Xót xa người mẹ nuôi 5 con bị bệnh tâm thần

Thứ Tư, 23/12/2015, 09:03
Người xưa bảo: "Đàn bà mười hai bến nước", ví như mười hai bến đời, thì bà Nguyễn Thị Mây trải qua cả cái bến thứ mười ba… Vất vả hơn nửa đời người chăm 5 người con tật bệnh, đến nay tóc đã bạc, nỗi cay đắng vẫn chưa dứt. Bà chỉ biết cố gắng, hy vọng một ngày đổi khác.

Ai biết chuyện bà Mây, 54 tuổi, thôn Hòa Đa, xã An Mỹ (Tuy An, Phú Yên) - hơn 20 năm phải gồng mình nuôi năm người trong gia đình bị bệnh tâm thần cũng xót xa. Tôi tìm đến căn nhà cấp 4 lợp ngói tuềnh toàng của bà nằm sát cánh đồng, lúc nào cũng mở cửa nhưng bên trong tối om. Một người đàn ông ngồi thổi lửa phía sau bếp, một người nằm trên võng phủ chiếc màn rách, một người nữa ngồi sát bên chiếc tivi cũ bấm dò tìm kênh, một cô gái hơn 20 tuổi nằm trên võng đung đưa, một người phụ nữ dáng người kham khổ đang lúi húi dọn dẹp phía sau…

Mỗi người một sắc mặt, một vẻ nhưng hầu như không ai để ý tới ai, chỉ có những tiếng lẩm bẩm. Đó là không khí rất riêng của gia đình có năm người bị bệnh tâm thần.

Bà Mây chăm sóc hai con trai.

Bà Mây là chủ hộ, cũng là lao động chính trong gia đình, không ai khác bà phải chịu đựng và gắng gỏi trong môi trường vừa nhỏ bé vừa phức tạp ấy. Vợ chồng bà có 7 người con, con gái lớn của bà đi lấy chồng xa, đứa con trai 23 tuổi đang đi xin việc, con trai út đang học lớp 11, quanh năm bà phải nuôi những người còn lại bị bệnh tâm thần.

Lời kể của bà thi thoảng lại chùng xuống, theo tiếng nấc nghẹn ứ. Tôi biết được, người đầu tiên mắc bệnh cách đây hơn 20 năm là con trai lớn Đặng Văn Thạnh (32 tuổi), tiếp đó là ông chồng Đặng Tú (52 tuổi) mắc bệnh đến nay đã 12 năm, sau nữa là Đặng Văn Đông (29 tuổi), rồi con gái Đặng Thị Phương (22 tuổi) và người bệnh nhẹ nhất là em Đặng Văn Tây (20 tuổi). Hiện nay, ngoài em Tây đang được gửi ở chùa ngoài Bình Định, còn lại bốn người bệnh khác trong gia đình đều có triệu chứng mất trí, đi cả ngày ngoài đường, đập phá, la hét, thậm chí về nhà là đánh đập bà Mây.

Những năm đầu chồng con bị bệnh, bà Mây đôn đáo khắp nới tìm thầy thuốc chữa chạy, nghe đâu có bác sĩ giỏi làm tìm đến. Đồ đạc trong nhà, đất cát phải bán dần bán mòn nhưng tiền mất tật vẫn mang. Hơn 20 năm qua bà phải sống, chịu đựng những người thân mắc bệnh để nuôi nấng họ. Bà bảo, mỗi ngày như là một "cuộc chiến", rất hiếm hoi có giây phút bình yên.

"Ngày nào tôi cũng phải đầu tắt mặt tối với việc bếp núc, cơm cháo, giặt quần áo cho năm người. Có khi tôi còn chẳng kịp ăn miếng nào thì mọi người đã chén sạch rồi. Đồ đạc trong nhà cũng chẳng có cái gì lành lặn, toàn những thứ bị đập, bị xé. Nuôi 1 người bệnh tâm thần đã khó rồi anh ạ, đằng này tôi nuôi tới 5, không biết than cùng ai, nhiều lúc cho chồng con ăn mà nuớc mắt tôi cứ trào ra", bà Mây thổn thức.

Ngoài chăm sóc cho các thành viên, bà Mây còn phải lo làm kiếm tiền trang trải cuộc sống. Bởi ngoài số tiền phụ cấp 200 ngàn đồng/người/tháng và 4 cuốn sổ nhận thuốc tâm thần định kì, bà không biết trông đợi vào hai sào ruộng trồng rau. Nhưng hai sào rau không đủ nuôi ngần ấy người, bà phải tranh thủ đi nhặt ve chai, hoặc ai mướn làm gì bà cũng đi. Niềm hy vọng lớn nhất còn lại của bà Mây lúc này là đứa con trai Đặng Văn Tài. Tài đã tốt nghiệp THPT và đang đi xin việc làm để đỡ đần mẹ.

Nhìn con, bà nói: "Năm Tài lên lớp 10, nhà không có tiền nộp học phí, tôi đã phải cho nghỉ học. Nhưng thầy giáo chủ nhiệm thương, đã làm thủ tục miễn học phí và động viên cháu đi học lại. Nếu không có niềm tin vào cháu, tôi khó sống lắm".

Nhưng bà cũng không ngớt lo lắng cho Tài, bởi bệnh tật có thể ập xuống đầu em bất cứ lúc nào. Bà mơ ước Tài đừng mắc phải căn bệnh đang đeo bám gia đình bà. "Hồi trước các anh nó cũng khỏe mạnh. Đùng một cái phát bệnh rồi mang bệnh suốt đời. Hiện nó đang bình thường, nhưng không biết rồi sẽ ra sao", bà Mây vừa nói vừa lau nước mắt.

Tiện thể, bà Mây nhờ chúng tôi trông hộ nhà một lúc để bà trở ra ruộng rau. Chúng tôi vui vẻ nhận lời. Trong bóng chiều nhá nhem, bà trở về với gánh rau trên vai. Đặt gánh xuống sân, bà ngồi buộc lại những bó rau để sáng mai ra chợ bán, gom những đồng tiền lẻ về nuôi gia đình. Cũng có lần rau quá rẻ, bà mang ra quán đổi lấy ít thức ăn mang về cho chồng con.

Văn Học
.
.
.