Đến với “bản trắng” Sáng Tùng

Thứ Năm, 28/06/2018, 21:01
*Ngân hàng Agribank ủng hộ 500 triệu đồng cho tỉnh Hà Giang và Lai Châu

Sáng Tùng với 28 nóc nhà nằm nép mình bên sườn núi của xã Tả Ngảo (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) chỉ một đêm đã trở thành “bản trắng” khiến cho 162 con người chịu cảnh “màn trời chiếu đất”. 


Không nhà, không tài sản, không nước uống, ăn mì tôm sống, hứng mưa đứng ven đường…là khung cảnh xót xa mà chúng tôi chứng kiến vào chiều 28-6 khi đến với bà con vùng lũ Sáng Tùng. Bốn đời nay dân bản Sáng Tùng sống quây quần bên sườn núi, nhưng còn sót lại của họ chỉ có nước mắt, hoang mang và đau đớn.

Tài sản còn sót lại của gia đình anh Mùa A Chế chỉ có chăn và quần áo

Sìn Hồ là huyện bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ lịch sử của tỉnh Lai Châu. Đường từ TP Lai Châu vào Sìn Hồ những ngày mưa lũ cực kỳ khó đi. Đêm qua, đất đá lại một lần nữa dội xuống khiến con đường vào trung tâm huyện bị sạt lở nghiêm trọng. Sau nhiều giờ thu dọn, đến 9h sáng 28-6 giao thông mới hoạt động lại được. 

Từ xã Tả Ngảo đến bản Sáng Tùng gần 30km đường đèo dốc trơn trượt, một cây số có tới 21 chiếc cua tay áo, nhiều đoạn sạt lở khiến đất đá, cây cối trôi xuống lòng đường. Càng đi càng thấy xót xa khi ruộng nương, ngô màu bị vùi lấp bởi nước lũ và đất đá.

Mất nhà cửa, người dân Sáng Tùng đang ở ven đường

Đoàn công tác của Báo CAND và Ngân hàng Agribank đến Sáng Tùng đã là đầu giờ chiều, bên vệ đường vào bản là những gương mặt ngơ ngác của trẻ thơ, ánh mắt thất thần của người lớn. Tài sản chạy lũ của họ chỉ còn lại chăn màn, quần áo, manh chiếu, cuốc xẻng để ở vệ đường. Nhiều người từ sáng tới giờ vẫn nhịn đói, không có bếp nấu mì tôm nên đành nhai sống. 

Chạy lũ đã 3 ngày, bà Sồng Thị Chừ, 70 tuổi hai chân lấm lem bùn đất vì dép rơi mất lúc nào không biết. Bà không nói được tiếng Kinh, anh con rể phải giúp chúng tôi phiên dịch. 

Sáng nay anh mới hay tin nhà mẹ vợ bị nước lũ vùi lấp nên đã chạy từ bản Ka Sin Chải sang đây để giúp đỡ. Trong lúc chạy lũ, bà Chừ chỉ kịp mang chăn và quần áo, gạo và các tài sản khác không mang được. “Mẹ em từ sáng tới giờ lo quá nên vẫn chưa ăn gì. Bố em thì quay về chỗ ở cũ để xem còn thứ gì sót lại không” – anh Lý A Tủa (con rể bà Chừ) cho biết.

Toàn bộ bản Sáng Tùng bị xóa sổ do lở đất.
Đại diện Báo CAND và Ngân hàng Agribank trao tiền cho bà con mất nhà ở bản Sáng Tùng

 Ruộng lúa, nương ngô, gà, lợn, ao cá của gia đình bà Chừ đã trôi sạch theo dòng nước lũ. May có con trâu còn sống sót. Vợ chồng bà ở nhờ nhà người con trai thứ hai cách hiện trường sạt lở 800m nhưng sáng nay ngôi nhà này lại nằm trong nguy cơ sạt lở nên mọi người phải chuyển ra ngoài đường. 

Cùng bị vùi lấp nhà cửa và tài sản còn có con trai lớn của bà Chừ, giờ cũng không có nơi nương náu.“Ngủ cạnh đường khổ lắm, mưa thì lấy bạt che. Nước không có, được phát mì tôm nhưng không có gì để nấu”- bà Chứ lo âu cho biết.

Từ nơi chúng tôi đứng nhìn sang bản Sáng Tùng chỉ thấy một vạt đồi màu đất đỏ. Đoàn công tác đi bộ 3km đến bản. Cách nơi sạt lở 500m, lực lượng Cảnh sát cơ động chăng hàng rào bằng những cây luồng đề ngăn chặn đường vào. 

Giải thích với chúng tôi, một chiến sĩ cho biết, hiện trường đang tiếp tục có nguy cơ sạt lở nên phải ngăn chặn dân đi vào vùng nguy hiểm. Từ sáng tới giờ, một số người dân khóc đòi quay lại nhà cũ xem còn gì sót lại để họ nhặt về. Có người trèo đường rừng vào chỉ để ôm hai cái chum trong đống đất ra ngoài chỉ vì đây là tài sản bố mẹ để lại. Những người không vào được thì ngồi thất thần, mắt đăm đắm nhìn vào nơi an cư của cả gia đình từ mấy đời nay đã bị chôn vùi trong lòng đất. 

Công an tỉnh Lai Châu dùng xe ô tô hỗ trợ dân bản di dời

Tài sản, ruộng vườn, mồ mả cha ông đều bị xóa sổ. Khung cảnh buồn biết mấy khiến chúng tôi không thể bước tiếp bởi cả một ngôi làng nơi có 28 hộ dân với 162 người sinh sống giờ hình thành 1 thác nước xoáy, trơ trên đỉnh núi là 3 ngôi nhà chênh vênh còn sót lại chưa bị cơn lũ dữ nhấn chìm. 

Có xác nhà trôi xuống vực sâu hàng trăm mét. Nhìn xuống đó chúng tôi không khỏi rùng mình. Nếu không có sự kiên quyết của lực lượng Công an và chính quyền địa phương yêu cầu dân di tản kịp thời thì có thể hơn một trăm mạng người của bản Sáng Tùng đã bị chôn vùi trong đó.

Hiện trường sạt lở chỉ còn lực lượng Công an, trong đó Tiểu đoàn CSCĐ của Công an tỉnh Lai Châu tăng cường 38 CBCS vẫn đang giúp dân làm lán tạm để ổn định cuộc sống. Có những đồng chí hơn 2 ngày ở tại hiện trường, điện thoại đã hết pin không thể liên lạc với gia đình. Sau gần 3 ngày vất vả, sức khỏe đã thấm mệt, có chiến sĩ nằm ngủ ngay dưới gầm nhà sàn. 

Đối diện với cảnh "màn trời chiếu đất"

Trung tá Sùng A Xuân, Phó trưởng Công an huyện Sìn Hồ suốt những ngày qua có mặt ở hiện trường cho biết, sáng nay đồng chí Bí thư tỉnh ủy vào kiểm tra hiện trường đã chỉ đạo xã bố trí nơi ở ổn định cho dân, lực lượng Công an trợ giúp làm lán và vận động bà con không hoang mang, không nghe theo kẻ xấu. 

Ngoài Sáng Tùng còn bản Nậm Khăm (có trên 40 hộ) và Háng Lìa (trên 50 hộ) của xã Tả Ngảo đang có nguy cơ sạt lở. “Chúng tôi đã thông báo cho trưởng bản vận động dân chủ động di dời. Đến nay mới có một số hộ có nguy cơ cao thực hiện, còn lại vẫn chưa”- Trung tá Sùng A Xuân cho biết.

Mặc trên người bộ quần áo lấm lem bùn đất suốt từ hôm chạy lũ, Trưởng bản Sáng Tùng – Hạng A Mình bận rộn không lúc nào ngơi suốt 3 ngày qua để lo cho dân. Mặc dù nhà cửa, tài sản của anh cũng bị vùi lấp trong cơn đại hồng thủy, vợ con tự đi lánh nạn, nhưng anh Mình chẳng còn phút giây nào lo cho việc của gia đình. 

Đại diện Báo CAND và Ngân hàng Agribank chia sẻ mất mát với bà con vùng lũ

Mang gương mặt nặng trĩu âu lo, anh Mình thảng thốt rằng, từ khi sinh ra đến nay, đây là lần đầu tiên anh chứng kiến trận mưa lớn đến thế. Đến bây giờ anh vẫn nghĩ đó chỉ là giấc mơ, ngôi làng trải qua bốn đời người sinh sống chỉ trong phút chốc biến mất. Dân được bố trí di chuyển đến ở trong 2 nhà sàn nhưng nơi này cũng đang nguy hiểm, có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào nên giờ đang rất khó khăn. 

Xã đã tìm được nơi an toàn cho dân về an cư cách hiện trường 3km, nhưng đến ngày hôm nay mới chỉ xong khảo sát và cắm mốc, làm việc với chủ nương để san phẳng. Dân ở đâu trong những ngày chờ đợi nơi ở mới là điều khó khăn nhất hiện nay.

Lán trại dã chiến BCS Công an tỉnh Lai Châu dựng cho bà con ở tạm.

Người dân bản Sáng Tùng đang rất cần sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Thăm hỏi, động viên, chia sẻ với những mất mát của dân bản Sáng Tùng, Báo CAND và Ngân hàng Agribank đã ủng hộ mỗi gia đình 3 triệu đồng để người dân tạm khắc phục cuộc sống. Dù nhiều người tiếng Kinh chưa sõi nhưng đã nắm tay chúng tôi rất chặt để bày tỏ sự xúc động khi đoàn công tác vào tận hiện trường thăm hỏi, động viên. 

Chia tay dân bản Sáng Tùng khi những hạt mưa bắt đầu rơi, nhìn họ đứng bên vệ đường dõi theo đoàn xe, chúng tôi không khỏi lo lắng, họ sẽ trôi qua đêm nay thế nào nếu mưa ập tới.


Trần Hằng - Trần Xuân
.
.
.