi tham gia mấy khoá Trung ương, chưa thấy nhiệm kỳ nào lại làm chu đáo, bài bản và rất công khai, minh bạch, thẳng thắn theo đúng quy trình như lần này. Tôi hy vọng cán bộ trẻ mới vào đáp ứng được mong muốn, kỳ vọng đề ra. Quy chế bầu cử đáp ứng đúng quy trình, điều lệ Đảng, đồng thời chặt chẽ, đảm bảo quyền của đảng viên, của đại biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng.

Tinh thần Quyết định 244 (về quy chế bầu cử trong Đảng) thì người không được cấp uỷ giới thiệu sẽ không được ứng cử, không được nhận đề cử (nếu được Đại hội đề cử thì phải xin rút), nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn là của Đại hội. Như vậy là rất dân chủ. Trước đây, Đoàn Chủ tịch hội ý và quyết định cho rút khỏi danh sách giới thiệu hay không, nhưng nay quyền đó do Đại hội quyết định qua biểu quyết bằng phiếu. Đây là hình thức mới, thể hiện quyền của đại biểu, của ý chí toàn Đảng, Đại hội có quyền cao nhất.

Tôi cũng thấy rằng, đối với các đồng chí Trung ương khoá mới, đặc biệt các đồng chí mới tham gia có yêu cầu cao hơn. Những đồng chí đó trước hết phải thấm nhuần Tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định lập trường quan điểm của Đảng, phải nghiên cứu rất sâu và có trình độ cao để tiếp nhận những cái mới, đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng. Nếu vẫn áp dụng một cách máy móc thì kinh tế thị trường định hướng XHCN sẽ không đạt được yêu cầu. Vì vậy, các đồng chí trong Trung ương khoá mới phải luôn tỉnh táo, sáng tạo trước tình hình thực tế và triển khai thực hiện. Một yêu cầu nữa là phải tập trung nghiên cứu để đưa đất nước chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Trong 6 nhiệm vụ cơ bản trong Báo cáo chính trị do Tổng Bí thư trình bày đã đầy đủ, nhưng trong đó yêu cầu của Trung ương khóa tới là phải tạo ra một chu kỳ đổi mới tốt hơn, tức là chọn mũi nhọn nào sẽ tác động trực tiếp đến chúng ta nhưng đồng thời phải hội nhập được với thế giới.


Đăng Minh – Huyền Chi
.
.
.