Nga tiết lộ công nghệ giúp xe tăng T-90 vô địch trên chiến trường

Chủ Nhật, 23/07/2017, 17:43

Phiên bản xuất khẩu xe tăng T-90 mới nhất của Nga được tin là xe tăng chiến đấu tốt nhất thế giới theo điều kiện hiệu quả chiến đấu, chất lượng và giá cả.  

Đó là điều hiển nhiên để Iran quyết định mua hàng loạt xe tăng T-90MS, nhà phân tích chính trị Nga Alexander Khrolenko viết trên báo RIA Novosti.

Trước đó, nhà thầu quốc phòng Uralvagonzavod cho biết lô 73 xe đầu tiên sẽ được chuyển theo kế hoạch cho Iran trước khi kết thúc năm 2017.

Xe tăng T-90 của quân đội Nga. Ảnh: Sputnik

T-90MS là phiên bản xuất khẩu mới nhất của xe tăng T-90M sử dụng cùng một loại đạn. Các loại đạn bao gồm, đạn phân mảnh nổ có khả năng tiêu diệt hiệu quả bộ binh địch.

“Hiệu quả và độ tin cậy của vũ khí Nga được các khách hàng, đặc biệt ở khu vực Trung Đông đánh giá cao, và cho đến nay, T-90 được xem là loại xe tăng tốt nhất trên thị trường quốc tế”, ông Khrolenko viết, trong khi nhắc đến Saudi Arabia và Kuwait đang xem xét mua T-90MS.

Lợi thế cạnh tranh lớn nhất của dòng xe tăng T-90 là nhờ tầm tấn công. Đại bác D-81 TM (2A46) cỡ nòng 125mm được tích hợp hệ thống hỏa lực thực hiện nhiều tư thế bắn trong cùng bán kính.

Các chuyên gia cũng đánh giá cao hệ thống phòng vệ chủ động Shtora và tổ hợp tên lửa Reflex-M điều hướng bằng laser có khả năng xuyên giáp dày hơn 700mm.

T-90MS sử dụng hệ thống kiểm soát và hộp số tự động, có khả năng nhanh chóng chuyển sang chế độ điều khiển bằng tay. Hệ thống cải thiện vận tốc, tính cơ động cho xe thăng cũng như giảm thiểu tiêu hao nhiên liệu và giảm căng thăng cho binh sĩ lái chiến xa sử dụng bộ công cụ hình ảnh truyền hình-nhiệt.

Ông Khrolenko nhắc lại rằng modul tháp pháo T-90MS có thể chở 2-3 binh sĩ, gồm chỉ huy và xạ thủ. Tháp pháo được trang bị hệ thống kiểm soát vũ khí, bảng mạch điều khiển khí tài bằng quang tuyến, camera quan sát trận địa 360 độ.

Trong khi đó, các nhà chế tạo xe tăng tốt nhất giới đang tập trung “robot hóa” T-90 tương lai. Phiên bản T-90 tự động sẽ tiếp nhận hệ thống kỹ thuật hiện đại, do đó, binh sĩ sẽ điều khiển xe tăng và toàn bộ vũ khí từ xa, ông tiết lộ.

Bằng cách sử dụng hệ thống radar, dò tầm bắn bằng laser và video đa quang phổ cài đặt bên ngoài T-90, chỉ huy một tiểu đội xe tăng tự động có khả năng giám sát toàn bộ chiến trường, kiểm soát cỗ máy chiến đấu và phá hủy các mục tiêu, Khrolenko giải thích.

Ông cho biết thêm Uralvagonzavod đã bắt đầu quá trình tự động hóa T-90.

Trước đó, chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky khẳng định tính đến thời điểm hiện nay “không mục tiêu nào trên chiến trường khiến T-90 không thể phá hủy”.

Trong khi đó, chuyên gia quân sự Dmitry Litovkin cho biết T-90 có thể tàn phá các loại mục tiêu bọc thép, bao gồm trực thăng bay tầm thấp của kẻ thù. 

Trúc Phạm
.
.
.