Tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII:

Sự sáng tạo lý luận của Đảng trong công cuộc đổi mới

Thứ Bảy, 23/01/2016, 09:13
Những tham luận trong ngày làm việc thứ hai Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề cập phong phú các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, từ việc phân tích, bổ sung phát triển hệ thống lý luận và thực tiễn con đường đi lên CNXH ở nước ta, việc hoạch định chính sách vĩ mô, chiến lược đối nội, đối ngoại đến các vấn đề cụ thể ở địa phương. Nhiều tham luận ngoài việc phân tích rõ bối cảnh tình hình, thực trạng cũng đã đưa ra những sáng kiến, đề xuất mới…


Ba trụ cột đổi mới thể chế kinh tế

Tham luận của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh xác định, việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế là một yêu cầu hết sức cấp bách. Bộ trưởng đề xuất trọng tâm đổi mới thể chế kinh tế trong giai đoạn tới cần dựa trên 3 trụ cột.

Một là thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường. Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao và liên tục trong 20 năm tới với mức tăng thu nhập bình quân đầu người hằng năm 7%, có nghĩa là tương đương với mức tăng trưởng GDP hằng năm 8% để đến năm 2035 có mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.000 – 18.000 USD. Để đạt được mục tiêu này, con đường duy nhất là phải tăng năng suất.

Hai là phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, Nhà nước cần tạo dựng môi trường thuận lợi, xây dựng trung tâm hướng dẫn và đào tạo cho doanh nghiệp mới khởi nghiệp, cung cấp các kiến thức cũng như nguồn vốn thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư mạo hiểm nhằm tạo ra làn sóng khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ trong toàn xã hội. Phải coi vị thế của doanh nghiệp là vị thế của quốc gia.

Thứ ba, để duy trì tăng trưởng cao trong một thời gian dài cần có một chương trình cải cách tích cực, đẩy mạnh học hỏi và đổi mới sáng tạo, xây dựng một hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia chính là cách thức để cải thiện tình hình về năng suất lao động của Việt Nam.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Đoàn đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương. Ảnh: TTXVN.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân

Đề cập những nhiệm vụ trọng tâm mà Quân đội cần tập trung trong thời gian tới, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam khẳng định, cần xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

“Đây là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó Quân đội nhân dân, Công an nhân dân giữ vai trò nòng cốt. Để đáp ứng yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trên địa bàn cả nước. Đó là nền quốc phòng với tiềm lực, sức mạnh tổng hợp, được cấu thành trên cơ sở nguồn lực quốc gia và trong nhân dân, từ nhân dân, mang đậm tính chất tự vệ, không nhằm đe dọa bất cứ quốc gia nào. Đó là nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, ngày càng hiện đại, do toàn dân tiến hành xây dựng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cơ sở” - Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.

Theo đó, để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, Quân đội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp với thực tiễn và đặc điểm, thế mạnh của từng địa bàn, khu vực, nhất là địa bàn chiến lược Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ và vùng biên giới, biển đảo của Tổ quốc.

Trong đó, trọng tâm là xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đặc biệt là “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở. Chú trọng xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững mạnh, đảm bảo cho các địa phương xử lý tốt các tình huống quốc phòng - an ninh trong cả thời bình và thời chiến.

Triển khai mạnh mẽ chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế

Về vấn đề đối ngoại, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân nhận định, trong thời gian tới, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, đất nước ta sẽ bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng hơn trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến hết sức đa dạng và có nhiều yếu tố phức tạp.

“Chúng ta đang đứng trước thời cơ mới để mở rộng, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên tất cả các lĩnh vực nhằm phát triển đất nước và nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của Việt Nam; đồng thời cũng đứng trước những thách thức mới về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị và an ninh quốc gia, về cạnh tranh kinh tế; môi trường an ninh và phát triển, môi trường thông tin, văn hóa, tư tưởng cũng sẽ phức tạp hơn” – ông nói.

Từ bối cảnh đó, ông đề xuất một số biện pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đối ngoại trong tình hình mới, trong đó “cần nhận thức một cách đầy đủ, toàn diện về lợi ích tổng thể của quốc gia – dân tộc hiện nay là phải giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển đất nước và nâng cao đời sống nhân dân, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị và an ninh quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước”.

Đối thoại, tranh luận với những người có quan điểm trái chiều

Với tham luận “Tiếp tục đổi mới công tác tuyên giáo đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Mai Văn Ninh cho rằng, phải gắn kết thường xuyên, chặt chẽ công tác tuyên giáo với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết từ sớm, từ gốc những vấn đề có thể dẫn đến nảy sinh những bức xúc về tư tưởng. Đổi mới công tác quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết của Đảng theo tinh thần đúng người, đúng việc, nâng cao tính định hướng đối với hoạt động thực tiễn. Phát huy sức mạnh tổng hợp, đồng bộ của các lực lượng, các phương pháp, thường xuyên, kiên quyết đấu tranh phản bác, làm thất bại cuộc tiến công tư tưởng của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Công tác tuyên giáo chỉ có hiệu quả khi có cơ sở khoa học, sát với thực tiễn.

Trong điều kiện hiện nay, tính chiến đấu trên lĩnh vực tư tưởng là để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo sự thống nhất trong Đảng và đồng thuận xã hội, nhằm phát huy cao nhất sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, là đấu tranh với các lực lượng phá hoại trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, bảo vệ cái đúng, bảo vệ nhân tố mới, mô hình mới. Theo ông, cần tăng cường đối thoại, tranh luận với những người có quan điểm trái chiều, ý kiến khác trên cơ sở tôn trọng nhau, đó là con đường ngắn nhất để con người đến với con người.

Hàng loạt vấn đề nóng bỏng cần phải luận giải tường minh bằng lý luận

GS,TS. Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, thực tiễn của công cuộc đổi mới trong 30 năm đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, song cũng đang đặt ra hàng loạt vấn đề mới đòi hỏi phải vận dụng sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và xây dựng CNXH. Với tinh thần vận dụng sáng tạo đó, nhiều vấn đề lý luận mới, chưa từng có đã được tổng kết từ thực tiễn và đưa vào áp dụng trong thực tế, mang lại những hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn như: khoán trong nông nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đảng viên làm kinh tế, kinh tế hàng hóa đa thành phần đến kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN...

Sự đúc kết nên tám đặc trưng, tám phương hướng và tám mối quan hệ lớn để xây dựng CNXH ở Việt Nam cũng chính là kết quả của sự sáng tạo lý luận của Đảng ta trong công cuộc đổi mới, bắt đầu từ thực tiễn đổi mới tư duy. Theo đại biểu, thực tiễn công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta hiện nay đang đặt ra hàng loạt vấn đề nóng bỏng cần phải luận giải tường minh bằng lý luận.

Kiểm soát trong hoạt động tư pháp

Tham luận tại Đại hội, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình đánh giá, cùng với những kết quả tích cực đã đạt được qua 30 năm đổi mới đất nước, Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, đặc biệt là việc thực hiện chương trình trọng tâm cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2011-2015 đã đạt được những thành tựu rất quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Qua đó, càng khẳng định rõ đường lối, chủ trương cải cách tư pháp của Đảng là hoàn toàn đúng đắn trong tiến trình xây dựng và củng cố Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, luôn đề cao việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Để thống nhất nhận thức, quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong giai đoạn 2016 - 2020 tới đây, đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Chính trị cho phép trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đề án bổ sung biên chế thẩm phán, công chức cho TAND các cấp trong cả nước; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện về thể chế cụ thể hóa Hiến pháp, thể hiện sự kiểm soát trong hoạt động tư pháp giữa các cơ quan có hoạt động tư pháp…

Xử lý mâu thuẫn trong vấn đề văn hóa

Phân tích về chủ đề “Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho rằng, thực tiễn đòi hỏi phải xử lý mâu thuẫn giữa yêu cầu về mục tiêu nhân văn của văn hóa với những quy luật khắc nghiệt của kinh tế thị trường; giải quyết mâu thuẫn giữa đòi hỏi rất cao về mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam với sự đầu tư nguồn lực có hạn của Nhà nước, trong bối cảnh đời sống của người dân, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp, điều kiện xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật còn rất khó khăn.

Theo Bộ trưởng, cần xử lý thỏa đáng mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, bảo tồn và phát huy, giữ gìn và phát triển, để đảm bảo duy trì, bảo vệ được các giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa và con người Việt Nam, đồng thời xác lập, bổ sung những giá trị mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển của xã hội đương đại; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và quốc tế, địa phương và nhân loại, vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, để Việt Nam hội nhập quốc tế thành công.

Ghi nhận ý kiến người dân với Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII:

Ông Trần Huy Cận, cán bộ hưu trí ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh:

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng đã lãnh đạo đất nước phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước đạt được những thành tựu nổi bật. Với sự đoàn kết, nhất trí cao của các đại biểu dự đại hội, người dân chúng tôi tin tưởng Đại hội lần thứ XII này sẽ tiếp tục phát huy tính dân chủ trong thảo luận các dự thảo văn kiện; bầu chọn ra những nhà lãnh đạo ưu tú.

Khi đó vai trò và năng lực quản lý của những cán bộ lãnh đạo có uy tín, kinh nghiệm sẽ được phát huy và sáng tạo linh hoạt để tiếp tục lãnh đạo đất nước thực hiện đổi mới hơn nữa về nhiều mặt, trong đó có việc tạo ra môi trường đầu tư tối ưu để phát triển nền kinh tế. Chúng tôi tin tưởng rằng, đồng bộ với các mục tiêu kinh tế - xã hội là việc quan tâm nâng cao mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong nhiệm kỳ mới.

Ông Phạm Huy Tưởng, cựu tù chính trị Côn Đảo, 57 tuổi Đảng, hiện sinh sống tại TP Hồ Chí Minh:

Qua theo dõi quá trình chuẩn bị Đại hội và những ngày đầu diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tôi thấy rằng văn kiện đại hội đã đánh giá được những thành tựu nổi bật và thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế trong nhiệm kỳ vừa qua. Văn kiện tại đại hội cũng đã chỉ ra 6 nhiệm vụ lớn trong thời gian tới đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện đổi mới để đưa đất nước tiến kịp bạn bè. Muốn vậy, theo tôi phải thật sự dân chủ, đoàn kết được toàn Đảng, toàn dân; huy động được mọi nguồn lực, sự sáng tạo trong nhân dân bởi sức mạnh về tinh thần và vật chất của hơn 90 triệu người dân Việt Nam là vĩ đại.

Tôi kỳ vọng Ban chấp hành TW khóa mới và lãnh đạo Đảng, Nhà nước được bầu tại đại hội này sẽ là các đồng chí thực sự vì dân, vì nước. Dân có giàu, nước mới mạnh, mới bảo vệ được độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như thực hiện được lời di chúc của Bác Hồ.

PV

Đăng Minh – Thu Phương
.
.
.