Ông lão khắc tinh của rắn độc và việc làm thiện nguyện giúp đời

Chủ Nhật, 27/12/2015, 14:19
Tại xã Tân Hóa, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, khi được hỏi về người khắc tinh của loài rắn độc thì ai cũng biết đến ông Vi Văn Đào (SN 198). Ông Đào quê gốc tại huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), vùng đất nổi tiếng về quả vải, vừa ngọt vừa thơm, và đầy đặn thớ thịt.

Sống giữa đại ngàn Tây Nguyên, đó là sống giữa rừng núi, thiên nhiên hoang dã. Cuộc sống nơi đây giúp con người có không khí trong lành, cũng như hòa mình vào cùng tự nhiên. Tuy vậy, cuộc sống ở đây không phải lúc nào cũng hoàn hảo, đó là nguy cơ phải đối đầu với nhiều loài rắn độc. Dù cẩn trọng đến đâu, nhưng rắn vốn là loài khéo léo trong lúc di chuyển nên việc phát hiện ra nó trước khi bị tấn công là rất khó. Vì vậy, rất nhiều người dân trong lúc đi làm hay bị rắn độc cắn, có người tử vong, càng khiến cho họ sợ loài rắn hơn. Tuy nhiên, giữa đại ngàn Tây Nguyên lại có một ông lão là khắc tinh của loài rắn độc.

Băng núi rừng “tầm sư học đạo”

Chúng tôi tìm về xã Tân Hóa (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) vào một ngày đẹp trời. Đây là vùng đất nằm lọt giữa cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn. Đến với núi rừng, con người ta như cởi bỏ được đi bao ưu tư, phiền não, như khi ta đứng trước biển. Thiên nhiên lúc nào cũng hào phóng và rộng lượng, mặc dù chúng ta đang ngày một tàn phá đi vẻ đẹp tự nhiên của nó. Những tán cây cứ thầm lặng tỏa ra bóng mát che chở cho muôn loài, còn chúng vẫn “đối đầu” với nắng mưa hằng ngày.

Tại xã Tân Hóa, khi được hỏi về người khắc tinh của loài rắn độc thì ai cũng biết đến ông Vi Văn Đào (SN 198). Ông Đào quê gốc tại huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), vùng đất nổi tiếng về quả vải, vừa ngọt vừa thơm, và đầy đặn thớ thịt. Nhưng do cuộc sống mưu sinh mà ông đã lên vùng đất đại ngàn này để lập nghiệp, rồi gắn bó cuộc đời nơi đây. Tên tuổi ông đã gắn liền với biệt tài chữa trị cho những người bị rắn độc cắn.

Ông Đào tuổi đã cao nhưng còn rất nhanh nhẹn và hoạt bát. Với mái tóc trắng bạc và làn da đen nâu bị nắng gió Tây Nguyên nhuộm càng khiến cho người đối diện ông thêm phần tò mò. Là khắc tinh của loài rắn độc, nhưng ông rất hiền lành, đôi mắt lúc nào cũng ánh lên sự yêu thương, muốn đùm bọc giúp đỡ bất cứ ai muốn nhờ vả. Tên tuổi ông giữa đại ngàn Tây Nguyên khiến ai cũng phải nể, nhưng khi chúng tôi hỏi thì ông hết sức khiêm tốn.

Ông Đào tâm sự về quãng đời của mình.

Ông chỉ cười nói rằng mình không có tài cán gì, chẳng qua duyên may gặp được thầy giỏi truyền lại phương thuốc bí truyền. Nhưng để đạt được thành quả như ngày hôm nay, ông đã phải vất vả “tầm sư học đạo” và mày mò suy nghĩ trong suốt một thời gian dài. Khi còn sinh sống tại Bắc Giang, gia đình ông Đào rất nghèo. Tổ tiên ông vốn là người dân tộc Tày nên cuộc sống gắn liền với thiên nhiên, và mối nguy từ rắn độc luôn khiến cho ai cũng phải dè chừng.

Từ nhỏ, ông chứng kiến cảnh nhiều người bị rắn độc cắn, có người không biết phương pháp điều trị đã không qua khỏi. Cảnh này khiến ông buồn bã, ước ao mình có thể học được một phương thuốc để cứu người khỏi chất kịch độc từ rắn. Thế rồi năm 20 tuổi, ông Đào khăn gói quần áo, đồ ăn thức uống đi khắp núi rừng tìm thầy học. Quãng thời gian băng qua nhiều cánh rừng khiến người trai trẻ gầy đi và bị nhiều vết thương trên người. Nhưng may mắn thay, người thanh niên ấy vẫn kiên trì và đủ sức khỏe để tiếp tục cuộc hành trình.

Ông đi qua hết bản này đến bản khác, nhưng tìm mãi mà chưa gặp được người thầy muốn gặp. Đôi lúc ông rất chản nản, muốn bỏ dở ước mơ mà mình đã nhen nhóm bấy lâu nay. Rồi những lúc nghỉ ngơi bên tảng đá, ông cứ suy nghĩ tiêu cực, không biết mình “tầm sư học đạo” để làm gì khi phải rời bỏ gia đình, thiếu thốn sự yêu thương. Lương thực ông mang trên chiếc gùi sau lưng cũng không còn nhiều nên việc chưa tìm được thầy để học càng khiến ông bất lực hơn.

Hơn nữa, lúc ấy ông mới 20 tuổi, cái tuổi khó mang đến cho con người ta sự chín chắn, cũng như kinh nghiệm trải đời không có càng khiến cho ý chí dễ lung lay. Nhưng đó cũng là tuổi mà con người dám làm những điều dám nghĩ. Ông Đào nhiều lần muốn quay lại mái nhà xưa, nơi ấy những người thân trong gia đình lúc nào cũng rạng rỡ đón ông. Họ không mong ông phải vất vả như vậy chỉ để học nghề trị độc rắn.

Nhưng trước khi đi, ông đã xin mẹ, đã nói những lời nhiệt huyết nhất để thuyết phục, nên giờ nếu ông quay về cũng cảm thấy ngại với những gì đã nói ra. Tuy nhiên, cái trên hết khiến ông Đào không bỏ cuộc là muốn học cho bằng được phương thuốc để cứu chữa cho mọi người. Đó mới là thứ thúc đẩy ông mạnh mẽ nhất để đi tìm cho bằng được người thầy muốn gặp.

Vì vậy, ông Đào bắt đầu đứng lên nơi ông cảm thấy mệt mỏi để tiếp tục cuộc hành trình. Ông đi qua bản làng, ở nơi nào ông cũng cố gắng hỏi cho bằng được người thầy nào giỏi nhất về cách trị độc rắn. Cứ như vậy, bước chân ông đã băng qua nhiều ngọn đồi, nhiều cánh rừng, chỉ cần ngoái đầu nhìn lại thôi là không muốn đi lại con đường cũ. Đó là những chặng đường ẩm ướt hơi sương, gai rừng, những tiếng hú, tiếng kêu của muôn thú, và đáng sợ nhất là loại rắn độc.

Phải cực kỳ chịu khó gian khổ, phải thật sự muốn cứu người giúp đời, ông Đào mới có thể “đơn phương độc mã” đi một quãng đường xa như vậy để xin học. Thời gian cứ thế trôi qua, nhưng đi mãi mà ông Đào vẫn không tìm được người thầy giỏi về trị độc rắn. Mục đích ban đầu có vẻ bị mai một dần khi sức khỏe người thanh niên bị giảm sút, và nhất là ý chí không còn vững vàng như xưa.

Học đến khi nào được thầy truyền “bí kíp”

Hơn một năm trời băng rừng lội suối trôi qua, kết quả mà chàng trai 20 tuổi vẫn chỉ là một con số không tròn trịa. Trên khắp mình mẩy người thanh niên đâu đâu cũng có vết xước bởi cây rừng. Cuối cùng chuyến đi định mệnh của ông cũng được đền đáp xứng đáng. Một ngày nọ, ông đi đến một bản làng của người Tày thuộc vùng núi Bắc Giang.

Cũng như những lần trước ở các bản làng khác, ông lân la hỏi hết người này đến người khác về ông thầy khắc tinh của rắn độc, và được mọi người giới thiệu đến một người, mà sau đã trở thành người thầy đáng kính của ông Đào. Ông càng cảm thấy hứng khởi hơn khi đến nhà ông thầy được chỉ dẫn. Hiện diện trước mắt ông là người thầy thuốc già trông như ông tiên đang bốc thuốc cho những bệnh nhân không may bị rắn cắn.

Nhìn qua cử chỉ và chứng kiến sự ân cần của người thầy thuốc kia với bệnh nhân đã tạo lòng tin thêm cho chàng trai trẻ. Sau khi chữa trị cho những bệnh nhân, người thầy thuốc già quay sang hỏi ông Đào đến đây có việc gì. Không hề giấu giếm mục đích cao cả của mình, người thanh niên đã tỏ bày nguyện vọng: “Con băng rừng lội suối từ miền đất xa đến đây để tìm thầy học nghề chữa trị cho những ai không may bị rắn độc cắn. Ở quê con nhiều người không có phương pháp chữa đã tử vong, con rất đau lòng. Nay con muốn xin làm học trò của thầy để sau này làm việc thiện nguyện cứu giúp đời”.

Lời thỉnh cầu chân thành của chàng thanh niên đã được người thầy thuốc già chấp nhận. Không những thế, người thầy còn tỏ ra rất cảm mến và ưu ái cho chàng trai. Trước khi đến gặp thầy, ông Đào đã được nghe người dân nói muốn làm học trò của thầy rất khó, càng khó hơn nếu muốn thầy truyền lại bài thuốc trị rắn độc cắn. Bởi đây là bài thuốc gia truyền nhiều đời, không phải ai giỏi giang cũng có thể được truyền thụ, kể cả đó là con cái hay người trong dòng tộc. Nên đến nay bài thuốc vẫn chưa có người kế nghiệp mặc dù thầy cũng đã già.

Nghe vậy nhưng ông Đào không nản chí, mà ngược lại còn rất tự tin mình là truyền nhân của thầy. Sau khi được thầy nhận làm học trò, chàng trai trẻ luôn luôn hết mình học tập đến nơi đến chốn. Nhưng quãng thời gian xa nhà đã nhiều lần khiến ông muốn quay về, nhưng biết làm sao bây giờ, khi mới đến học hành chưa được bao lâu, cũng như thầy vẫn chưa truyền lại phương thuốc gia truyền.

Nghĩ thế, ông Đào càng năng học hỏi nhiều hơn. Hằng ngày, ông theo thầy đi lên rừng núi lấy thuốc, rồi học cách nhìn nhận cây thuốc, tác dụng của nó. Từ đây ông Đào thu nhận được nhiều kiến thức về những thứ cây thuốc. Càng học, ông càng tỏ ra đam mê, thích thú. Không những được thầy chỉ bảo tận tình, nhiều lần, ông còn được thầy cho phụ trị bệnh cứu người. Việc làm này đã giúp ông có thêm kinh nghiệm.

Ngoài những kiến thức chuyên môn được học, ông Đào còn được thầy dạy về đạo lý làm người. Đó là cách làm người để sao không hổ thẹn với lòng mình khi nhắm mắt xuôi tay. Cũng như muốn cho cuộc đời tốt đẹp lên, bản thân mình phải nỗ lực cố gắng hết mình, sau đó là rộng lòng cứu giúp những người còn khó khăn, bệnh tật. Và trên hết là tư cách đạo đức của một người thầy thuốc, phải yêu người bệnh như yêu bản thân mình.

Trải qua chuỗi ngày dài bên cạnh thầy, ông Đào càng chứng tỏ được sự thông minh sáng tạo của mình. Chính vì vậy, chẳng mấy chốc mà ông được thầy yêu mến, tin tưởng. Nhưng để được truyền lại bài thuốc gia truyền không phải là chuyện dễ dàng gì. Nhưng ông Đào vẫn không nôn nóng mà tiếp tục theo nghề cho bằng được. Cuộc sống những ngày ở bên thầy đã giúp ông trưởng thành hơn và biết yêu thương nhiều hơn.

Biết thầy chỉ giao lại bài thuốc trị độc rắn cho người mà thầy nhận thấy hợp lý nhất nên ông Đào cũng không đòi hỏi, bởi ông hiểu mọi việc đều có nguyên do, và hơn hết đó là cái duyên. Cái duyên sẽ đến nếu như mình thành tâm và cố gắng hết sức. Nghĩ như vậy nên ông Đào không bao giờ có ý tham lam, bởi ông hiểu hơn ai hết về tính cách của thầy.

Chính những điều biết nghĩ cho thầy, biết nghĩ về đời như vậy càng làm cho người thầy thêm cảm mến cậu học trò ở xứ xa. Những lúc thầy ốm đau, người học trò luôn bên cạnh, không rời nửa bước. Chính tấm lòng “tôn sư trọng đạo” của người học trò đã khiến cho người thầy động lòng và quyết định trao truyền lại phương thuốc trị độc rắn. Sau khi được thầy truyền thụ, cũng là lúc ông Đào nên trở về quê nhà, nhưng không hiểu sao, ông không về mà ở lại cho đến khi thầy “khuất núi” mới đi.

Khắc tinh của rắn độc và việc làm thiện nguyện

Khi trò chuyện với chúng tôi về những ký ức xa xưa, đôi mắt ông Đào như chực đổ lệ. Đôi lúc ông còn im lặng rất lâu, mặc dù trước đó ông là người rất vui vẻ. Ông lên vùng đất đại ngàn Tây Nguyên này cũng đã được nhiều năm, nhưng bản chất là người vùng đất Bắc Giang vẫn hằn sâu đậm trong ông, đó là sự kiên trì, quyết đoán và gan dạ.

Bao nhiêu năm, dù cuộc sống mưu sinh có bộn bề hay tuổi cao sức yếu, nhưng ông Đào vẫn còn đó niềm đam mê với bài thuốc trị độc rắn. Càng đam mê, càng nghĩ ngợi bao nhiêu ông lại càng nhớ về người thầy “muôn năm cũ” của mình. Đúng là đời người như chiếc lá, rụng khi nào không biết, như bông hoa nở không biết khi nào tàn.

Từng ấy năm làm kinh tế trên vùng đất mới Tây Nguyên, ông Đào đã hòa nhập vào bản sắc và cách sống của người dân nơi đây, cũng như cái đói cái nghèo đã dần dời xa mà thay vào đó là cuộc sống vừa đủ để ông vui vẻ khi tuổi già. Từ ngày nắm giữ được phương thuốc bí truyền, ông Đào đã hành nghề cứu giúp không biết bao nhiêu người.

Thực hiện theo lời dậy của thầy “cứu một người hơn xây bảy tòa tháp”, ông Đào đã dành toàn bộ tuổi trẻ và sức lực trong nhiều năm qua để ứng dụng bài thuốc thần kỳ một cách hiệu quả nhất. Ông muốn trở thành thầy thuốc không phải để được nổi tiếng mà để cứu chữa cho nhiều người như tâm niệm lúc ông mới ra đi “tầm sư học đạo”.

Mặc dù rất khiêm tốn, sự khiêm tốn chân thành của ông, nhưng tại nơi ông cư ngụ thì ai cũng biết đến tên ông, vị “thần y” chuyên chữa trị độc rắn. Không những thế, có cả những người bị rắn độc rắn chưa được điều trị dứt điểm cũng đã tìm đến ông, cũng như nhiều người đã mời ông về điều trị. Những ai được ông ra tay cứu giúp đều qua khỏi cơn hoạn nạn.

Cách đây không lâu, ông Đào được mời xuống thành phố Hồ Chí Minh để cứu chữa cho một người không may bị rắn hổ chúa cắn. Người này đã đến bệnh viện điều trị nhưng không khỏi nên bác sĩ đã trả về nhà. Nghe tiếng ông Đào nên gia đình người bệnh đã cất công mời ông Đào đến chữa trị. Sau thời gian điều trị không lâu bằng bài thuốc gia truyền, ông Đào đã giúp người bệnh khỏi hoàn toàn.

Ông Đào cho biết, người bị rắn độc cắn sẽ rất nguy hiểm đến tính mạnh nếu như không được cấp cứu kịp thời. Bởi độc tố từ rắn tiêm chích vào cơ thể người sẽ phát tác rất nhanh. Khi bị rắn cắn, nạn nhân nên nhanh chóng lấy dây quấn chặt quanh vùng bị thương để sao cho chất độc tố không chạy nhanh đến tim. Nhưng đó chỉ là biện pháp ban đầu, sau đó cần sơ cứu cho nạn nhân. Tiếp đến là cho nạn nhân uống thuốc và đắp lá vào vết thương.

Tuy vậy, những phương pháp trên không phải ai cũng làm được. Bởi để hiệu quả nhất thì người đó phải biết vết thương là do loại rắn độc nào gây ra để biết còn sử dụng bài thuộc phù hợp. Có như vậy, độc tố trong người mới được loại bỏ hết khỏi cơ thể một cách nhanh nhất mà không ảnh hưởng lớn đến nạn nhân. Bản thân ông Đào do được ôn học trong một thời gian dài, cũng như có nhiều kinh nghiệm trong chữa trị nên chỉ cần nhìn qua vết thương là ông biết nạn nhân do loại rắn độc nào cắn.

Do am hiểu tường tận, và đặc biệt là có bài thuốc chuyên biệt gia truyền nên bất cứ ca nào do rắn độc gây ra ông Đào đều có thể chữa trị được. Vì vậy, nhiều người mới gọi ông là khắc tinh của rắn độc, tức không bao giờ chịu thất bại trước nọc độc của nó. Lúc chúng tôi đang trò chuyện với ông Đào thì có bà Nguyễn Thị Năm (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) đến chơi. Bà Năm cho biết, bà đến để nói lời cảm ơn tới thầy Đào, người đã cứu giúp bà khỏi tay tử thần trong gang tấc.

Bà Năm kể, cách đây không lâu, bà bị rắn cạp nia cắn. Đây là một chi rắn thuộc họ rắn hổ có nọc độc với độc tính đối với hệ thần kinh. Chỉ cần một cú cắn của nó cũng khiến cho nạn nhân bị trụy hô hấp. Sau khi bị rắn cạp nia cắn, bà Năm nằm bất tỉnh khiến người thân trong gia đình không biết xoay sở ra sao. May mắn thay, người nhà biết đến biệt tài của ông Đào nên đã đưa bà đến chữa trị.

Bà Năm kể lại: “Tôi được người thân đưa đến nhà thầy Đào trị bệnh, kỳ lạ thay chỉ sau 30 phút, cơ thể tôi đã cử động được trở lại. Sau đó, tôi tiếp tục được thầy cho uống thuốc và điều trị dưới sự hướng dẫn cho đến khi khỏi hẳn”. Bản thân bà Năm sau khi bị rắn cắn lần đầu còn bị rắn cắn tiếp lần hai. Lần này, bà cũng được ông Đào ra tay cứu giúp.

Một bệnh nhân được ông Đào điều trị cho biết, khi đó anh không may bị loại rắn lục cắn, khiến cơ thể anh tím tái. Không lâu sau, anh run bần bật rồi ngất lịm đi. Gia đình lo lắng nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện nhưng do độc tố phát tác nặng khó cứu chữa nên bệnh viện trả về nhà. Sau đó, người bệnh được mọi người mách bảo tìm đến ông Đào. Cũng như bà Năm, người bệnh nhân này được ông Đào điều trị dứt điểm sau đó không lâu.

Anh đã rất nể phục ông Đào khi vừa nhìn qua, ông đã biết anh bị rắn lục cắn. Sau đó, ông Đào đã đắp thuốc lên vết thương, cũng như sắc thuốc cho người bệnh uống. Sau hai ngày nằm mê man bất tỉnh, người bệnh đã tỉnh táo lại. Sau đó, gia đình người bệnh đã đem tiền và quà đến cảm ơn, nhưng ông Đào nhất quyết không nhận. Một cán bộ địa phương cho biết, việc làm của ông Đào đã giúp đỡ được nhiều người nên nhận được sự động viên, khích lệ của bà con nơi đây, bản thân ông Đào cũng tham gia rất tốt các phong trao trên địa bàn.

Hùng Sơn - Như Phong
.
.
.