Quán cơm thiện nguyện ấm áp tình người
- Tấm lòng của chủ quán cơm 2.000 đồng với người nghèo
- Những quán cơm ấm tình người
- Ấm lòng người nghèo nơi quán cơm "Kết nối yêu thương"
- Quán cơm tùy tâm cho người mắc bệnh hiểm nghèo
Đã hơn 3 tháng nay, đều đặn trưa thứ Bảy hàng tuần, nhóm thiện nguyện gồm nhiều bạn trẻ đến từ các ngành, nghề trên địa bàn TP Quảng Ngãi lại tập trung nấu cơm từ thiện, phục vụ những người lao động có thu nhập thấp, người nghèo khó.Chúng tôi đến quán cơm miễn phí tầm 11h trưa, khách đến ăn cơm cũng đã đông, hầu hết là người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật. Họ làm nghề bán hàng rong, bán vé số, xe ôm. Khay cơm từ thiện đầy đủ các món mặn, món xào, món canh... đều được chế biến sạch sẽ và còn nóng hổi. Anh Đỗ Đình Đựng, đầu bếp chính quán cơm cho biết, thực đơn bữa ăn mỗi tuần đều được thay đổi đa dạng và chuẩn bị từ rất sớm.
“Cứ tầm thứ Năm trong tuần, chúng tôi lại lên thực đơn cho thứ Bảy, rồi một vài người trong nhóm cập nhật thực đơn lên facebook cá nhân. Từ đó, nhiều người có lòng hảo tâm liên hệ và ủng hộ nguyên liệu, người cho rau, người cho trứng, người cho thịt...
Quán cơm thiện nguyện bên hông khách sạn Mỹ Trà. |
Nếu nguyên liệu nhiều thì hôm đó chúng tôi làm nhiều món hơn, còn nếu không đủ thì anh em trong nhóm chia ra đóng góp thêm”, anh Đựng chia sẻ. Theo lời anh Đựng, thời gian đầu mở quán cơm, hầu như chi phí và nguyên liệu đều là do các anh em trong nhóm thiện nguyện đóng góp. Nhưng về sau, nhiều người có tấm lòng hảo tâm biết đến, liên hệ đóng góp, xin được cùng tham gia vào việc chuẩn bị bữa ăn, phục vụ, dọn dẹp, hay rửa chén. Từ đó, kinh phí để quán cơm hoạt động thuận lợi hơn.
Còn thực khách tới quán, ngoài những người lao động có thu nhập thấp, lại thêm những người có hoàn cảnh hết sức đáng thương; như trẻ mồ côi, người già neo đơn, người tàn tật... Biết rõ những hoàn cảnh đặc biệt như vậy, các thành viên trong nhóm thiện nguyện thường gói sẵn một hộp cơm khác để họ ăn trưa xong, mang hộp cơm về để dàng ăn bữa chiều.
Thậm chí, một vài trường hợp không thể ra quán ăn thường xuyên thì nhóm thiện nguyện sẽ phân công mang cơm từ thiện đến tận nhà. “Trung bình mỗi bữa chúng tôi nấu từ 250 - 300 suất cơm, chi phí khoảng 3 triệu đồng. Tuy nhiên nếu còn nguyên liệu, chúng tôi đều cố gắng nấu thêm để thêm khẩu phần phân phát cho các hoàn cảnh khó khăn dành ăn bữa chiều. Như vậy, họ có thể tiết kiệm được hai bữa cơm...”, anh Đựng kể thêm.
Bà Lê Thị Ti (70 tuổi, ở huyện Tư Nghĩa) tâm sự rằng, mỗi ngày bà xuống sông bắt ốc rồi gánh đến chợ Quảng Ngãi để bán. Vì cách nhà quá xa, bà lại phải đi bộ nên thường ở lại chợ cả ngày đến khi bán hết ốc mới về. Vào mỗi bữa trưa, bà thường phải mua cơm hộp để ăn, rất tốn kém, trong khi bán ốc chỉ thu nhập vài chục ngàn. Kể từ khi có quán cơm từ thiện, cứ vào trưa thứ Bảy là bà ghé đến ăn.
Cơm ngon, sạch sẽ, những người phát cơm từ thiện rất vui vẻ và chu đáo. Hơn nữa, tới đâyăn cơm, bà gặp được nhiều người cùng cảnh ngộ với mình, nên có cơ hội hỏi han, trò chuyện vui lắm.
Anh Nguyễn Duy Kha, trưởng nhóm thiện nguyện chia sẻ, xuất phát từ sự đồng cảm đối với những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh cần được giúp đỡ, anh nảy ra ý tưởng mở quán cơm từ thiện giúp họ san sẻ bớt một phần vất vả.
“Các thành viên trong nhóm đa số đều là bạn bè của tôi, ai cũng có công việc và cuộc sống riêng, nhưng họ đều cố gắng dành thời gian chung tay hỗ trợ nhau để làm ra bữa cơm thiện nguyện hàng tuần. Tất cả đều từ cái “tâm” của mỗi người chứ không vì bất kì lợi ích cá nhân nào khác”, anh Kha vui vẻ nói.
Điều mà anh Kha cũng như tất cả các thành viên trong nhóm thiện nguyện mong mỏi, đó là ngày càng có nhiều người cùng chung tấm lòng thiện nguyện, muốn góp phần duy trì hoạt động quán cơm thiện nguyện, chia sẻ khó khăn với những mảnh đời bất hạnh, làm giảm bớt gánh nặng mưu sinh cho những người lao động nghèo…