Mối tình đẹp của cặp vợ chồng khiếm thị

Thứ Tư, 13/01/2016, 16:00
Ngày mặc áo cô dâu, bà Trâm đã thầm khao khát một đứa con. Nhưng bệnh tật và tuổi tác đã lấy đi thiên chức làm mẹ của bà. Nhắc đến con, bà ngập ngừng rồi khẽ nói: "Buồn lắm chứ, nhiều lúc khóc thầm đấy. Được cái mấy đứa con vợ trước của anh ấy quý mến và thương tôi như mẹ. Chúng thường xuyên tới thăm hỏi hai vợ chồng. Chúng kêu tôi là mẹ nên tôi thấy hạnh phúc lắm…".
Tiếng nhạc không lời thì thầm diễn tấu trong chiếc đầu thu cũ kỹ, dưới bếp, giọng người đàn bà ngân thật dài một bài ca đi cùng năm tháng. Người đàn ông vẫn tỉ mẩn đan lát, tay ông mò mẫm thật chậm để vừa lắng nghe vừa thưởng thức. Ông bảo rằng, làm việc mà không được nghe bà hát thì đau cái lưng, mỏi cái tay lắm. Đó là lời mở đầu cho một chuyện tình "bóng đêm" đong đầy yêu thương của người thương binh mù.

Năm 1979, Phạm Tấn Tài (55 tuổi) hăm hở ra đi theo tiếng gọi của non sông tới chiến trường biên giới Tây Nam. Tại đây, Tấn Tài được phân công nấu ăn cho các chiến sĩ. Trong một lần hành quân trên đất bạn Campuchia, người đồng chí đi trước ông giẫm phải quả đạn pháo. Một tiếng nổ long trời, lúc ấy ông chỉ kịp nhìn thấy đồng đội mình ngã xuống rồi không biết gì nữa. Tỉnh dậy, ông thấy mình đang nằm trên giường bệnh, hai mắt cố giương lên nhưng không thể.

Sau thời gian điều trị tại chiến trường không thuyên giảm, năm 1980, ông được chuyển về Bệnh viện 175 (TP Hồ Chí Minh). Nằm viện được vài tháng, hai mắt hỏng hoàn toàn, trước mặt ông là màu đen với những vết thương chằng chéo trên cơ thể. Ở tuổi 20, cái tuổi tràn trề nhựa sống và sung sức nhất đời người, tuổi của khát khao chiến đấu và cống hiến thì bỗng dưng tắt lịm. Tấn Tài được chuyển về Trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh Thủ Đức. Những ngày tháng đầu sống trong bóng tối đối với ông chẳng khác gì địa ngục.

Trong căn nhà ấy chưa bao giờ nghe tiếng cãi vã của hai vợ chồng.

Ông nhớ lại: "Tôi đã nghĩ đến chuyện tự tử. Tôi vùng vẫy giữa biển đời đen bạc. Buồn đau cho số phận mình. Nhưng khi nhớ lại những đồng chí, đồng đội của mình đã phải hy sinh nơi chiến trường, có người may mắn hơn thì thương tật đầy mình, mất chân, mất tay, nhìn lại bản thân, tôi lại thấy bừng lên một tia hy vọng. Tôi vẫn may mắn và hạnh phúc hơn họ nhiều. Vậy thì tại sao mình lại nghĩ đến cái chết. Từ đó tôi đã thay đổi suy nghĩ và sống lạc quan hơn".

Trong thời gian sinh hoạt ở Hội người mù quận Thủ Đức, ông kết duyên với một người con gái còn sáng mắt. Hạnh phúc đến với ông như một điều kì diệu, ông trân trọng, nâng niu và gìn giữ những tháng năm êm ấm của hai vợ chồng. Ba đứa con chào đời, hai gái, một trai như những viên ngọc quý ông trời ban tặng cho người thương binh mù.

Nhưng rồi tình yêu ấy vội vàng ra đi, vuột mất khỏi tầm tay ông. Ông hụt hẫng, tan nát cõi lòng. Chia tay người vợ đầu như một cú sốc bóp nghẹt trái tim, đè lên bờ vai vốn đã chịu quá nhiều mất mát. Một lần nữa, ông rơi vào khủng hoảng tinh thần trầm trọng, mất niềm tin vào tất cả. Ông chán nản, lao vào những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng.

Bà Trâm luôn hạnh phúc khi nhắc về chồng.

Con ngựa chạy mãi cũng chùn chân, con chim bay mãi đã mỏi cánh, ông Tài quay về với đời sống vốn dĩ không phẳng lặng của mình, lấy lại thăng bằng, bắt đầu làm lại từ hai bàn tay trắng. Ngày làm việc, đêm ông tham gia sinh hoạt đều đặn ở Hội người mù quận 11 (TP Hồ Chí Minh). Từ khi về sinh hoạt tại đây, ông bắt nhịp nhanh với những con người cùng cảnh ngộ, sống hòa đồng, thân thiện và say sưa hết mình. Ở đây, ông đã gặp người con gái có giọng ca làm say đắm lòng người.

Giọng ca của cô như những khúc tâm tình sâu lắng mà ngọt ngào, trong từng lời ca ấy là tấm lòng thiết tha với đời. Ông mạnh dạn viết thư tỏ tình với người con gái ấy và thật bất ngờ, ông đã chạm ngay vào con tim đang thổn thức của cô. Thư từ qua lại trong hơn hai năm, hai người quyết định tiến tới hôn nhân. Cô dâu là Nguyễn Thị Phương Trâm (53 tuổi), là giáo viên của Hội người mù thành phố. Hai số phận cùng cảnh ngộ, gặp nhau trong dâu bể, họ đã nguyện gắn kết cuộc đời lại với nhau.

Nói về ngày đó, bà Trâm cười bẽn lẽn: "Tôi không có ý định lấy chồng đâu, nghĩ mình khuyết tật lấy ai cũng khổ hết. Vậy mà khi gặp anh ấy, không hiểu sao thấy con tim cứ rạo rực. Nhận được lá thư nào của anh là tôi viết lại ngay. Chúng tôi viết thư cho nhau bằng chữ nổi và nhờ đứa em gái của anh ấy làm giao liên".

Còn ông Tài thì ví von: "Lần đầu tiên cô ấy cất giọng ca là tim tôi rung lên, tôi mê mẩn nghe và thấy yêu ngay người con gái này rồi". Sau khi cưới, ông bà tích góp được số vốn, mua một căn nhà nhỏ tại ấp 3, xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) làm tổ ấm đi về.

Họ gọi nhau bằng anh xưng em như những đôi tình nhân đang yêu. Đến bữa cơm, bà xới một chén đưa cho ông, ông mò mẫm cầm đũa và ăn ngon lành như người lành lặn. Hỏi ông, có hình dung ra khuôn mặt của vợ mình như thế nào không? Ông cười tít mắt, mân mê vạt áo bảo rằng: "Không thể hình dung được, qua trí tưởng tượng thì chắc vợ mình đẹp lắm. Nhưng điều quan trọng không phải là nhan sắc, mà là tôi mê và lúc nào cũng yêu giọng ca vàng của cô ấy". Bà Trâm nghe chồng khen che miệng cười khúc khích, trong tâm trí, lúc nào bà cũng tưởng tượng chồng mình là một người đàn ông hào hoa phong nhã, có trái tim nồng nàn yêu thương…

Nhóm tình nguyện Thiện Nguyện.

Cuộc sống ghép đôi của hai con người không lành lặn càng khó khăn hơn khi xung quanh họ là màu đen bao trùm, họ chỉ có thể dựa dẫm vào nhau trong sinh hoạt. Không thể ra ngoài đi làm, hai vợ chồng nhận làm đan chổi gia công tại nhà với giá 3.000 đồng/cái. Mỗi ngày, bà cặm cụi từ sáng tới tối cũng chỉ làm được chục cái, còn ông chậm chạm hơn thì được ít hơn. Làm ít, ăn ít, cuộc sống đơn giản hơn với cặp đôi tật nguyền.

Ông Tài cho biết: "Cùng với số tiền trợ cấp ít ỏi cho công việc đứng lớp của bà và lương thương binh của tôi thì hai vợ chồng cũng gọi là tạm đủ ăn. Chúng tôi nhận chổi về làm tại nhà thì lương có đáng là bao, chỉ đủ mua rau thôi, nhưng không làm thì buồn chán lắm. Làm cho quên đi thời gian".

Trong căn nhà ấy chưa bao giờ người ta nghe thấy tiếng cãi vã, chưa bao giờ có những ganh tỵ thiệt hơn và mâu thuẫn vợ chồng. Có chăng, chỉ là tiếng hát của bà Trâm khi thăng hoa đã bay ra khỏi cánh cửa nhà và giọng cười đầy sảng khoái của ông Tài những phút không kiềm chế được. 

Ngày mặc áo cô dâu, bà Trâm đã thầm khao khát một đứa con. Nhưng bệnh tật và tuổi tác đã lấy đi thiên chức làm mẹ của bà. Nhắc đến con, bà ngập ngừng rồi khẽ nói: "Buồn lắm chứ, nhiều lúc khóc thầm đấy. Được cái mấy đứa con vợ trước của anh ấy quý mến và thương tôi như mẹ. Chúng thường xuyên tới đây thăm hai vợ chồng, chúng kêu tôi là mẹ. Đối với tôi bây giờ, hạnh phúc chỉ giản dị thế thôi".

Khi những khó khăn vất vả đã qua, vợ chồng ông Tài, bà Trâm không quên những người cùng cảnh ngộ. Từ năm 2005, vợ chồng ông cùng một số người đứng ra thành lập nhóm tình thiện mang tên Thiện Nguyện. Hiện nay, thành viên của nhóm đã lên đến gần 100 người. Họ là những người khiếm thị, tàn tật nhưng có lòng bao dung và trái tim nhân hậu. Mặc dù khó khăn trong cuộc sống nhưng những thành viên trong nhóm hàng tuần, hàng tháng vẫn chắt chiu, góm nhặt từng đồng để ủng hộ, giúp đỡ những người khốn khó hơn mình.

Ngọc Thiện
.
.
.