Vỡ hồ chứa nước đãi titan ở Bình Thuận:

Việt Nam nên ngừng khai thác titan

Thứ Sáu, 17/06/2016, 19:02
Sau khi xảy ra sự cố vỡ hồ chứa nước đãi titan của công ty TNHH Tân Quang Cường ở xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận khiến lượng lớn bùn đỏ tràn ra ngoài, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà đã chỉ đạo tạm dừng hoạt động của công ty để khẩn trương khắc phục sự cố. Từ vụ việc này, các chuyên gia môi trường cho rằng, Việt Nam nên ngừng khai thác titan vì lợi ít, hại nhiều.

Yêu cầu nhà máy tạm dừng hoạt động

Rạng sáng ngày 16-6, hồ chứa nước đãi titan có diện tích khoảng 3.000 m²của Công ty TNHH Tân Quang Cường bất ngờ bị vỡ. Khối lượng lớn bùn đỏ đã chảy tràn vào khu dân cư và chảy ra biển. Nguyên nhân ban đầu của sự cố được xác định là do những ngày gần đây, khu vực này có mưa lớn dẫn đến hồ chứa bị thấm nước và xói lở.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Tổng cục Môi trường khẩn trương kiểm tra tình hình, khắc phục sự cố. Trước khi xử lí dứt điểm sự cố, để đảm bảo an toàn về môi trường, Bộ này yêu cầu công ty tạm dừng hoạt động khai thác.

Công ty TNHH Tân Quang Cường khai thác mỏ titan suối Nhum theo giấy phép khai thác số 1019/GP- BTNTM do Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp này 27-4-2015.

Theo Bộ Tài nguyên – Môi trường, nếu phát hiện có vi phạm nghiêm trọng hoặc có sự buông lỏng trong quản lý tại nhà máy này sẽ tiến hành đình chỉ hoạt động và xem xét việc thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.

PGS.TS Nguyễn Đình Hoè – Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ là rất nghiêm trọng bởi trong nước đãi titan thường chứa hàm lượng quặng phóng xạ. Nếu chảy ra biển, lượng phóng xạ này có thể gây nhiễm độc biển. “Titan thường được tuyển bằng nước nhưng cũng có thể sử dụng hoá chất. Tính chất của vụ việc nguy hiểm tới đâu còn phụ thuộc vào việc nhà máy có sử dụng hoá chất gì để tẩy rửa hay không” – PGS Hoè nói.

Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ. Theo PGS Hoè, đó là do việc kiểm soát của các cơ quan quản lí chưa tốt. “Trước khi được phê duyệt giấy phép, các doanh nghiệp đều phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường. Các hồ chứa bùn thải đều được tính toán kĩ lưỡng từ nhiều yếu tố để đảm bảo an toàn trong thời gian dài. Khi sự cố xảy ra, doanh nghiệp không thể đổ lỗi do khách quan để trốn tránh trách nhiệm. Trên thế giới, các nước đều tiến hành chôn lấp vĩnh viễn nguồn chất thải độc hại ở những khu vực khép kín. Ở Việt Nam, các hồ chứa bùn thải thường được xây dựng ven biển để thải ra điển. Điều này rất nguy hiểm. Xử lí chất thải nguy hại thường rất tốn kém nên doanh nghiệp luôn tìm cách trốn tránh” – vị chuyên gia này cho biết.

GS Đặng Hùng Võ thì nhấn mạnh: “Nhà máy này do Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp phép. Để xảy ra sự cố là do Bộ này có sự tắc trách, thiếu kiểm tra thường xuyên. Lâu nay vẫn thường xảy ra việc cấp phép xong rồi bỏ đấy, không kiểm tra. Tới khi báo chí phanh phui hoặc xảy ra sự cố rồi mới chạy theo xử lí. Cách làm này rất thiếu trách nhiệm”.

Bùn đỏ từ nhà máy Tân Quang Cường chảy tràn vào khu dân cư. 
Khai thác titan: Lợi ít, hại nhiều

Từng là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, GS Võ cho rằng, Việt Nam nên dừng việc khai thác khoáng sản, bán rẻ tài nguyên, trong đó có việc khai thác titan. “Chúng ta hãy quên đi nguồn khoáng sản mà chúng ta đang có, cứ để chúng ở đó cho thế hệ mai sau. Chỉ khi đó, Việt Nam mới phát huy được nguồn lực con người cho phát triển đất nước. Việc khai thác titan hiện nay đang gây ra những tác hại rất lớn, tổn thất môi trường quá cao trong khi lợi ích thu được lại rơi vào túi tư nhân” – GS bày tỏ.  

Đồng quan điểm, GS Vũ Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định, tài nguyên khoáng sản của Việt Nam đang cạn kiệt, việc khai thác cần phải cân nhắc thận trọng. “Titan là khoáng sản quý hiếm. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn xuất khẩu thô là chủ yếu, giá trị không lớn. Tại những vùng khai thác titan, hệ sinh thái môi trường sẽ chết, sự đánh đổi là quá đắt” - GS Hồng nói. 

Vị này nói thêm: “Tại sao các nước không khai thác titan mà chỉ đi mua? Là vì họ hiểu được lợi ích của việc giữ lại nguồn tài nguyên quý giá này. Chỉ khi nào Việt Nam cần phát triển công nghiệp quốc phòng, tự chế tạo vũ khí, tàu vũ trụ…thì khi đó mới tiến hành khai thác, chấp nhận hi sinh. Còn với trình độ công nghệ như hiện nay, việc ồ ạt khai thác titan là bán rẻ tài nguyên quốc gia, lợi ít hại nhiều”.

Khánh Vy
.
.
.