Chàng trai trẻ vượt qua nghịch cảnh nghèo khó

Chủ Nhật, 08/11/2015, 09:29
Từ nhỏ, Phong đã được nhiều người biết đến là cậu bé ham học, hiếu thảo. Nhưng rồi biến cố ập tới, khi anh vừa lên cấp 3 thì cha qua đời...

Từng phải bỏ học vì gia đình quá nghèo, vất vả ngược xuôi để đi làm thuê kiếm tiền lo cho bản thân và người mẹ khuyết tật. Thế nhưng, bằng ý chí vươn lên mạnh mẽ và hoài bão lớn lao đã giúp Lê Trung Phong (26 tuổi, ở thôn Triêm Đông 1, xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam) vượt qua nghịch cảnh, vươn lên làm giàu và giúp đỡ được nhiều người chung cảnh ngộ...

Từ nhỏ, Phong đã được nhiều người biết đến là cậu bé ham học, hiếu thảo. Vì mẹ bị tật không đi lại được phải bán vé số mưu sinh nên anh phải thường xuyên dành thời gian để phụ giúp mẹ kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhưng rồi biến cố ập tới, khi anh vừa lên cấp 3 thì cha qua đời, người mẹ cũng bị liệt toàn thân sau cơn tai biến nặng. Từ đó, Phong phải ngậm ngùi rời xa mái trường với những ước vọng dở dang…

Hơn hai năm xa mái trường, Phong cật lực làm thuê từ bốc vác gạch, đến làm thợ hồ. Tiền công kiếm được chỉ vừa đủ xoay xở cho miếng cơm mỗi ngày. Thế nhưng, trong lòng anh chưa bao giờ từ bỏ ước mơ trở lại mái trường, cầm tấm bằng cấp ba ra lập nghiệp. 

Lòng yêu thương mẹ vô bờ đã giúp Phong (bìa phải) vượt qua nghịch cảnh, nỗ lực vươn lên.

Thế rồi bằng sự động viên của bà con lối xóm, và nhất là người mẹ hiền đã giúp Phong có động lực để phấn đấu đi học trở lại. Cuối cùng may mắn đã không ngoảnh mặt với hai mẹ con. Năm 2008, Phong vượt qua kỳ thi tốt nghiệp rồi thi đậu vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Khoa Xây dựng thủy lợi thủy điện. Anh xin phép địa phương cho mẹ vào tạm trú ở Nhà từ thiện TP Hội An, bắt đầu khăn gói xa quê. Ngoài thời gian học ở lớp ra, Phong còn phải đi dạy thêm và làm việc ở quán cà phê mới có tiền đủ trang trải. Nhưng những nỗi nhọc nhằn trong quá khứ và sự cố gắng phấn đấu không ngừng đã giúp Phong vượt qua tất cả, vững vàng tiến lên. 

Rồi ước mơ làm chủ của Phong cũng đã được hiện thực hóa khi anh lập gia đình và được nhà vợ truyền dạy lại nghề làm bánh khô mè và bánh nổ truyền thống của xã Điện An. Kể từ đó, anh bắt đầu vay vốn mở xưởng bánh khô mè. Cho đến nay, bánh khô mè của anh đã có mặt ở hầu hết các thị trường, quảng bá thương hiệu cho du lịch trong vùng và xa hơn là các huyện khác trong tỉnh Quảng Nam và ngoài TP Đà Nẵng. 

Phong tâm sự rằng, có được thành quả ngày hôm nay là kết quả ngoài mong ước của mình. Chưa bao giờ trong lòng chàng trai có tuổi thơ cơ cực ấy lại ngờ được mình sẽ có được cuộc sống tốt đẹp như hiện tại. Bà con lối xóm bây giờ ai nấy cũng đều yêu mến và cảm phục nghị lực của Phong.

Hà Ngọc
.
.
.