Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bác lời khuyên của ông Trump về S-400

Thứ Sáu, 15/11/2019, 10:23
Tổng thống Mỹ Donald Trump khuyên người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thỏa thuận mua tên lửa phòng không S-400 của Nga, song ông Tayyip Erdogan đã thẳng thừng từ chối.

Sau khi trở về Ankara từ Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ngày 14-11 cho biết ông Trump đã nỗ lực khuyên Ankara từ bỏ thỏa thuận mua tên lửa S-400 của Nga, song ông đã từ chối. “Chúng tôi có quan hệ song phương với Nga. Chúng tôi không thể từ bỏ quan hệ chiến lược này”, ông Erdogan nói, theo RT.

Lãnh đạo Mỹ-Thổ gặp mặt ở Washington. Ảnh: Reuters

Trong cuộc hội đàm giữa hai lãnh đạo trước đó, Tổng thống Trump cảnh báo việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 đã “tạo ra những thách thức rất nghiêm trọng” cho Mỹ. Tuy nhiên, ông Erdogan khẳng định Ankara sẽ không từ bỏ hoàn toàn hệ thống S-400 của Nga để chuyển sang mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Washington.

“Chúng tôi không thể từ bỏ hoàn toàn S-400 của Nga để mua Patriot của Mỹ. Chúng tôi vẫn có thể mua Patriot. Nhưng chúng tôi cũng sẽ mua S-400”, ông Erdogan nói và cho biết việc Washington nằng nặc đòi Ankara từ bỏ S-400 là hành vi can thiệp chủ quyền.

Tổng thống Erdogan cũng bác bỏ khả năng phải “chọn phe” giữa Nga hoặc Mỹ trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ. “Đã có những chính trị gia hỏi tôi ai là kẻ thù: Mỹ hay Nga. Tôi không muốn bất kỳ ai là kẻ thù. Tôi muốn làm bạn với cả Mỹ và Nga. Đó là mục tiêu của chúng tôi”, ông Erdogan khẳng định.

Theo thỏa thuận kí năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ vừa rồi đã tiếp nhận bàn giao một loạt bộ phận từ hệ thống S-400 do Nga sản xuất bất chấp sự phản đối gay gắt từ Mỹ, quốc gia dẫn đầu liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Ankara là một thành viên.

Hồi tháng 7, Mỹ chính thức loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình F-35  vì lo ngại lộ lọt bí mật quân sự vào tay người Nga nếu F-35 và S-400 có các hoạt động tác chiến chung trong khuôn khổ NATO. Đáp lại động thái của Mỹ, Tổng thống Erdogan tuyên bố sẽ chuyển sang mua máy bay chiến đấu của Nga thay thế.

Thiện Nhân
.
.
.