Trái bóng chính thức qua các kỳ World Cup

Thứ Hai, 04/06/2018, 17:05
Kể từ kỳ World Cup đầu tiên năm 1930 đến nay, những trái bóng được sử dụng trong ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới đã trải qua một lịch sử rất dài.


Sự "phát triển" của những trái bóng này cũng phản ánh phần nào lích sử sự phát triển của World Cup nói riêng và bóng đá thế giới nói chung. Tạp chí Goal đã thống kê lại những trái bóng chính thức của các kỳ World Cup từ năm 1930 đến nay.

1_Tiento & T-Model (1930, Chủ nhà Uruguay)

Kỳ World Cup đầu tiên không hề có trái bóng chính thức. Câu chuyện chỉ bắt đầu trước trận chung kết, khi Argentina và Uruguay không thể thống nhất với nhau về việc sẽ sử dụng bóng của ai. Kết cục là có tới hai trái bóng được sử dụng trong trận chung kết.

Theo đó bóng sẽ được đổi trong thời gian giữa hai hiệp. Qủa bóng sử dụng trong hiệp 1 của Argentina có tên Tiento nặng và lớn hơn quả T-Model được sử dụng bởi nước chủ nhà. Không biết có phải vì thế mà trong hiệp 1 Argentina dẫn trước 2-1 tuy nhiên với quả bóng mới Uruguay đã có màn lội ngược dòng thành công 4-2 sau giờ nghỉ để giành chức vô địch World Cup đầu tiên.

2. Federdale 102 (1934, Chủ nhà:  Italy)

Kỳ World Cup thứ 2 trong lịch sử được tổ chức dưới thời chế độ phát xít Benito Mussolini. Chính quyền Rome sản xuất loại bóng này  Federdale 102. Tuy nhiên đây cũng không phải là trái bóng chính thức cho World Cup bởi nhiều đội khác lại sử dụng bóng sản xuất tại Anh.

3_ Allen (1938, chủ nhà : Pháp)

Một công ty có trụ sở tại Paris có vinh dự trở thành công ty đầu tiên sản xuất bóng cho một kỳ World Cup khi Pháp là nước đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới này.

Cũng tương tự như Federale 102, trái bóng Allen có những sợi cotton được đính sẵn trên sợi bóng(13 sợi), nhưng Allen tròn hơn. Tuy nhiên cũng như Federale 102, Allen không được sử dụng trong toàn bộ giải đấu bởi có nhiều phiên bản khác nhau.

4_DUPLO T (1950, chủ nhà: Brazil)

Kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức sau khi chiến tranh thế giới lần 2 kết thúc. Nước chủ nhà Brazil đã quyết định sử dụng trái bóng Duplo T lần đầu tiên cho toàn bộ giải đấu này. Thực tế  Duplo T là một sản phẩm được thai nghén tại Argentina.

Nó đã được đưa vào sử dụng trong các giải đấu tại Argentina trong năm 1930 với cái tên Superval và sau đó được gọi là Superball khi công ty sản xuất ra chúng chuyển sang Brazil. Công ty này đã chế tạo Duplo T như một phiên bản của Superball nhằm phục vụ cho World Cup.

5_Swiss World Champion (1954, chủ nhà : Thụy Sĩ)

Trái bóng được sản xuất bởi công ty Kost Sport có trụ sở tại Basel. Trái bóng sử dụng 18 miếng ghép da có màu vàng đặc trưng.

6_Top Star (1958, chủ nhà: Thụy Điển)

Trái bóng của kỳ World Cup tại Thụy Điển được lựa chọn khá chặt chẽ. Một ủy ban gồm 4 quan chức của FIFA và 2 quan chức Thụy Điển đã được lập ra để chọn một sản phẩm tốt nhất trong 102 trái bóng mẫu từ nhiều nhà sản xuất khác nhau.

Sau vòng sơ loại chỉ còn 10 trái và cuối cùng trái bóng số 55 do một công ty từ  Angelholm sản xuất được chọn. Người ta đặt cho nó cái tên Top Star, 24 đội bóng tham gia kỳ World Cup này đều nhận được 30 trái bóng để luyện tập làm quen trước khi giải đấu bắt đầu.

7_Crack(1962, chủ nhà: Chile)

Trái bóng chính thức của World Cup năm 1962. Sau hai kỳ World Cup liên tiếp tổ chức tại châu Âu giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh trở lại Nam Mỹ. Nước chủ nhà Chile đã chọn công ty nội địa Custodio Zamora sản xuất trái bóng Crack.

Crack nhận khá nhiều "gạch đá" từ các đội bóng châu Âu. Đội bóng đăng quang lần này là Brazil.

8_Challenge 4-Star (1966, chủ nhà: Anh)

Do một công ty mang tên Slazenger sản xuất, trái bóng challenge đã được FIFA lựa chọn từ 111 trái bóng khác nhau. Rõ ràng Challenge đã mang lại may mắn cho đội chủ nhà khi cùng họ đăng quang lần đầu và cũng duy nhất tại một kỳ World Cup cho đến hiện nay.

9_Telstar (1970, chủ nhà – Mexico)

Trái bóng được sản xuất bởi Adidas đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi trong kỳ World Cup đầu tiên mà các trận đầu được truyền hình trực tiếp.

Cũng kể từ đó Adidas trở thành nhà thầu chính sản xuất các trái bóng cho vòng chung kết World Cup.

10_Telstar Durlast (1974, chủ nhà- Tây Đức)

World Cup trở lại châu Âu và cũng là quê hương của hãng Adidas. So với trái Telstar trước đó trái bóng này chỉ thêm một lớp phủ bên ngoài để nó không bị ảnh hưởng khi gặp nước mưa.

11_ Tango (1978, chủ nhà – Argentina)

Trái bóng mang tên điệu nhảy nổi tiếng của nước chủ nhà vẫn do Adidas sản xuất và có màu đen trắng đặc trưng.

12_Tango Espana (1982, chủ nhà Tây Ban Nha)

Tây Ban Nha đã tổ chức World Cup lần đầu tiên vào năm 1982 và Adidas đã quyết định đặt tên cho quả bóng chính thức cho phiên bản này là “Tango Espana”.

Trái bóng gần như không có gì khác so với các sản phẩm trước đó của hãng này tuy nhiên Adidas đã lần đầu cho in logo hình ba chiếc lá của họ.

13_Azteca (1986, chủ nhà Mexico)

Bề ngoài thì trái bóng này không khác gì các người tiền nhiệm Tango nhưng có một điểm đáng chú ý là nó là trái bóng đầu tiên trong một kỳ World Cup được chế tạo bằng vật liệu tổng hợp.

Trái bóng được chế tạo từ nhiều loại vật liệu khác nhau cho phép nó ngay lập tức trở lại hình dáng ban đầu sau khi chịu lực đá mạnh từ các cầu thủ một đặc tính vượt trội so với bóng làm từ da.

14_ Etrusco Unico (1990, chủ nhà Italy)

Lần thứ 2 trong lịch sử đất nước hình chiếc ủng là chủ nhà một kỳ World Cup. Trái bóng được in hình sư tử Etruscan nên mới có tên là Etrusco Unico.

15_ Questra (1994, chủ nhà Mỹ)

Lần đầu tiên một kỳ World Cup được tổ chức ở ngoài châu Âu và châu Mỹ La tinh cũng là lần đầu đất nước xứ cờ hoa có vinh dự này.

Adidas lại cho thấy họ nắm bắt các yếu tố văn hóa và lịch sử của nước chủ nhà tốt như thế nào khi in hình các hành tinh và ngôi sao lên trái bóng như một biểu tượng về những thành tựu trong công cuộc chinh phục vũ trụ của người Mỹ.

16_Tricolore(1998, chủ nhà Pháp)

Pháp trở thành quốc gia thứ 3 được đăng cai World Cup nhiều hơn 1 lần. Trái bóng chính thức của World  Cup 1998 với ba màu xanh trắng đỏ giống màu quốc kỳ của nước chủ nhà, đây cũng là lần đầu tiên trái bóng World Cup có màu sắc đa dạng đến vậy.

17_Fevernova (2002, chủ nhà Nhật Bản-Hàn Quốc)

Trái bóng của kỳ World Cup đầu tiên trong thế kỷ 21 bị nhận khá nhiều chỉ trích khi các cầu thủ cho rằng nó quá nhẹ so với phiên bản trước đó mặc dù thực tế nó có trọng lượng vượt các tiêu chuẩn của FIFA.

Đại sứ Adidas là David Beckham đã tham gia thử nghiệm quả bóng này và xác nhận nó là một quả bóng "chính xác" tuy nhiên thủ môn Gianluigi Buffon thì cho rằng Fevernova là một "quả bóng điên"

18_Teamgeist (2006, chủ nhà Đức)

World Cup quay lại với nước Đức sau 32 năm. Quả bóng chính thức được đặt tên là "Teamgeist", có nghĩa là tinh thần đồng đội.

19_Jabulani (2010, chủ nhà Nam Phi)

Lần đầu tiên World Cup được tổ chức tại châu Phi. Trái bóng Jabulani cũng là trái bóng nổi tiếng bậc nhất của các kỳ World Cup khi Adidas cố gắng làm nó tròn nhất có thể bằng cách giảm số miếng đan trên mặt quả bóng từ 14 xuống còn 8.

Tuy nhiên cải tiến trên không nhận được khen ngợi mà còn khiến hãng sản xuất đồ thể thao Đức nhận khá nhiều gạch đá từ giới cầu thủ bởi họ cho rằng bóng bay nhanh hơn so với bình thường. Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ sau đó vào cuộc và kết luận đúng là quả bóng có xu hướng bay nhanh hơn bình thường, điều này vô tình làm các cú sút trực tiếp đi theo hướng không mong muốn.

20_Brazuca (2014, chủ nhà Brazil)

Cái tên Brazuca là một cách gọi khác của Brazil nước chủ nhà của World Cup. Rút kinh nghiệm từ Jabulani, Adidas vẫn thực hiện các cải tiến trên quả bóng này nhưng đã gửi nó đến một số giải đấu lớn từ trước khi World Cup bắt đầu để nhận phản hồi.

Qủa thực cách làm này giúp Adidas bớt đi được rất nhiều chỉ trích so với cách làm trước đó.

21_Telstar 18 (2018, chủ nhà Nga)

Adidas đã giới thiệu quả bóng chính thức của World Cup 2018 vào tháng 11-2017. Về cơ bản cũng giống như Brazuca trái bóng này có lớp bề mặt với 6 miếng phủ. 

Hãng thể thao Đức quay về với trường phái cổ điển như những năm 1970 khi sản phẩm này có tông màu chủ đạo chỉ là đen và trắng.

Phần in màu chỉ gồm có logo hãng Adidas, biểu tượng World Cup và tên trái bóng.


B.N(theo Goal)
.
.
.