Người phụ nữ giữ “lửa nghề”, cưu mang những mảnh đời khốn khó
Những ngày này, con đường dẫn về xã Thủy Thanh - nơi có Di tích cấp Quốc gia cầu ngói Thanh Toàn nườm nượp du khách đổ về tham dự lễ hội “Chợ quê ngày hội”, Festival Huế 2018. Tại khu nhà trưng bày nông cụ truyền thống, bà Kiềm nhiệt tình giới thiệu cho du khách về sản phẩm nón lá bài thơ xứ Huế. Theo lời bà Kiềm, từ những năm 1990 về trước, xã Thủy Thanh có đến hàng trăm hộ dân theo nghề chằm nón.
Thế nhưng, ngày ấy sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, giá thành thấp và khó cạnh tranh nên dần dần nhiều người phải bỏ nghề chuyển sang nghề khác mưu sinh. Riêng ở thôn Vân Thê Nam chỉ còn một vài hộ đeo đuổi nghề làm nón, trong đó có gia đình bà Kiềm.
Bà Nguyễn Thị Kiềm (bên phải), dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ khuyết tật. |
Lo sợ nghề truyền thống của cha ông mai một nên năm 2012, bà Kiềm đứng ra thành lập cơ sở làm nón lá để tạo môi trường làm việc ổn định cho các người thợ làm nón ở địa bàn xã. “Gia đình có truyền thống làm nón lá nhiều đời nhưng khi thành lập cơ sở thì tôi gặp phải rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề đầu ra cho sản phẩm.
Vì có bán được sản phẩm thì người làm nón mới có thu nhập. Nghĩ thế nên ngoài khâu quảng bá sản phẩm, tôi còn tham gia nhiều lớp tập huấn và tự học hỏi, mày mò để sáng tạo ra các mẫu nón đẹp, bắt mắt để cạnh tranh trên thị trường”, bà Kiềm chia sẻ.
Sau khi tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm, bà Kiềm nghĩ đến chuyện đào tạo nghề và dạy nghề cho chị em phụ nữ trong thôn, xã. Đặc biệt, đối tượng bà Kiềm hướng đến là những phụ nữ không may bị khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam không thể làm những công việc nặng nhọc.
Qua nhiều năm thành lập cơ sở, bà đã truyền nghề chằm nón làm nón lá cho hàng chục phụ nữ và hiện đang tạo công ăn việc làm cho gần 10 phụ nữ khuyết tật ở địa bàn. Chị Đỗ Thị Ly (35 tuổi, ở thôn Vân Thê Nam) từ nhỏ đã bị câm điếc bẩm sinh, học hành không đến nơi đến chốn nên không thể xin được việc làm.
Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của chị Ly, bà Kiềm nhận chị vào cơ sở để dạy nghề chằm nón. Hay khi biết trường hợp bà Chế Thị Nhơn (50 tuổi) là hộ nghèo của xã Thủy Thanh, bị khuyết tật ở chân và sống một mình nuôi con rất vất vả, bà Kiềm cũng đã truyền nghề, tạo việc làm cho bà Nhơn với thu nhập mỗi tháng đều đặn từ 2-3 triệu đồng.
“Chúng tôi rất biết ơn chị Kiềm khi chị đã không ngần ngại truyền nghề làm nón mà còn tạo công việc làm để chúng tôi có thu nhập ổn định nuôi sống bản thân và con cái…”, bà Nhơn xúc động nói. Đặc biệt, năm nay là lần thứ 4 sản phẩm nón lá truyền thống Thủy Thanh do những phụ nữ khuyết tật ở cơ sở bà Kiềm làm ra tham gia trưng bày tại lễ hội Festival Huế phục vụ du khách tham quan, mua sắm ở cầu ngói Thanh Toàn.
Ông Trần Duy Việt, Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh khẳng định: “Nhờ công sức và tấm lòng của bà Kiềm mà đến nay, nón lá truyền thống xứ Huế, đặc biệt là nón lá bài thơ được thêu các hình ảnh cách điệu về di tích cầu ngói Thanh Toàn, cầu Trường Tiền, Đại Nội Huế… do người dân địa phương làm nên không những có mặt tại nhiều tỉnh thành trong nước mà được du khách nước ngoài ưa chuộng.
Có thể nói, việc mở cơ sở làm nón lá vào tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ khuyết tật trong xã của bà Kiềm đã góp phần giảm gánh nặng cho xã hội, khiến chính quyền địa phương và người dân rất cảm kích”.