Thúc đẩy đối thoại hòa bình để giải quyết khủng hoảng Ukraine

Thứ Ba, 15/08/2023, 06:36

Đức kêu gọi tổ chức thêm các cuộc thảo luận quy mô quốc tế để tìm giải pháp chính trị cho xung đột đang diễn ra ở Ukraine, trong khi Trung Quốc đánh giá cuộc khủng hoảng Ukraine có cơ hội được giải quyết nhanh chóng nếu Mỹ và phương Tây thể hiện vai trò tích cực hơn nữa.

Hãng tin DW của Đức ngày 14/8 dẫn lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz đánh giá cao các hội nghị quốc tế về tình hình Ukraine diễn ra đầu tháng 8/2023 ở Jeddah (Arab Saudi) và ở Copenhagen (Đan Mạch) tháng 6/2023. Ông Scholz kêu gọi tổ chức thêm các cuộc thảo luận tương tự nhằm sớm đạt được giải pháp chính trị chấm dứt xung đột Ukraine. “Chúng rất quan trọng và chúng chính là bước khởi đầu”, ông Scholz phát biểu thêm. Đáng chú ý, nhà lãnh đạo Đức cũng cho rằng, sự tham gia của Trung Quốc vào các cuộc đàm phán có vai trò quan trọng, bởi Bắc Kinh hiện giữ vai trò đối tác thương mại quốc tế quan trọng hàng đầu của Nga.

Thúc đẩy đối thoại hòa bình để giải quyết khủng hoảng Ukraine -0
Một thiết giáp bị thiêu rụi trong cuộc xung đột ở Ukraine. Ảnh: Freepik

Nga và Ukraine có quan điểm khác nhau về cách thức cũng như nội dung của các cuộc đàm phán hòa bình. Tại đối thoại ở Arab Saudi hồi đầu tháng với sự góp mặt của đại diện hơn 40 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Qatar, Mỹ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Đức, nhiều nước châu Âu khác và Ukraine, Kiev rất nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ dành cho kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 11/2022. Sau sự kiện trên, Kiev thể hiện “hài lòng” với kết quả trong khi nước chủ nhà Arab Saudi khẳng định các đại biểu tham dự hội nghị đã nhất trí về tầm quan trọng của việc tiếp tục tham vấn quốc tế và trao đổi quan điểm, theo cách góp phần xây dựng nền tảng chung mở đường cho hòa bình tại Ukraine.

Ở chiều ngược lại, Moscow đánh giá các nước phương Tây và Ukraine tìm cách ra “tối hậu thư” với Nga thông qua hội nghị ở Arab Saudi chứ không phải thúc đẩy giải pháp mà nước này có thể chấp nhận được. Nga từ lâu khẳng định cuộc xung đột ở Ukraine chỉ có thể kết thúc nếu phương Tây dừng viện trợ vũ khí cho Ukraine, dỡ bỏ trừng phạt và đáp ứng các điều kiện an ninh của họ.

Đức hiện là một trong những quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine với giá trị các gói lên đến 12 tỷ USD. Từ năm ngoái, Đức đã chuyển cho Ukraine nhiều hệ thống vũ khí hiện đại, bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2, thiết giáp Marder, M113, tổ hợp tên lửa phòng không Patriot và Iris-T, pháo phòng không tự hành Flakpanzer Gepard cùng nhiều loại đạn dược. Truyền thông phương Tây cho biết, Berlin dường như còn đang thảo luận về việc gửi tên lửa hành trình Taurus có tầm bắn lên đến 500km cho Ukraine, động thái chắc chắn sẽ khiến Nga phản ứng dữ dội. Khi được hỏi về khả năng chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine trong tương lai gần, ông Scholz đã không đưa ra câu trả lời trực tiếp mà cho biết, Berlin “sẽ xem xét mọi quyết định một cách rất cẩn trọng”.

Từ phía Trung Quốc, khi trả lời phỏng vấn với tờ Berliner Zeitung của Đức, Đại sứ Trung Quốc ở Berlin Ngô Khẩn nói rằng, Bắc Kinh sẽ không từ bỏ các nỗ lực quốc tế nhằm lập lại hòa bình ở Ukraine. Bình luận về câu hỏi Trung Quốc có thể đề nghị Nga dừng chiến dịch quân sự hay không, ông Ngô Khẩn khẳng định, cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine có ảnh hưởng đến lợi ích an ninh của châu Âu và nếu “châu Âu và Mỹ không đóng vai trò tích cực hơn, cuộc khủng hoảng sẽ không kết thúc sớm, bất kể Trung Quốc hành động như thế nào”. Theo quan chức ngoại giao Trung Quốc, “người Mỹ có ảnh hưởng đặc biệt đến an ninh của châu Âu, nhưng họ dường như không quan tâm đến việc đạt được một giải pháp chính trị nhanh chóng”, tờ SCMP dẫn lời. Ông Ngô Khẩn cũng nhấn mạnh Trung Quốc và Nga có “mối quan hệ láng giềng tốt đẹp”.

Từ khi chiến sự nổ ra, Trung Quốc thể hiện họ sẵn sàng đóng vai trò tích cực và đưa ra một kế hoạch hòa bình 12 điểm hồi tháng 2/2023. Tháng 4/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky về tình hình chiến sự. Không lâu sau, Bắc Kinh cử đặc phái viên Lý Huy tới Nga, Ukraine và một số quốc gia châu Âu nhằm tìm kiếm kế hoạch khả thi đưa Moscow-Kiev trở lại bàn đàm phán. Theo DW, ông Lý Huy cũng có mặt ở hội nghị Arab Saudi và đối thoại về tình hình Ukraine với phái đoàn Mỹ. Một phát ngôn viên của Nhà Trắng sau đó xác nhận cuộc gặp Mỹ-Trung về Ukraine diễn ra “hiệu quả”.

Từ Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định đặc phái viên Lý Huy tiến hành “liên lạc và trao đổi sâu rộng với các bên về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng, đồng thời lắng nghe mọi ý kiến và đề xuất”. Sau hội nghị Arab Saudi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bộ trưởng Ngoại giao nước này Vương Nghị đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Trong cuộc điện đàm, ông Vương nhấn mạnh, “về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Trung Quốc sẽ giữ lập trường độc lập và vô tư, đưa ra tiếng nói khách quan và hợp lý, tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và cố gắng tìm kiếm giải pháp chính trị trong các sự kiện đa phương quốc tế”.

Thái Hà
.
.
.