Trái tim không tật nguyền

Thứ Hai, 31/07/2017, 07:32
Hiểu được hoàn cảnh của gia đình và sự thiệt thòi của hai anh em mình, Nguyễn Văn Thuấn tìm cách thoát khỏi suy nghĩ buồn chán, vươn lên trong cuộc sống. Thuấn không chấp nhận đầu hàng số phận, để thời gian trôi qua vô nghĩa...


Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng gần nửa thế kỷ nhưng những di chứng để lại vẫn còn hằn sâu đến hôm nay. Để có được chiến thắng là những mất mát, hy sinh, tổn thất vô cùng lớn lao. Một số người lính trở về từ chiến trường bị nhiễm chất độc da cam và di truyền sang cho thế hệ sau. Tuy nhiên, vượt lên những nỗi đau ấy, các nạn nhân da cam vẫn cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Đó là trường hợp của anh em Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Thuấn tại thôn 3, xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.

Nhức nhối nỗi đau sau chiến tranh

Năm 1970, khi mới 18 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Chung rời quê nhà tại thôn 3, xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng lên đường nhập ngũ vào chiến trường miền Nam. Năm 1975, sau chiến tranh kết thúc, ông Chung phục viên trở về địa phương. Một năm sau, ông lập gia đình với bà Đào Thị Thái, một thôn nữ cao ráo, xinh đẹp người cùng xã.

Năm 1979, bà Thái sinh con trai đầu lòng là Nguyễn Văn Chiến. Sau những phút giây hạnh phúc, vợ chồng ông Chung bàng hoàng, đau xót khi biết con trai bị nhiễm chất độc da cam do di chứng của chiến tranh. Không như những đứa trẻ cùng trang lứa, Chiến trong hình hài của trẻ em, nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều do bố mẹ hỗ trợ...

Anh em Chiến, Thuấn cùng nhau làm hoa pha lê và thêu tranh.

Nhìn con trai trong hình hài nhỏ bé, teo tóp, vợ chồng ông Chung rất xót xa, đau đớn. Nhiều đêm, vừa dỗ con khóc, nước mắt bà Thái lại nhỏ xuống vì thương con nhỏ bất hạnh. Nhưng rồi, với tình cảm mẫu tử thiêng liêng, ông bà dành hết tình cảm thương yêu, chăm sóc con...

Hàng ngày, cậu bé Chiến chỉ quanh quẩn bên chiếc giường và lết đi quanh nhà với sự rụt rè, ngại tiếp xúc với mọi người. Sau nhiều trăn trở, suy tư, với bao hy vọng, vợ chồng ông Chung cũng có hai người con trai bình thường, khỏe mạnh là Nguyễn Văn Hảo (SN 1981) và Nguyễn Văn Hưởng (SN 1983).

Tuy nhiên, năm 1986, bi kịch cuộc đời lại đổ xuống gia đình ông Chung khi con trai út Nguyễn Văn Thuấn ra đời cũng bị nhiễm chất độc da cam như người anh cả. Trước tình cảnh éo le này, vợ chồng ông Chung quyết định không sinh thêm người con nào nữa. Khi sinh ra, Thuấn sức khỏe yếu, chân tay mảnh khảnh. Thuấn không thể di chuyển được, chỉ nằm một chỗ.

Thuấn rất nhanh trí, hòa đồng, đôi mắt thông minh. Khi lên 17 tuổi, Thuấn nhận ra hoàn cảnh bất hạnh của hai anh em. Trong khi các bạn cùng trang lứa xung quanh chạy nhảy, nô đùa, hồn nhiên đến trường thì Thuấn không thể đi lại được. Chàng trai mới lớn trong hình hài bé nhỏ cảm nhận được sự nghiệt ngã của số phận.

Hàng ngày, vợ chồng ông Chung thay phiên nhau chăm sóc, hỗ việc sinh hoạt cá nhân cho hai anh em Chiến và Thuấn. Đối với vợ chồng ông Chung bà Thái, đây thực sự là một bi kịch cuộc đời, nỗi đau nhức nhối, không thể diễn tả bằng lời.

Hiểu được hoàn cảnh của gia đình và sự thiệt thòi của hai anh em, Nguyễn Văn Thuấn tìm cách thoát khỏi suy nghĩ buồn chán, vươn lên trong cuộc sống. Thuấn không chấp nhận đầu hàng số phận, để thời gian trôi qua vô nghĩa.

Với khát khao của tuổi trẻ, Thuấn muốn tiếp cận với xung quanh, tìm hiểu về cuộc sống. Năm 17 tuổi, Thuấn mượn sách của các cháu con anh chị để học chữ, ghép vần. Với sự thông minh và kiên trì, chỉ trong thời gian ngắn, Thuấn thuộc được bảng chữ cái, biết đọc và biết viết. Sau đó, Thuấn làm quen với điện thoại di động, máy tính, Internet.

Được sự hướng dẫn của người thân, Thuấn nhanh chóng sử dụng thành thạo các thiết bị điện tử. Đây là phương tiện để Thuấn tìm hiểu thông tin, giao lưu với thế giới bên ngoài, kết bạn.

Ý chí vươn lên của chàng trai tật nguyền

Qua môi trường mạng Internet, Thuấn bắt đầu học cách thêu tranh chữ thập, làm hoa pha lê trang trí trong nhà. Sau khi tìm hiểu, Thuấn nhờ người quen trong xã đi làm ngoài trung tâm huyện mua giúp kim, chỉ màu, bình hoa, cánh hoa và các phụ kiện để thêu tranh và làm hoa. Bàn tay nhỏ bé, gầy guộc của Thuấn dần làm quen với đường kim, mũi chỉ, làm bình hoa pha lê các loại.

Để thêu được một bức tranh đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì, mắt tinh, mất rất nhiều thời gian, công sức. Do sức khỏe yếu nên Thuấn vừa làm vừa nghỉ, thời gian thêu tranh kéo dài. Do đó, anh trai Nguyễn Văn Chiến hỗ trợ Thuấn trong việc chuẩn bị nguyên liệu, xâu kim. Với những bức tranh khổ lớn, Thuấn thêu trong khoảng 2 năm mới xong. Thuấn rất khéo tay nên việc chế tác, cắm hoa pha lê vào bình cũng không thua mấy thợ chuyên nghiệp là mấy.

Sau khi hoàn thiện sản phẩm, Thuấn chụp ảnh, post những bức tranh thêu, bình hoa lên mạng Internet để quảng cáo, chào hàng. Thời gian đầu, do chưa có nhiều người biết đến nên Thuấn chỉ bán được một số sản phẩm. Cảm mến trước ý chí, nghị lực của chàng trai tật nguyền, một số khách hàng đã đặt mua các sản phẩm do Thuấn làm ra. Sau đó, một vài nhà hảo tâm giới thiệu nên có người đặt hàng làm tranh, làm hoa. Thuấn đã kiếm tiền bằng chính sức lao động và sự nỗ lực của mình.

Năm 2008, sau một thời gian lâm bệnh nặng, ông Nguyễn Văn Chung qua đời. Từ đó, bà Thái thay chồng chăm sóc hai người con tật nguyền. Sau đó, hai người anh của Thuấn lần lượt lập gia đình, ra ở riêng. Còn anh em Chiến, Thuấn hàng ngày vẫn quanh quẩn quanh nhà.

Theo chế độ chính sách của nhà nước, anh em Thuấn được hưởng 1,3 triệu/người/tháng. Mẹ của Thuấn đang bị bệnh sỏi gan, đã phải cắt 3/4 lá gan nên sức khỏe yếu dần. Hiện, anh em Chiến, Thuấn và bà Thái đang ở cùng nhà với người con thứ trong gia đình. Căn nhà nằm ở cuối làng, sát sườn đồi. Hàng ngày, Chiến và Thuấn thêu tranh, làm hoa ở nhà, vừa trông các cháu cho anh chị đi làm công nhân trong nội thành.

Bà Đào Thị Thái chia sẻ, gia đình còn một mảnh đất nhỏ ở đầu đường. Mong ước của bà là có căn nhà nhỏ ở để ba mẹ con tá túc. Đây vừa là nơi bán hàng nước, để Thuấn thêu tranh, làm hoa để bán, ba mẹ con nương tựa vào nhau.

Thuấn chia sẻ, muốn có nhiều người mua các sản phẩm thủ công do mình làm ra để có tiền phụ giúp, đỡ đần cho mẹ già ốm yếu. Nếu sau này mẹ mất đi, anh em có một phần kinh phí để sinh hoạt, giảm gánh nặng cho các anh chị. Thuấn muốn được lao động, kiếm tiền dù là ít ỏi để lo một phần chi phí sinh hoạt. Chia tay gia đình bà Đào Thị Thái khi mặt trời gần sấp bóng, tôi nhận thấy ánh mắt anh em Chiến và Thuấn phảng phất nhiều tâm sự...

Đăng Hùng
.
.
.