Xung quanh việc Triều Tiên vượt “lằn ranh đỏ”

Chủ Nhật, 10/04/2022, 09:18

Giới chuyên gia đánh giá, Triều Tiên đã vượt qua “lằn ranh đỏ” do Mỹ và Hàn Quốc vạch ra khi ngày 24/3 tiến hành thử một loại tên lửa mà nước này tuyên bố là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Bên cạnh những nghi vấn về việc liệu Bình Nhưỡng có phóng đại tuyên bố của họ hay không, giới chuyên gia cho rằng có 3 lý do thúc đẩy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra quyết định thử nghiệm này, trong đó phần nhiều là do Mỹ đang “bỏ bê” các cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng.

Tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên - cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ký lệnh tiến hành thử một loại ICBM mới nhất, mang biệt hiệu Hwasong-17. Báo này dẫn lời ông Kim Jong-un khẳng định rằng “sự xuất hiện của một loại vũ khí chiến lược mới của Triều Tiên sẽ làm cả thế giới một lần nữa nhận thức rõ về sức mạnh của các lực lượng vũ trang chiến lược của chúng ta”.

Ông nhấn mạnh: “Các lực lượng quốc phòng của chúng ta sẽ sở hữu những năng lực kỹ thuật và quân sự phi thường không thể bị đè bẹp bởi bất kỳ mối đe dọa quân sự nào, đồng thời sẵn sàng đương đầu với đế quốc Mỹ trong cuộc đối đầu lâu dài”. Vậy là không thể chờ đợi lâu hơn để có được mối quan tâm và chú ý của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, Bình Nhưỡng đã quyết định sẵn sàng cho một cuộc “đối đầu lâu dài”. Hay nói cách khác, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đưa ra một quyết định chiến lược là không chờ đợi thêm để chính quyền ông Joe Biden đưa ra “những biện pháp tương ứng”.

Trước hết, cần lưu ý rằng tại một phiên họp của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương khóa VIII Đảng Lao động Triều Tiên hôm 19/1/2022, Chủ tịch Kim Jong-un đã phát tín hiệu rằng ông sẽ từ bỏ lệnh tạm ngừng thử vũ khí hạt nhân và ICBM mà Triều Tiên tự áp đặt hồi năm 2017. Tại cuộc họp này, ông cũng nói rằng “chính sách thù địch” của Mỹ và mối đe dọa quân sự của Washington đã đến mức không thể bỏ qua, đồng thời chỉ thị các quan chức đánh giá lại tất cả các biện pháp xây dựng lòng tin với Mỹ và nhanh chóng tìm cách nối lại tất cả các hoạt động thử nghiệm đã bị tạm ngừng.

8-1.jpg -0
ICBM Hwasongpho-17 được phóng thử từ sân bay quốc tế Bình Nhưỡng ngày 24/3. Ảnh: KCNA

Thế nhưng, Tổng thống Joe Biden đã không đề cập một lần nào đến Triều Tiên trong Thông điệp liên bang đầu tiên hôm 1/3. Ông đã dành các nguồn lực ngoại giao của Mỹ cho việc xử lý vấn đề Afghanistan, hành động quân sự của Nga ở Ukraine và những nỗ lực để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran. Người đứng đầu Nhà Trắng đã không thực hiện bất kỳ hành động nào đối với Triều Tiên ngoài việc đưa ra những lời lẽ ngoại giao hùng hồn về cánh cửa đối thoại đang rộng mở với Bình Nhưỡng. Điều đó cho thấy ông không coi Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu. Bình Nhưỡng dường như kết luận rằng ít nhất là trong thời điểm hiện tại, Triều Tiên không thể mong đợi Mỹ sẽ chủ động xúc tiến các cuộc đàm phán, chứ chưa nói đến việc giảm bớt các lệnh trừng phạt.

Bình luận trên tờ “Hankyoreh” của Hàn Quốc, một chuyên gia kỳ cựu về vấn đề tái thống nhất, chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia, cho biết: “Quyết định của ông Kim khi tiến hành cuộc thử nghiệm hôm 24/3 phần lớn là do chính quyền ông Biden đã “bỏ bê” Triều Tiên. Mỹ có xu hướng giải quyết tình hình một cách thụ động thay vì chủ động dồn mọi nguồn lực ngoại giao để giải quyết bất đồng giữa hai bên”.

Thứ hai, điều thúc đẩy Triều Tiên tiến hành vụ thử hôm 24/3 là khả năng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sẽ không thể đưa ra một phản ứng hiệu quả đối với hoạt động thử nghiệm trong lúc Mỹ đang có quan hệ đối địch với cả Trung Quốc và Nga trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược và Washington lại đang đối đầu với Moscow do chiến dịch quân sự mà Nga phát động ở Ukraine. Mối quan hệ căng thẳng giữa 3 thành viên thường trực của HĐBA sẽ khiến cơ quan này không thể nhanh chóng đưa ra được một nghị quyết nào để bổ sung đòn trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng.

Một cựu quan chức cấp cao của chính quyền Hàn Quốc giải thích: “Đối đầu giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga khiến Hội đồng HĐBA LHQ về cơ bản không thể hoạt động hiệu quả và đây là tình huống mà ông Kim Jong-un đã không bỏ qua”. Bà Sue Mi Terry - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lịch sử và chính sách công Hàn Quốc thuộc Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson của Mỹ - nhấn mạnh thêm rằng Moscow và Bắc Kinh sẽ không để HĐBA LHQ áp đặt thêm trừng phạt đối với Bình Nhưỡng khi cả Nga và Trung Quốc đều đang “găng” với Washington về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Nhân tố thứ ba thúc đẩy ông Kim Jong-un ra quyết định là nhà lãnh đạo này muốn khôi phục mối quan hệ ba bên với Nga và Trung Quốc. Ông Kim coi “tam giác chiến lược” giữa Mỹ-Trung-Nga trong đó bao gồm cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, đối đầu Mỹ-Nga và hợp tác Nga-Trung là cơ hội chiến lược để khôi phục hợp tác ba bên với Nga và Trung Quốc để có thể đạt được nhiều lợi thế hơn trong các hoạt động đối ngoại. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mối quan hệ “tay ba” với Moscow và Bắc Kinh đã giúp hỗ trợ an ninh quốc gia và giúp vực dậy hoạt động kinh tế của Bình Nhưỡng.

Ông Kim Jong-un ra quyết định thực hiện cuộc thử nghiệm hôm 24/3 trong lúc ông Joe Biden đang công du châu Âu nhằm thắt chặt vòng siết trừng phạt đối với Nga. Nếu ông Joe Biden buộc phải chuyển hướng dù chỉ một phần nguồn lực ngoại giao từ hai mặt trận đối đầu với Nga và Trung Quốc sang vấn đề Triều Tiên, vụ phóng thử đó sẽ mang lại tác dụng “đỡ đòn” phần nào cho Moscow và Bắc Kinh.

Theo giới chuyên gia, nhiều khả năng, Bình Nhưỡng sẽ tiến hành thêm những hành động tương tự trong tương lai. Và điều đó có thể xảy ra trong tháng 4 này. Đây không chỉ là tháng kỷ niệm “Ngày Mặt trời” – Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông Kim Nhật Thành, ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, vào ngày 15/4 - mà còn là tháng sẽ diễn ra những cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn và giai đoạn tiến tới quá trình chuyển giao quyền lực tại Hàn Quốc.

PV (tổng hợp)
.
.
.