Xung quanh đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu: Đích đến phải là an sinh xã hội

Chủ Nhật, 02/06/2019, 08:11
Nâng tuổi nghỉ hưu theo đề xuất của Bộ Lao động thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) trong đề án Bộ luật Lao động sửa đổi đang được đưa ra bàn thảo trên nghị trường Quốc hội. Dự thảo dự kiến nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam bắt đầu từ năm 2021 với 2 phương án: mỗi năm nâng 3 tháng và mỗi năm nâng 6 tháng.


Thực tế việc bàn về nâng tuổi nghỉ hưu không mới và không phải bây giờ mới được đặt ra. Thời gian qua, câu chuyện này đã được dư luận xã hội hết sức quan tâm. Xung quanh vấn đề đang rất nóng này, PV đã có trao đổi với Thạc sĩ, chuyên viên cao cấp Hà Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Bà Hà Thị Thanh Vân phát biểu tại một hội thảo về nâng tuổi nghỉ hưu.

PV: Câu chuyện nâng tuổi nghỉ hưu dù đang được bàn thảo nhưng không còn là vấn đề mới và vẫn đang có nhiều ý kiến. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Bà Hà Thị Thanh Vân: Vấn đề tuổi nghỉ hưu là vấn đề tôi quan tâm từ khi bắt đầu tham gia vào nghiên cứu lĩnh vực lao động, đến nay cũng đã 25 năm. Tôi cũng là người chứng kiến những bước thăng trầm của việc xác định tuổi nghỉ hưu suốt 25 năm qua. Tôi nghĩ là sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Nghị quyết 28 thì chúng ta đã có những động thái để thay đổi vấn đề này. 

Trước hết, tôi chia sẻ với những lao động làm việc trực tiếp, đặc biệt là các lao động nữ. Bản thân tôi luôn có quan điểm hết sức rõ ràng suốt 25 năm qua, trong công tác tham mưu cũng như trong phát biểu tại các hội nghị là tuổi hưu không được dựa trên giới tính mà phải dựa trên lĩnh vực, ngành nghề. 

Tôi nhớ năm 2002, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có 1 công trình nghiên cứu phân tích thể lực của phụ nữ và nam giới. Phân tích thể lực, chiều cao, cân nặng, vóc dáng không chứng minh được rằng một người nam giới sẽ làm tốt hơn 1 người phụ nữ và ngược lại. Không có căn cứ khoa học thì chúng ta không được mặc nhiên quy định rằng tất cả nam giới đều khỏe như nhau và về hưu cùng tuổi như nhau, phụ nữ yếu như nhau nên về hưu sớm như nhau.

PV: Dư luận đang đặt ra vấn đề về ý kiến của người lao động, đặc biệt là lao động trực tiếp không muốn kéo dài tuổi làm việc. Ý kiến của bà như thế nào?

Bà Hà Thị Thanh Vân: Tôi rất chia sẻ với những công nhân, người lao động trực tiếp khi người ta đặt ra câu hỏi: Các anh, các chị muốn về hưu ở tuổi bao nhiêu? Nếu đặt câu hỏi đó với tôi, tôi cũng sẵn sàng trả lời là tôi muốn về hưu ở tuổi 50. 50 tuổi là mắt tôi cũng mờ chứ không chỉ có các chị công nhân hàng ngày phải ngồi máy. Việc các bộ phận cơ thể lão hóa là do quy luật của sinh lý, giới tính con người. Không phải là tôi làm ở lĩnh vực quản lý, làm hành chính mà mắt tôi không mờ. Do đó, chúng ta phải phân tích ở rất nhiều góc nhìn khác nữa để đảm bảo tính hợp lý.

PV: Bà có thể nói rõ hơn về ý này?

Bà Hà Thị Thanh Vân: Tức là chúng ta phải tính toán để làm sao phù hợp với giai đoạn, điều kiện thực tế. Ví dụ, người ta tham gia thị trường lao động muộn mà chúng ta cứ ấn định là đến 60 tuổi phải về hưu thì không bao giờ người ta đạt được mức lương đảm bảo cuộc sống khi về hưu. Lương hưu là một khoản an sinh xã hội để đảm bảo cho người ta khi không còn khả năng lao động. Nguyên tắc đầu tiên là phải hợp lý. 

Ý nữa tôi muốn nói đến là nguyên tắc đóng hưởng. Nếu anh khống chế người ta đến 60 tuổi phải về hưu thì làm sao người ta có phần lương hưu đủ sống sau này. Ví dụ tôi đi làm ở tuổi 22 thì đến 55 tuổi tôi thừa điều kiện để nhận phần lương hưu theo quy định để đảm bảo cuộc sống. 

Nhưng cũng có những chị phụ nữ không suôn sẻ như tôi. Người ta đi lấy chồng, sinh con đến 30 tuổi mới bắt đầu tham gia vào thị trường lao động, mới bắt đầu đóng BHXH thì họ làm gì có cơ hội để tham gia đủ thời gian đóng BHXH. Nhận lương hưu một cục về tiêu một thời gian là hết. Sau này họ sẽ là gánh nặng cho bảo trợ xã hội nếu rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Chúng ta phải nhìn nhận ở các góc độ như thế nữa.

PV: 25 năm nghiên cứu về vấn đề này, còn vấn đề gì bà đặc biệt quan tâm nữa không?

Bà Hà Thị Thanh Vân: Một điều tôi muốn nhấn mạnh nữa là việc bình đẳng, đặc biệt là bình đẳng giới khi nói đến tuổi nghỉ hưu. Nhà nước sẽ đưa ra tuổi trần tối thiểu và tối đa cho người lao động. Còn lại trao quyền nghỉ hưu cho người lao động để người ta quyết định. Nếu đủ sức khỏe thì người ta làm tiếp, còn nếu không đủ khả năng thì nên để người ta về. 

Tôi không hiểu tại sao vẫn phải có khoảng cách giữa tuổi nghỉ hưu của nam và nữ. Phải chăng người ta ấn định rằng chất lượng lao động của nam thì tốt hơn nữ nên nam giới được làm nhiều hơn 2 năm. Rồi người ta lý giải việc nâng tuổi nghỉ hưu là do tuổi thọ hiện nay đã được nâng lên. Nếu thế thì tuổi nghỉ hưu của nữ phải cao hơn, vì hiện tuổi thọ của nữ cao hơn. Hiện nay, nữ đang thọ 81,5 tuổi, mà nam chỉ có 76 tuổi thì tại sao lại điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của nam cao hơn nữ 2 tuổi. 

Quan điểm của tôi là chúng ta phải bỏ khoảng cách nam và nữ thì mới đạt được ngưỡng của sự bình đẳng. Chúng ta cứ nghĩ là ưu tiên phụ nữ nhưng không phải. Ví dụ: tuổi đi học, tuổi bồi dưỡng, tuổi đề bạt… như nhau đều dựa trên tuổi hưu. 51 tuổi với nam giới là đảm bảo đi tiếp, cả trong quy hoạch, chứ chưa nói gì đến tái cử. Nhưng 51 tuổi với phụ nữ thì chắc chắn là trong diện “khăn gói” để chuẩn bị quay về, trừ trường hợp tái cử, trường hợp đặc biệt.

PV: Theo quan điểm của bà, chúng ta phải tính tuổi nghỉ hưu thế nào cho hợp lý?

Bà Hà Thị Thanh Vân: Tôi đề nghị tuổi nghỉ hưu hiện nay theo ngành nghề, lĩnh vực. Dựa trên các văn bản pháp luật thì chúng ta phải chia cụ thể: tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức riêng và tuổi nghỉ hưu của người lao động riêng. Riêng trong khối người lao động phải tách làm 3 nhóm đối tượng khác nhau: Khối người lao động nặng nhọc độc hại, khối người làm việc bình thường không lao động nặng nhọc độc hại nhưng lại đặc thù ví dụ như diễn viên xiếc, công nhân may… và nhóm cuối là các lao động khác. Như thế đảm bảo cho người lao động được làm đủ thời gian cho đến khi đóng đủ BHXH để được hưởng mức tối đa lương hưu hàng tháng. Người ta hưởng cái gì để đảm bảo cuộc sống khi không làm việc nữa mới là quan trọng. Đích đến là đảm bảo an sinh xã hội chứ không phải câu chuyện là tuổi hưu.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Ngọ Duy Hiểu: Không thể làm chính sách theo kiểu trên trời

Trao đổi về câu chuyện tăng tuổi nghỉ hưu trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đang rất nóng trên nghị trường Quốc hội, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng đây là một trong những quy định có rất nhiều điều đáng bàn. Theo ông Hiểu, một trong những lý do ban soạn thảo đưa ra để tăng tuổi nghỉ hưu là nguy cơ thiếu hụt lao động vậy thì phải xem có phải sắp thiếu lao động thực sự hay không và cần có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể. 

“Tôi có trao đổi với anh Phạm Quang Thanh, một chuyên gia tài chính, anh ấy nói rằng, muốn đánh giá là thiếu hay đủ lao động thì phải xem lao động sắp vào tuổi lao động đang có bao nhiêu, nhu cầu tương lai của lao động là gì? Đây là chưa nói đến một thông tin rất quan trọng, đó là theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khoảng 10 năm nữa, 86% lao động ở khu vực thâm dụng lao động như: da giày, thủy sản, lắp ráp điện tử, dệt may… sẽ thay thế bằng robot. Một lực lượng rất lớn lao động được thay thế bằng robot, như thế có nghĩa trong tương lai ngắn sẽ còn dôi ra một lượng lớn lao động. Một vấn đề cũng cần phải quan tâm là hiện nay ta đang thừa lao động. Mỗi năm chúng ta vẫn có một lượng lớn lao động thất nghiệp, tiếp đó là câu chuyện 200 nghìn cử nhân vẫn đang thất nghiệp nữa. Tổng hợp tất cả các dữ liệu này vào thì câu chuyện thừa hay thiếu lao động cần hết sức lưu ý. Ban soạn thảo không thể cứ bám vào câu chuyện thiếu hụt lao động để đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu”, ông Hiểu nói.

Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu ra thực trạng nữa là hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đang “trả” lại lao động cho gia đình vào tuổi 40 (sa thải lao động), bây giờ mà tiếp tục tăng tuổi nghỉ hưu nữa thì mấy chục năm còn lại họ sẽ đi đâu về đâu. Người già thì không muốn làm việc, người trẻ thì muốn đi làm nhưng người già lại phải tiếp tục làm việc trong khi người trẻ thì cứ phải chơi. 

Theo thống kê tội phạm học thì 80% phạm tội ở lứa tuổi thanh, thiếu niên đều là những người không có việc làm gây ra những hệ lụy rất lớn cho xã hội. Nếu người ta có việc làm thì sẽ không có thời gian cho những hành vi lệch chuẩn xã hội, hành vi vi phạm pháp luật. “Nhàn cư vi bất thiện” cha ông đã tổng kết từ bao nhiêu năm nay rồi. Đây cũng là câu chuyện phải được tính đến.

Đề cập đến một lý do nữa mà ban soạn thảo đưa ra là tuổi thọ người Việt Nam tăng lên. Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trăn trở, các nghiên cứu nói rằng tuổi thọ Việt Nam tăng lên, nhưng liệu người Việt Nam có khỏe hơn không là một câu chuyện. 

Nghiên cứu của ngành y đã chỉ ra rằng, mỗi người trên 60 tuổi đã mang trong mình 2 đến 3 bệnh, trên 70 tuổi thì số lượng bệnh tăng lên 6 đến 7 bệnh. Tuổi thọ tăng nhưng giai đoạn sống khỏe có tăng hay không là câu chuyện cũng phải xem xét. Còn thực tế sức khỏe của công nhân còn kém hơn nữa. Phải tránh tình trạng, công nhân người lao động khi trẻ thì lấy sức khỏe đi kiếm tiền, khi già lại phải mang tiền đi mua sức khỏe. 

“Chúng ta lựa chọn tăng tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh đang cố gắng thực hiện tinh giảm biên chế. Rồi nền kinh tế cũng đang phải lựa chọn xuất khẩu lao động là một trong những con đường phát triển kinh tế. Chúng ta phải khắc phục một cái bệnh là “chính sách trên trời mà cuộc đời lại dưới đất””, ông Ngọ Duy Hiểu phân tích.

Phan Hoạt
.
.
.