Những người biết vượt lên số phận

Chủ Nhật, 29/05/2016, 08:38
Sinh ra và lớn lên ở vùng cao Nam Đông (Thừa Thiên-Huế), chấp nhận với thân thể biến dạng vì những khối u lớn ở lưng, ngực bẩm sinh, Lê Thị Thu Sương (24 tuổi), bằng tình yêu cuộc sống đã luôn hòa nhập để đón nhận tình thương từ mọi người. 

Học xong 12, cô theo học nghề thêu và ở lại làm việc tại Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật.

Thu nhập mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng; mọi chi phí đã có trung tâm lo, Sương tâm sự: “Ba mẹ không cố ý sinh em ra là người gù, nhưng em vẫn còn đầu óc minh mẫn, có đôi tay lành lặn, đủ để em tìm nhiều niềm vui trong cuộc sống”. Lời tâm sự của Sương như nhắc nhở mọi người hãy trân quý những gì mình đang có.

“Cũng như những người tàn tật khác, tủi thân vì cơ thể không hoàn hảo là lý do chúng bạn trêu cười những ngày đầu biết nhận thức cuộc sống theo tôi suốt cuộc đời. Nhưng có trách thì tạo hóa cũng không thay hình đổi dạng lại cho mình nên tôi chỉ biết gắng hết sức. Giờ đây, đã ở tuổi xưa nay hiếm, ngoài thân gù, những gì tôi có không phải người bình thường nào cũng có”, bà Lê Thị Tám (71 tuổi, ở phường Trường An), tự tin tâm sự về cuộc đời mình.

Những học viên Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật.

Xóm Trường Cởi ai cũng biết bà Tám gù. Mấy mươi năm trước, vượt qua mặc cảm để làm người mẹ đơn thân, bà nương mình trong túp lều tranh ở góc ngã tư con đường nhỏ Ấu Triệu, vừa chằm nón, vừa mở quán bán bánh kẹo nuôi con gái. Cứ thế, bằng nghị lực, theo thời gian, túp lều tranh của bà trở thành căn nhà kiên cố, quán bánh kẹo giờ là cửa hàng tạp hóa. Giờ đây, đã ngoài 70 tuổi, quây quần bên bà có con gái, con rể và những đứa cháu đáng yêu…

Tương tự, anh Ngô Tam Bửu, ở Thanh Thủy, xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên- Huế) bị câm điếc bẩm sinh. Nhưng, Bửu đã vượt qua số phận, đạt ước mơ cho bản thân, đem lại niềm tự hào cho gia đình bằng nghề điêu khắc. Tác phẩm “Cầu ngói Thanh Toàn” đạt giải nhất cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thị xã, và là sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ngoài ra, Bửu còn nhận được nhiều bằng khen tại các cuộc thi nghề do các cấp tổ chức…

Còn anh Trần Công Đông dù bị liệt 1 chân sau trận sốt cấp tính từ năm 2 tuổi, song vẫn nỗ lực học hành. Học hết 12, Đông cũng thử bôn ba đây đó, nhưng anh nhận ra chỉ khi chọn công việc phù hợp mới giúp mình thành công. Trở về, anh theo nghề mộc mỹ nghệ tại Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật. Theo anh, công việc này ít di chuyển phù hợp với người đi lại khó khăn như anh. Càng ngày, Đông càng đam mê những đường nét trên mỗi tác phẩm chạm trổ. Xong khóa học, anh được mời ở lại trung tâm làm giảng viên.

Năm 2013, Đông được Hội Mỹ nghệ Kim hoàn đá quý Việt Nam vinh danh là nghệ nhân điêu khắc… Chọn người cùng cảnh để kết hôn, Đông tâm sự: “Khiếm khuyết chính là sợi dây gắn kết sự đồng cảm cho chúng tôi. Vợ tôi bị tật 2 tay, tuy chỉ ở nhà nội trợ, chăm con, nuôi thêm con gà con heo nhưng chính là điểm tựa vững chắc cho gia đình”.

Lương không cao, thu nhập thêm chút đỉnh những ngày nghỉ cũng đủ để vợ chồng Đông chi tiêu cho 4 người. Cuộc sống với anh giờ đây chỉ là những chuỗi ngày vui với những thành công gặt hái bằng nghị lực…

Mỗi ngày, đâu đó trên mỗi con đường, nơi góc quán nhỏ xóm vắng, trong công sở… và có cả một vài người là ông chủ những tiệm sửa chữa điện tử, cơ sở mộc mỹ nghệ… chúng ta lại bắt gặp một vài mảnh đời không may mắn mang trên mình những tật nguyền do bẩm sinh, hay gặp tai nạn từ nhỏ.

Thế nhưng, có nhiều người như bà Lê Thị Tám, các bạn Lê Thị Thu Sương, Trần Công Đông, Ngô Tam Bửu… vẫn vui sống với những nụ cười rạng ngời. Họ là những con người có nghị lực, biết vươn lên để chiến thắng số phận, tô đẹp cuộc sống bằng những gì mình có…

Chiến Hữu-Hương Lan
.
.
.