Nga dọa tái triển khai "cơn ác mộng của Nato" nếu Mỹ rút khỏi INF

Thứ Sáu, 03/11/2017, 14:02
Truyền thông Nga đưa tin nước này sẽ khôi phục việc triển khai các tên lửa Kurier trong trường hợp Mỹ rút khỏi Hiệp định Các lực lượng tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF)

Đó là thông tin được Military Industrial Courier dẫn một nguồn từ Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga. Tên lửa 15Z59 Kurier (mã định danh của NATO là SS-X-26) do Viện Vật lý Nhiệt Moscow thiết kế vào năm 1983. Kurier là một tên lửa đạn đạo tầm trung nhiên liệu rắn với kích thước nhỏ chỉ dài có 11,2m và nặng 15 tấn.

Kích thước nhỏ của Kurier giúp nó gần như tàng hình trước các thiết bị trinh sát từ không gian của Mỹ. Tên lửa này có thể được phóng đi từ tàu thủy, toa xe lửa. Nó cũng được thiết kế với bệ phóng di động là xe tải hạng nặng MAZ-7909. Nếu được triển khai ở Bắc Cực với tầm bắn gần 10.000 km nó sẽ giáng đòn "chí tử" vào các mục tiêu ở bất kỳ đâu trên bắc bán cầu trong vòng vài phút.

Tên lửa 15Z59 Kurier.

Từ năm 1989-1990, Liên Xô phóng thử nghiệm 4 lần loại tên lửa này từ sân bay vũ trụ Plesetsk. Nhưng đến năm 1991,  theo thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước, Liên Xô dừng tiến trình thử nghiệm Kurier và để đổi lại Mỹ cũng dừng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Midgetman, nặng 18 tấn, dài 14 m.

Vào đầu tháng 10 vừa qua Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách Mỹ (CSBA) đã gợi ý Lầu Năm Góc nên triển khai các tên lửa đa năng có thể mang đầu đạn hạt nhân tới Ba Lan. Nga coi đây là sự vi phạm thô bạo hiệp ước INF. Tổng thống Nga Putin cho biết Moscow sẽ hành động đáp trả nếu Mỹ rút khỏi INF.

Nếu được tái sản xuất, Kurier có thể sẽ được trang bị các hệ thống dẫn đường kết hợp mới nhất cũng như mang theo đầu đạn hạt nhân 450 kiloton. Với vũ khí này, khả năng răn đe chiến lược tầm trung của Nga tại châu Âu và Bắc bán cầu sẽ tăng lên đáng kể.


 Năm 1987, trong một thông báo, lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã tuyên bố rằng nước ông sẵn sàng ký “ngay lập tức” một hiệp ước để giải trừ các tên lửa hạt nhân tầm trung của Mỹ và Liên Xô ở châu Âu. Đề xuất của Gorbachev đã dẫn đến một bước đột phá trong đàm phán và cuối cùng là đến việc ký kết Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) vào tháng 12-1987.
B.N
.
.
.