Kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020)

Xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ ANTT, góp phần giải phóng miền Nam

Thứ Sáu, 24/04/2020, 07:52
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng CAND đã thực hiện tốt công tác xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ ANTT. Đặc biệt, những phong trào “Bảo vệ trị an” ở miền Bắc và “Bảo mật phòng gian” ở miền Nam đã thực sự phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sức mạnh của toàn dân trong công tác bảo vệ ANTT, góp phần bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa (XHCN), đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1954) đưa cách mạng nước ta bước vào thời kỳ mới. Nhiệm vụ to lớn lúc này là: Xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN, tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà, đưa cả nước đi lên CNXH. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cách mạng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra một số nghị quyết, chỉ thị nhấn mạnh về công tác quần chúng, trong đó xác định: “Đảng lãnh đạo, dựa vào quần chúng, kết hợp tính cách mạng của quần chúng với công tác nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn”.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban Bí thư Thư Trung ương Đảng, Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ ANTT. Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 8 xác định: “Kết hợp chặt chẽ phát động quần chúng với trấn áp hoạt động phá hoại của bọn gián điện cường hào gian ác và bọn phản cách mạng khác để đảm bảo cho cuộc cải cách ruộng đất tiến hành một cách thuận lợi”.

Theo đó, lực lượng Công an đã tăng cường cán bộ xuống cơ sở tham gia các đoàn, đội phát động quần chúng đấu tranh thực hiện “3 cùng” với nhân dân, dựa vào nhân dân kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện, trấn áp kịp thời các hoạt động chống phá của giai cấp địa chủ phản cách mạng, kết hợp chỉnh đốn tổ chức, xây dựng đội ngũ cốt cán ở cơ sở như Công an xã, lực lượng Bảo vệ cơ quan, xí nghiệp nhà nước...

Lực lượng vũ trang hướng dẫn nhân dân học tập nâng cao cảnh giác, tích cực thực hiện phong trào “Bảo vệ trị an” đề phòng gián điệp biệt kích xâm nhập. Ảnh tư liệu.

Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 12 (tháng 4-1958) đã nhấn mạnh: “Bảo vệ Tổ quốc phải là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, cho nên phải không ngừng củng cố và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cách mạng của cán bộ, công nhân và nhân dân, động viên toàn Đảng, toàn dân tham gia bảo vệ miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, đó là đường lối quần chúng trong công tác Công an để đấu tranh có hiệu quả với địch...”.

Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 14 (tháng 1-1960) nhấn mạnh công tác vận động quần chúng: “Phong trào bảo vệ trị an là cuộc vận động quần chúng rộng rãi, nhằm giáo dục quần chúng đảm nhiệm lấy sự nghiệp bảo vệ thành quả cách mạng và bảo vệ an toàn cho đời sống hàng ngày, cần phải làm mạnh và mở rộng phong trào bảo vệ trị an đưa lên thành phong trào thường xuyên của quần chúng làm cơ sở chắc chắn để đẩy mạnh công tác đánh địch...”.

Để nâng cao hiệu quả công tác vận động, lực lượng Công an tăng cường tuyên truyền để quần chúng nhân dân hiểu rõ hơn về âm mưu của địch, củng cố lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc; vận động nhân dân phát hiện, tố cáo, lên án các đối tượng phản động. Đối với bà con theo đạo Thiên chúa, lực lượng Công an đã tranh thủ vận động đồng bào công giáo đứng vào hàng ngũ kháng chiến, lôi kéo hàng ngũ giáo phẩm, dựa vào lực lượng quần chúng để trừng trị bọn ngoan cố làm tay sai cho địch; đồng thời phối hợp cùng các ngành, đoàn thể vận động được nhiều giáo dân không mắc mưu, trở về quê làm ăn sinh sống, trấn áp kịp thời các vụ bạo loạn vũ trang do các đối tượng phản động lợi dụng đạo Thiên chúa cầm đầu. Điển hình như vụ Tràng Nưa (Nghệ An), Hương Sơn (Hà Tĩnh), phá tổ chức gián điệp Hòn Mê câu kết với bọn phản động lợi dụng đạo Thiên chúa ở Tĩnh Gia (Thanh Hoá)…

Lực lượng Công an là nòng cốt tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền, phối hợp với các ngành, đoàn thể vận động quần chúng củng cố vùng xung yếu, trấn áp bọn phản cách mạng ở những địa bàn phức tạp. Kết hợp biện pháp quần chúng với các biện pháp nghiệp vụ, vận dụng đấu tranh chính trị của nhân dân hỗ trợ lực lượng vũ trang, kịp thời phát hiện, trừng trị bọn gây rối ANTT ở nhiều nơi như: Ba Làng (Thanh Hoá), Bùi Chu (Nam Định), Phát Diệm (Ninh Bình), Quỳnh Lưu (Nghệ An)... Đã khoanh vùng trấn áp phản cách mạng ở hàng trăm điểm, bắt tập trung cải tạo và đưa vào diện cải tạo tại chỗ hàng nghìn phần tử chống phá.

Quán triệt quan điểm của Đảng, vấn đề thổ phỉ không đơn thuần là vấn đề địch - ta, mà là vấn đề có tính dân tộc, tính quần chúng nên khi giải quyết vấn đề này, lực lượng Công an đã thực hiện kết hợp vận động chính trị với chính sách dân tộc, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, trên cơ sở đó vận động, tổ chức nhân dân trực tiếp tham gia giải quyết vấn đề thổ phỉ. Việc sử dụng biện pháp vũ trang là cần thiết nhưng phải trên cơ sở thực hiện tốt vận động chính trị trong nhân dân. Với biện pháp đó, đến giữa những năm 60 vấn đề thổ phỉ ở các tỉnh miền núi phía Bắc cơ bản đã được giải quyết.

Lực lượng Công an đã gắn kết phong trào “Bảo vệ trị an”, “Bảo mật phòng gian với phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Từ kinh nghiệm phong trào “3 phòng” (phòng gian, phòng hoả, phòng tai nạn), giữa năm 1957, Bộ Công an đã  sơ kết rút kinh nghiệm, phát động phong trào “Bảo vệ trị an để bảo vệ ANTT trong tình hình mới. Cùng với các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua lao động sản xuất như “Gió đại phong” trong nông nghiệp, “Sóng duyên hải” trong ngư nghiệp, “Có ba nhất” trong Quân đội, phong trào “Bảo vệ trị an” đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến đuổi kịp và vượt lá cờ đầu xã Yên Phong (Ninh Bình) như: Xã Hưng Khánh (Hưng Yên), Thanh Bình (Lào Cai), Quảng Chiều (Thanh Hoá), khối 30 (Hà Nội)...

Ở miền Nam, lực lượng an ninh tăng cường bám đất bán dân xây dựng cách mạng, hướng dẫn hỗ trợ nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược, trừng trị bằng ôn. Phong trào “Bảo mật phòng gian” xây dựng xã, ấp chiến đấu, chống địch càn quét, bảo vệ cán bộ của Đảng và phong trào “Đồng khởi” chống Mỹ - Diệm, phát triển trên khắp các vùng chiến lược, góp phần làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy.

Phong trào cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ, nhất là từ sau cuộc tổng tấn công nổi dậy toàn miền Nam năm 1968 làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ - ngụy. Ngày 18-12-1974, Bộ Chính trị họp hội nghị mở rộng, phân tích tình hình mọi mặt, ban hành nghị quyết lịch sử, động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, gấp rút chuẩn bị mọi mặt tổng công kích quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ ANTT, Bộ Công an đã ban hành Quyết định 426 ngày 16-6-1967, thành lập “Phòng theo dõi phong trào bảo vệ trị an và xây dựng lực lượng Công an xã” trực thuộc Bộ trưởng, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng chỉ đạo công tác vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Bảo vệ trị an” và chỉ đạo việc xây dựng lực lượng Công an xã, nhằm đẩy mạnh xây dựng xã vững mạnh về ANTT. Từ đây phong trào “Bảo vệ trị an” và xây dựng lực lượng Công an xã có một tổ chức chuyên trách chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng CAND đã thực hiện tốt công tác xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ ANTT, phong trào “Bảo vệ trị an” ở miền Bắc và “Bảo mật phòng gian” ở miền Nam đã thực sự phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sức mạnh của toàn dân trong công tác bảo vệ ANTT, góp phần bảo vệ miền Bắc XHCN, đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhóm PVTS
.
.
.