Nhật Bản chạy đua với thời gian sau thảm họa động đất

Thứ Sáu, 05/01/2024, 07:28

72 tiếng đầu tiên sau mỗi trận động đất được coi là khoảng thời gian vàng cho mọi nỗ lực cứu hộ, chính vì vậy, hàng nghìn sĩ quan quân đội, lính cứu hỏa và cảnh sát tại Nhật Bản đang chạy đua với thời gian để cứu sống càng nhiều người càng tốt sau thảm họa đầu năm mới 2024.

Theo các trang tin tức của Nhật Bản, tính đến tối 4/1, hơn 80 người được xác nhận là đã thiệt mạng tại tỉnh Ishikawa và hơn 50 người khác vẫn còn mất tích sau trận động đất mạnh 7,6 độ richter, xảy ra ngoài khơi Bán đảo Noto phía Tây Nhật Bản vào ngày 1/1.

Trang Yomiuri Shimbun đưa tin, số người bị thương trong trận động đất đã lên đến gần 400, trong đó chỉ riêng ở Ishikawa là hơn 320 người. Tất cả các trường hợp tử vong đều được báo cáo gần tâm chấn của trận động đất. Theo các quan chức trong khu vực, hơn 33.000 người đã phải sơ tán khỏi nhà và khoảng 100.000 ngôi nhà hiện không có nguồn cung cấp nước. Theo Công ty Điện lực Hokuriku, hơn 30.000 hộ dân bị mất điện tại khu vực bị ảnh hưởng tính đến chiều 4/1.

Nhật Bản chạy đua với thời gian sau thảm họa động đất -0
Đường sá tại Ishikawa bị phá hủy sau động đất. Ảnh AP.

Trong khi đó, lực lượng cứu hộ gồm binh sĩ quân đội, lính cứu hỏa và cảnh sát trên khắp Nhật Bản đang chống chọi với cái lạnh và chạy đua với thời gian tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trong những ngôi nhà gỗ cũng như các tòa nhà thương mại bị trận động đất mạnh đánh sập. Bộ trưởng Quốc phòng Minoru Kihara cho biết, quân đội Nhật Bản đã phái một tàu đổ bộ chở máy móc hạng nặng đến bờ biển bán đảo Noto, trong khi chó nghiệp vụ cũng được huy động để lùng sục đống đổ nát.

Ngày 4/1, hàng chục khu vực dân cư ở Ishikawa vẫn đang bị cô lập. Nỗ lực cứu hộ vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Thiệt hại nặng nề tại bán đảo Noto đã làm tăng thêm thách thức trong việc tiếp cận một số cộng đồng dân cư. Dịch vụ cung cấp nước, điện và điện thoại di động vẫn không hoạt động ở một số khu vực. Đã có gần 600 dư chấn kể từ trận động đất chính, cùng với đó, dự báo sẽ có mưa và tuyết trong vài ngày tới ở khu vực Ishikawa, cách Tokyo khoảng 315km về phía Tây Bắc, làm tăng nguy cơ lở đất. Những cơn dư chấn mạnh và nhiệt độ lạnh giá đã làm tăng thêm mối lo ngại của hàng nghìn người đang tìm kiếm thức ăn, nước uống và nơi trú ẩn.

Theo các chuyên gia, 3 ngày đầu tiên có vai trò đặc biệt quan trọng vì hy vọng sống sót của các nạn nhân sẽ giảm mạnh sau thời điểm này. Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban ứng phó thiên tai ngày 4/1 tại Văn phòng Thủ tướng, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh: “Đây là một tình huống rất khó khăn. Tôi yêu cầu các bạn nỗ lực hết sức để cứu càng nhiều sinh mạng càng tốt vào tối nay, khi 72 giờ quan trọng của thảm họa sẽ trôi qua”. 72 giờ vàng trong vụ việc này kết thúc vào tối 4/1. Thủ tướng Nhật Bản cũng thông báo rằng số lượng quân được điều động đến khu vực để thực hiện các hoạt động cứu hộ sẽ được tăng từ khoảng 1.000 lên 4.600.

Ngoài ra, ông Kishida cũng đề cập đến việc hỗ trợ nhu yếu phẩm hàng ngày cho những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất, đồng thời cho biết: “Chính phủ sẽ huy động mọi nguồn lực, với quyết tâm làm mọi thứ có thể để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng cũng như đánh giá chính xác nhu cầu của họ”. Ông kêu gọi mọi nguồn lực nhằm giúp các con đường nhanh chóng được sửa chữa để có thể vận chuyển thực phẩm, chăn màn và các vật dụng khác đến các trung tâm sơ tán một cách suôn sẻ.

Ngày giao dịch đầu tiên trên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo thường là một dịp để ăn mừng với tiếng chuông lớn và sự nhộn nhịp, vui vẻ. Tuy nhiên, ngày mở màn năm nay lại được đánh dấu bằng một khoảnh khắc im lặng, khi mọi người cúi đầu tưởng nhớ những người đã khuất. Bộ trưởng Tài chính Nhât Bản Shunichi Suzuki phát biểu: “Tôi muốn bày tỏ lời cầu nguyện chân thành cho linh hồn của những người đã mất và sự cảm thông sâu sắc nhất tới tất cả những người phải chịu đựng thảm họa”.

Toàn bộ mức độ thiệt hại và thương vong vẫn chưa được thống kê cụ thể sau trận động đất được cho là kinh hoàng nhất ở Nhật Bản kể từ năm 2016, khi một trận động đất khác mạnh 7,3 độ richter xảy ra ở Kumamoto khiến 220 người thiệt mạng.

Nhật Bản nằm trên “Vành đai lửa Thái Bình Dương”, nơi các mảng kiến tạo trên Trái đất gặp nhau, vì vậy, quốc gia này đặc biệt dễ xảy ra động đất hay phun trào núi lửa. “Đất nước mặt trời mọc” mỗi năm chứng kiến hàng nghìn cơn địa chấn, chiếm đến hơn 20% số vụ động đất mạnh trên 6 độ richter của toàn thế giới, nhưng hầu hết đều gây ra ít hoặc không gây thiệt hại gì. Hồi năm 1995, một trận động đất mạnh 7,3 độ richter xảy ra tại miền Trung Nhật Bản, tàn phá thành phố cảng Kobe. Đây là thảm họa động đất kinh hoàng hàng đầu tại nước này, khiến 6.400 người chết, thiệt hại hơn 100 tỷ USD.

Năm 2011, vùng Đông Bắc Nhật Bản hứng chịu một trong những trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận. Trận động đất dưới đáy biển có cường độ 9,0 độ richter đã gây ra một cơn sóng thần lớn quét sạch toàn bộ những gì nó đi qua và gây ra cuộc khủng hoảng tại nhà máy hạt nhân Fukushima. Ít nhất 18.500 người đã thiệt mạng. Rất may mắn, sau trận động đất ngày 1/1, chưa ghi nhận trường hợp nhà máy điện hạt nhân nào của Nhật Bản bị ảnh hưởng.

Tiến Duy
.
.
.