Uy lực không thể xem thường của chiến cơ Su-22

Thứ Sáu, 27/07/2018, 09:03
Dù ra đời cách đây hơn 50 năm, song thế hệ cường kích Su-22 vẫn được coi là xương sống của không ít lực lượng không quân trên khắp thế giới nhờ tốc độ bay cao, cơ động tốt và khả năng tích hợp nhiều loại vũ khí.

Máy bay chiến đấu Su-22 là phiên bản xuất khẩu của máy bay cường kích bom Su-17 do Liên Xô phát triển từ những năm 1960. Su-17 bay thử nghiệm chuyến đầu tiên vào ngày 2-8-1966, là một trong những thế hệ chiến đấu cơ đầu tiên ứng dụng hệ thống "cánh cụp, cánh xòe" ưu việt, trong khi biến thể Su-22 thực hiện chuyến bay đầu tiên cách đó không lâu, theo tờ RBTH.

Một chiếc Su-22 của quân đội Ba Lan. Ảnh: Pinterest

Tính đến thời điểm Liên Xô tan rã, khoảng hơn 2.800 chiếc Su-17, Su-22 và một biến thể khác là Su-20 đã được sản xuất. Trong đó hơn 1.000 chiếc Su-22 được Liên Xô bàn giao cho rất nhiều quốc gia châu Âu, châu Á, Trung Đông và Bắc Phi cũng như châu Mỹ.

Dù đã ra đời trên dưới 50 năm nhưng thế hệ chiến cơ này vẫn được xem là xương sống của không ít lực lượng không quân trên khắp thế giới nhờ tốc độ bay cao, cơ động tốt bởi được áp dụng các công nghệ hàng đầu thế giới thời bấy giờ.

Các chuyên gia quân sự cho biết điểm đặc biệt nhất của Su-22 chính là việc sở hữu hệ thống “cánh cụp, cánh xòe” giúp chiếc máy bay hoạt động cực kì linh hoạt và triệt tiêu các nhược điểm về khí động học.

Khi cất cánh hoặc cần bay ổn định để tấn công, Su-22 sẽ giữ cánh thẳng (cánh xòe) giúp chiếc máy bay có hệ số lực nâng cao, dễ dàng tăng độ cao, đặc biệt khi tiêm kích nạp đầy đạn dược và nhiên liệu, cũng như tạo sự ổn định ở tốc độ hạ âm.

Su-22 trong trạng thái cánh xòe (trên) và cánh cụp. Ảnh: Getty

Trong khi đó, cánh cụp (cánh thẳng) nằm lệnh góc với chiều dọc thân máy bay có thể giúp tiêm kích đạt tốc độ cao và có khả năng chống nhiễu loạn không khí tốt hơn khi chiếc máy bay cần áp sát mục tiêu trong các vụ không chiến hoặc bay qua vùng có lưới phòng không dày đặc.

Về động cơ, loại máy bay do Liên Xô sản xuất sở hữu một 1 động cơ Lyulka AL-21F-3 công suất 76,5 kN (17.200 lbf) và lên tới 109,8 kN (24,675 lbf) khi đốt nhiên liệu phụ trội cho tốc độ tối đa 1.860 km/h, bay ở tầm hoạt động trên dưới 2.500km với trần bay khoảng 15.000m.

Vũ khí trang bị của Su-22 gồm 2 pháo 30 mm NR30 với cơ số 80 viên đạn mỗi pháo, các điểm treo trên cánh cho phép mang tải trọng 4.000 kg vũ khí gồm bom, rocket, tên lửa đối không R-13 và R-60, tên lửa đối đất dẫn đường Kh-23, Kh-25 và Kh-29, cũng như tên lửa diệt radar Kh-28 và Kh-58.

Các loại vũ khí có thể trang bị cho Su-22. Ảnh: HAF

Ngoài ra, tùy từng biến thể mà Su-22 có thể được gắn thêm một ụ pháo tự động hai nòng loại GSh-23L cỡ 23mm. Su-22 cũng đủ sức mang những vũ khí không điều khiển như bom ngu và rocket.

Máy bay cường kích Su-22 gia nhập Không quân Nhân dân Việt Nam từ năm 1979. Đến nay, nó vẫn là một trong các máy bay chủ lực của Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển.

Su 22 của Không quân Việt Nam.

Máy bay cường kích Su-22 được thiết kế dựa trên mẫu Su-7 ra đời từ giữa những năm 1950. Thời điểm đó, việc đặt cửa hút không khí cho động cơ phản lực dường như rất thịnh hành ở đầu mũi máy bay. Chính vì vậy mà khi ra đời Su-22 thừa hưởng thiết kế như vậy.

Tính năng chính của Su - 22 là tiêm kích bom, nhưng một số phiên bản như Su-22M4 lại đóng vai trò như tiêm kích phòng không, máy bay có thể mang 4 tấn bom với thời gian hoạt động nhiều giờ đồng hồ, bán kính hoạt động khoảng 600km. 


Thiên Minh-B.C
.
.
.