Việc xử lý hình sự ông Đinh La Thăng là bài học cảnh tỉnh sâu sắc
- Khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng
- Bắt em trai ông Đinh La Thăng về hành vi tham ô tài sản
- Đồng chí Đinh La Thăng chuyển về Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa
- Công bố quyết định phân công nhiệm vụ đối với ông Đinh La Thăng
Vì kỷ cương phép nước phải làm, vừa để cảnh tỉnh, răn đe phòng ngừa chung
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhận định: Việc cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng là minh chứng cho thấy công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã có bước chuyển biến rất quan trọng, trở thành xu thế như lời Tổng Bí thư “lò nóng lên rồi, củi tươi cũng cháy”, không ai đứng ngoài cuộc và cũng không thể đứng ngoài cuộc.
Theo ông, kể từ khi Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố, điều tra, đã có dư luận về cán bộ cấp cao hơn là ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm trong vụ việc. Khi ông Đinh La Thăng bị cho thôi Uỷ viên Bộ Chính trị, điều về làm Phó Ban Kinh tế Trung ương, cũng có quan điểm cho rằng xử lý như vậy “còn nhẹ” hay có băn khoăn về “vùng cấm”. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy rằng, việc xử lý sai phạm của cán bộ phải làm từng bước, phải chặt chẽ, thận trọng, căn cứ các tài liệu, chứng cứ điều tra chứ không thể chạy theo dư luận, nôn nóng, vội vàng. Ông Đinh La Thăng có sai phạm tại thời điểm làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thì cũng không chỉ thuyên chuyển hoặc cho “hạ cánh an toàn” như một số quan điểm nghi ngờ mà phải xử lý nghiêm để làm gương. Việc xử lý ông Đinh La Thăng cũng là hồi chuông cảnh tỉnh với những cán bộ của Đảng, Nhà nước, nhất là cán bộ giữ vị trí quan trọng, đó là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, ai sai phạm, sai phạm đến đâu đều phải xử lý, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Nghiên cứu về mặt lịch sử, PGS Nguyễn Trọng Phúc cho biết, lịch sử ra đời, phát triển của Đảng ta đã từng thi hành kỷ luật một số ủy viên Bộ Chính trị nhưng chỉ là xử lý kỷ luật về mặt đảng. Còn việc xử lý hình sự, khởi tố, bắt tạm giam với người từng là Ủy viên Bộ Chính trị, với những sai phạm liên quan tới lĩnh vực kinh tế là điều chưa từng có tiền lệ. Dù ông Đinh La Thăng sai phạm ở giai đoạn chức vụ trước đây nhưng vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước thì vẫn phải bị xử lý. Điều này khẳng định tính nghiêm minh, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong việc xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh trong giai đoạn hiện nay.
PGS Nguyễn Trọng Phúc |
Tuy nhiên, PGS Nguyễn Trọng Phúc cũng lưu ý: Không ai lấy làm vui vẻ khi xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm, trái lại đó là sự đau xót nhưng vì kỷ cương phép nước, chúng ta phải làm, để răn đe, phòng ngừa chung. Thời gian qua, những sai phạm trong của quá khứ của cán bộ, đảng viên, chúng ta cũng xử lý nghiêm minh chứ không có chuyện thuyên chuyển hay cho “hạ cánh an toàn”. Với ông Đinh La Thăng, trong thời gian làm Bộ trưởng GTVT và Bí thư Thành uỷ TPHCM đã có rất nhiều cố gắng, được ghi nhận. Những nỗ lực, cố gắng của ông Đinh La Thăng trong quá trình công tác, cái gì tốt được ghi nhận, nhưng những gì vi phạm pháp luật thì vẫn phải xử lý. Đó là sự bình đẳng, công minh, là sự cảnh tỉnh chung.
Đúng như lời Tổng Bí thư: Xử lý nghiêm để cứu muôn người!
Ông Lù Văn Que, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương bày tỏ, khi hay tin cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, ông và nhiều đảng viên thực sự trăn trở. Không ai có thể vui được khi đồng chí của mình, đặc biệt lại là một cán bộ cao cấp vi phạm đến mức phải bị khởi tố, bắt tạm giam. Một cán bộ đã trải qua nhiều vị trí công tác, được tôi luyện, thử thách qua nhiều lĩnh vực quan trọng lại mắc phải sai phạm nghiêm trọng như vậy. Do đó, đây chính là bài học cảnh tỉnh sâu sắc với mọi cán bộ, đảng viên, nhất là những người được Đảng, Nhà nước giao các trọng trách, ở những vị trí có nhiều bổng lộc, lợi ích, dễ tham nhũng… Nếu không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, để tha hóa biến chất sẽ rất nguy hiểm.
Ông Lù Văn Que |
Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, ông Lù Văn Que nhận định: Lần đầu tiên, một người từng giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị bị xử lý về mặt hình sự. Tuy nhiên, cần thấy rằng việc khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về các sai phạm của ông Đinh La Thăng là trong thời gian ông Thăng làm Chủ tịch HĐQT PVN chứ không phải khi ông là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ. Việc xử lý như vậy là việc làm cần thiết, thể hiện tính nghiêm minh của Đảng, bản thân ông và nhân dân rất ủng hộ, tin tưởng tuyệt đối vào sự quyết liệt của Đảng trong công cuộc chống tham nhũng, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII. Có thể coi đó là một bước đột phá.
Cùng với các động thái xử lý về hình sự, hành chính gần đây của cán bộ các cấp sai phạm đã cho thấy rõ, bất kể cán bộ ở cấp nào, ngành nào nếu vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh, không có ngoại lệ, dung túng nào. Đúng như Tổng Bí thư đã từng nhấn mạnh, xử lý một vài người để cứu muôn người, cứu nhân dân, đất nước. Nếu chúng ta cứ bao che, làm nhẹ tội lỗi của những cán bộ đảng viên vi phạm thì được lợi cho một nhóm người nhưng cái mất rất lớn, không chỉ mất tiền, mất của mà quan trọng hơn là mất lòng tin. Mất lòng tin của dân là mất tất cả, được lòng tin của dân là có tất cả.
Ông cũng nhấn mạnh: Trước đây, nhiều người có quan điểm vơ vét khi đương quyền để rồi nghỉ hưu là “hạ cánh an toàn”. Tuy nhiên, gần đây, việc làm rõ, xử lý nghiêm cả những cán bộ, đảng viên sai phạm nay đã nghỉ hưu đã cho thấy tính quyết liệt, triệt để của cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Các sai phạm trong quá trình đương chức đều được làm rõ, kể cả việc cách các chức vụ mà họ từng đảm nhận. Thực sự, thực hiện nghiêm có tác dụng hơn ngàn lời nói, đó là cơ sở để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố được niềm tin của nhân dân. Đó cũng là bài học cảnh tỉnh, răn đe đối với tất cả các cán bộ, đảng viên để tự răn mình, tự tu dưỡng, rèn luyện, phòng ngừa thói hư tật xấu, biết dừng lại trước việc làm sai trái…
Ngày 8-12, Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp uỷ (gồm cả sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương) đối với ông Đinh La Thăng, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương theo quyết định khởi tố bị can ngày 08-12-2017 và Lệnh bắt tạm giam của cơ quan CSĐT Bộ Công an. Hiện, cơ quan CSĐT và Cơ quan ANĐT Bộ Công an đang tiến hành điều tra 2 vụ án liên quan đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng: (1) Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự); Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank); (2) Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản (Điều 278, Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II. |