Việt Nam kịch liệt phản đối Trung Quốc mở ngân hàng phi pháp ở Hoàng Sa
- Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ lâu đời của Việt Nam
- Mỹ, Nhật tiếp tục phản đối Trung Quốc xâm lấn biển Đông
Đối với việc Trung Quốc mở ngân hàng phi pháp ở cái gọi là “thành phố Tam Sa”, ngày 9-2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi việc làm của nước ngoài (nếu có) trong khu vực này là không hợp pháp và không thể thay đổi thực tế Việt Nam có chủ quyền tại đây”.
Phản ứng của Việt Nam đưa ra sau khi hôm 6-2, Ngân hàng Trung Quốc (BOC) ngang nhiên tuyên bố khai trương chi nhánh tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”, thực chất là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Bên cạnh đó, BOC còn ngang nhiên phát hành thẻ thanh toán (Debit Card) Tam Sa Trường Thành, quyên góp 1,25 triệu NDT (181.625 USD) cho cái gọi là “Tam Sa”.
Trước đó, Chính quyền Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hoạt động phi pháp, trái với luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đặc biệt là việc thành lập và tiến hành các hoạt động liên quan đến cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Chưa hết, tờ South China Morning Post ngày 9-2 trích dẫn báo cáo từ tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ, chỉ ra rằng, Trung Quốc hiện đang chiếm đóng 20 tiền đồn thuộc quần đảo Hoàng Sa, đồng thời đã mở rộng các cơ sở quân sự trên 8 hòn đảo.
Báo cáo nêu rõ: “Ba trong số các cầu cảng tại khu vực được bảo vệ hiện nay có khả năng chứa được số lượng lớn tàu hải quân và tàu dân sự”, tổ chức AMTI cho biết.
“Năm đảo có chứa bãi đáp trực thăng, trong đó đảo Quang Hòa có căn cứ trực thăng. Đối với đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa, được trang bị đường băng, khu chứa máy bay và tên lửa chiến lược đất đối không HQ-9”.
Và “không phải tất cả các thực thể Trung Quốc chiếm đóng tại quần đảo Hoàng Sa hiện đều đang chứa các cơ sở hạ tầng quan trọng. Tuy nhiên, với sự hiện diện của các tòa nhà nhỏ, hoặc vật liệu xây dựng, có lẽ Trung Quốc đang chuẩn bị mở rộng các cơ sở này trong tương lai”.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Những hành động phi pháp của phía Trung Quốc không thể thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nói trên, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc” – Người phát ngôn Lê Hải Bình nhấn mạnh trong một tuyên bố hồi tháng 10-2016.