Tương lai khó đoán định của Afghanistan trước bóng ma Taliban

Thứ Bảy, 07/08/2021, 14:25

Với việc quân đội Mỹ và một số nước khác tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan, Taliban liên tục tăng cường các hoạt động, giành lại quyền kiểm soát nhiều khu vực tại quốc gia Nam Á này trong mấy ngày gần đây.

Tương lai khó đoán định của Afghanistan trước sự lớn mạnh của Taliban  -0

Taliban nhân cơ hội lực lượng quốc tế rút lui đã tăng cường các hoạt động ở Afghanistan. Ảnh Getty Images.  

Ngày 6/8, đại diện cảnh sát tỉnh Nimruz ở Tây Nam Afghanistan cho biết, thủ phủ Zaranj của tỉnh này đã rơi vào tay Taliban. Trong khi đó, một phát ngôn viên của Taliban tuyên bố trên Twitter rằng quân nổi dậy đã “giải phóng hoàn toàn” tỉnh Nimroz và kiểm soát văn phòng thống đốc, trụ sở cảnh sát cùng nhiều toà nhà hành chính khác.

Zaranj là thủ phủ đầu tiên rơi vào tay Taliban kể từ sau khi Washington đạt được thoả thuận với tổ chức này vào tháng 2/2020 về việc rút quân của Mỹ. Đây là một thành phố tương đối xa xôi của Afghanistan, với hơn 63.000 dân. Tuy nhiên, là một tỉnh biên giới với nhiều hoạt động buôn bán cả hợp pháp và bất hợp pháp, việc tiếp quản Nimruz sẽ mang lại cho Taliban một nguồn thu đáng kể từ hải quan. Nimruz là một tỉnh có chung đường biên giới với Iran và Pakistan, trong khi Zaranj là một thành phố lịch sử nổi tiếng hàng đầu nhưng lại bị chiến tranh tàn phá.

Trong những tháng gần đây, quân nổi dậy Taliban đã chiếm được hàng chục huyện và cửa khẩu biên giới, gây sức ép lên một số thủ phủ cấp tỉnh, bao gồm Herat ở phía Tây và Kandahar ở phía Nam. Điều này giúp Taliban có quyền thu phí các phương tiện qua lại giữa Pakistan, Iran và Afghanistan.

Không dừng lại ở đó, tại Kabul, Taliban hôm 6/8 đã giết Dawa Khan Menapal, người đứng đầu Trung tâm Thông tin và Truyền thông chính phủ Afghanistan. Vụ ám sát nhằm làm suy yếu chính phủ dân cử của Tổng thống Ashraf Ghani.

Tại nhiều nơi khác, các tay súng Taliban đã có các cuộc đụng độ với các lực lượng của Afghanistan cũng như tấn công các lực lượng liên kết với chính phủ, tăng cường sự kiểm soát tại các thị trấn biên giới. Các nguồn tin của Taliban cho biết nhóm này đang “ăn mừng” và sự thất bại của quân chính phủ ở Zaranj sẽ nâng cao tinh thần cho các chiến binh của họ.

Những động thái mới này khiến Anh đưa ra cảnh báo đối với tất cả công dân của mình tại Afghanistan cần rời khỏi nước này ngay lập tức do “tình hình an ninh xấu đi nghiêm trọng”. Công dân Anh tại Afghanistan được khuyến khích rời khỏi nước này bằng các phương tiện thương mại, không nên chờ đợi hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao bởi các nguồn lực rất hạn chế.

Mới đây, người đứng đầu Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc (LHQ) ở Afghanistan Deborah Lyons cảnh báo, quốc gia Nam Á bị chiến tranh tàn phá này đang đứng trước “thảm họa”. Phát biểu trực tuyến từ Kabul trước 15 thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, bà Lyons nhấn mạnh: “HĐBA cần đưa ra một tuyên bố rõ ràng rằng, Taliban phải ngừng ngay các vụ tấn công vào nhiều thành phố” tại Afghanistan.

Tương lai khó đoán định của Afghanistan trước sự lớn mạnh của Taliban  -0

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tuyên bố Mỹ đến Afghanistan không phải để giúp kiến thiết quốc gia, mà là để loại trừ al-Qaeda và mục tiêu đã hoàn thành từ lâu. Ảnh Getty Images.  

Taliban lâu nay được biết đến như là một lực lượng Hồi giáo cực đoan muốn thành lập một Tiểu vương quốc Hồi giáo ở Afghanistan. Taliban có nguồn gốc từ các nhóm phiến quân Hồi giáo Mujahedeen của Afghanistan trong thập niên 1980. Các nhóm phiến quân này được một loạt cường quốc, bao gồm Mỹ, tài trợ và trang bị vũ khí để chống lại lực lượng Liên Xô lúc bấy giờ hiện diện ở Afghanistan.

Giai đoạn thống trị của Taliban từ năm 1995 tại Afghanistan chấm dứt với sự can thiệp của Mỹ vào năm 2001. Lý do cho cuộc trừng phạt này là do Taliban đã chứa chấp tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda, thủ phạm gây nên vụ khủng bố ngày 11/9 tại nước Mỹ.

Cho dù bị đánh bật khỏi vị trí nắm quyền ở Afghanistan, trong suốt 20 năm qua, Taliban vẫn duy trì một bộ máy nhà nước của riêng mình, có tên gọi là Vương quốc Hồi giáo Afghanistan với lá cờ riêng, và một chính phủ ngầm cai quản 34 tỉnh trong cả nước. Tồn tại song song với chính quyền ở thủ đô Kabul, Taliban thậm chí nhiều thời điểm gây khó dễ cho chính phủ và cả liên quân nước ngoài. Kể từ năm 2006, nhóm này đã tái tập hợp và huy động các tay súng để gây rối, tổ chức tấn công vào lực lượng nước ngoài.

Từ năm 2001, đã có hơn 40.000 dân thường thiệt mạng vì các cuộc giao tranh giữa Taliban và liên quân do Mỹ đứng đầu. Ít nhất 64.000 binh lính quân đội và cảnh sát nước này đã bỏ mạng và hơn 3.500 binh lính nước ngoài tử nạn. Điều đó cho thấy nguồn lực rất lớn và khả năng tổ chức và duy trì sự tồn tại của Taliban bất chấp mọi hoàn cảnh.

Theo một ủy ban của Liên Hợp Quốc, Taliban kiếm được gần 1,5 tỷ USD mỗi năm. Số tiền này thu được từ việc hợp tác với các băng đảng địa phương để buôn bán ma túy trong khu vực. Năm 2020, Taliban đã kiếm được hàng triệu USD từ khai thác và buôn bán khoáng sản, và thậm chí sản xuất ma túy tổng hợp. Lực lượng này cũng có hệ thống thu thuế riêng và nhận tài trợ từ nước ngoài.

Vị thế của Taliban đã thay đổi rất nhiều sau 20 năm kể từ khi xảy ra cuộc chiến tranh tại Afghanistan. Từ chỗ là một lực lượng vũ trang cực đoan có nhiều mối liên hệ với khủng bố, Taliban giờ đây có thể đường hoàng đối thoại với Mỹ, với Chính phủ Afghanistan và các cường quốc khác như một lực lượng chính trị- quân sự độc lập.

Có nhiều lý do có thể giải thích cho sự trỗi dậy của Taliban, bao gồm việc chính quyền Afghanistan ở Kabul tham nhũng và thiếu năng lực, thiếu chiến lược, tác động tiêu cực của chiến dịch quân sự nước ngoài, sự phụ thuộc ngày càng tăng vào hỗ trợ tài chính và quân sự nước ngoài cũng như sự cạnh tranh trong khu vực.

Tương lai khó đoán định của Afghanistan trước sự lớn mạnh của Taliban  -0

Một binh sĩ Afghanistan canh gác tại căn cứ không quân Bagram sau khi binh sĩ nước ngoài rời khỏi. Ảnh Getty Images. 

Thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban năm 2020 làm sáng lên tia hy vọng về khả năng chấm dứt cuộc chiến kéo dài bằng giải pháp chính trị và giảm khả năng Afghanistan một lần nữa trở thành nơi trú ẩn cho những kẻ khủng bố. Tuy vậy, các nỗ lực hòa bình dường như đã mất đà sau khi Mỹ rút quân.

Cuối tháng 7/2021, Taliban tuyên bố đã kiểm soát 90% đường biên giới Afghanistan. Ước tính nhóm này kiểm soát hơn một nửa trong số khoảng 400 huyện lỵ của Afghanistan.

Phần lãnh thổ mà Taliban đã chiếm được củng cố vị thế của họ trong các cuộc đàm phán, đồng thời cũng tạo ra nguồn thu dưới dạng thuế và chiến lợi phẩm.

Mỹ đã cảnh báo rằng Washington sẽ không công nhận chính quyền Taliban ở Kabul nếu nhóm này chiếm Kabul bằng vũ lực. Dù vậy, cảnh báo này khó có thể ngăn cản Taliban tìm cách đánh chiếm thủ đô. Taliban đã cải thiện mối quan hệ với các quốc gia lân cận, như Iran, Nga và một số quốc gia Trung Á từng phản đối chế độ này vào những năm 1990. Gần đây nhất, nhóm này đã bắt tay với Trung Quốc. 

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley hôm 21/7 thừa nhận cán cân chiến lược tại Afghanistan đang nghiêng về Taliban. Giới chuyên gia quan ngại rằng, tương lai của Afghanistan đang trở nên mờ mịt hơn khi nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài đang giảm sút trong khi Taliban lại lớn mạnh và quyết liệt hơn mỗi ngày.

Duy Tiến
.
.
.