Việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng hợp với mong muốn của đảng viên và người dân

Thứ Tư, 26/12/2018, 10:36
Việc Trung ương lấy phiếu tín nhiệm là công việc bình thường của Đảng.Đây là một chủ trương đúng đắn, cần thiết. Nó hợp với mong muốn của đảng viên và người dân.

Ngày 25-12, tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XII, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trình bày tờ trình của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư. Chiều cùng ngày, Trung ương đã nghiên cứu tài liệu, thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh này. 

Tổng số Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư có 24 người. Hội nghị lần này lấy phiếu tín nhiệm với 16 Ủy viên Bộ Chính trị và 5 thành viên Ban Bí thư (các trường hợp còn lại chưa đủ điều kiện về thời gian lấy phiếu tín nhiệm theo quy định). Báo CAND đã phỏng vấn Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an về vấn đề này.                            

Ngày 25-12, tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XII, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trình bày tờ trình của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư. 

Chiều cùng ngày, Trung ương đã nghiên cứu tài liệu, thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh này. Tổng số Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư có 24 người. 

Hội nghị lần này lấy phiếu tín nhiệm với 16 Ủy viên Bộ Chính trị và 5 thành viên Ban Bí thư (các trường hợp còn lại chưa đủ điều kiện về thời gian lấy phiếu tín nhiệm theo quy định). Báo CAND đã phỏng vấn Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an về vấn đề này.

Thiếu tướng Lê Văn Cương.

Phóng viên: Thưa Thiếu tướng Lê Văn Cương, Hội nghị Trung ương 9 khóa XII đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 16 Ủy viên Bộ Chính trị, 5 Ủy viên Ban Bí thư. Xin Thiếu tướng cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đây không phải là lần đầu tiên Trung ương làm việc này. Tuy nhiên, lần này Trung ương xác định rõ việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh trên một cách cụ thể, rõ ràng. Đó là một bước tiến rất có ý nghĩa. Việc Trung ương lấy phiếu tín nhiệm là công việc bình thường của Đảng, nhằm thu thập thông tin đánh giá khách quan phẩm chất, năng lực và chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ đồng thời có cơ sở khoa học và thực tiễn để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII. Đây là một chủ trương đúng đắn, cần thiết. Tôi đánh giá rất cao và hoàn toàn ủng hộ chủ trương này. Nó hợp với mong muốn của đảng viên và người dân.

Phóng viên: Xin Thiếu tướng cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng và lấy phiếu tín nhiệm trong Quốc hội khác nhau như thế nào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn là việc của Nhà nước. Những phiếu tín nhiệm này đánh giá năng lực và phẩm chất thể hiện trong hoạt động quản lý nhà nước. 

Điều này hoàn toàn phù hợp và là một bước tiến để thực hiện trực tiếp quyền lợi của người dân, giúp người dân có thông tin đầy đủ hơn về những người thay mặt mình điều hành đất nước. Còn lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư là thước đo phẩm chất và năng lực của các cán bộ chủ chốt của Đảng ở cấp cao nhất trong việc thực thi nhiệm vụ lãnh đạo nhà nước và xã hội. Việc này hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng chính đáng, thiết tha của đảng viên.

Hai việc này là khác nhau, nhưng giao thoa với nhau chứ không hoàn toàn tách biệt. Bởi vì, một Ủy viên Bộ Chính trị hay Ủy viên Ban Bí thư vừa thực hiện chức năng lãnh đạo nhà nước và xã hội của Đảng, đồng thời thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Đây là một bước tiến của dân chủ, từ dân chủ gián tiếp tới dân chủ trực tiếp, cũng là thể hiện quyền làm chủ của nhân dân. Về phía Đảng, đây là việc làm rất có ý nghĩa, đảng viên thể hiện quyền, trách nhiệm của mình trong vấn đề này.

Phóng viên: Được biết, trong lấy phiếu tín nhiệm cán bộ thì có tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Vấn đề cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm là đối với các trường hợp tín nhiệm thấp, thì hướng giải quyết như thế nào để tăng cường sức mạnh, sức chiến đấu trong hạt nhân lãnh đạo của Đảng. Xin Thiếu tướng cho biết quan điểm của ông?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Phiếu tín nhiệm thấp phần nào phản ánh năng lực và phẩm chất của một cá nhân chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ tại vị trí cá nhân đó được giao phó. Tất nhiên, có nhiều mức độ khác nhau trong vấn đề này. Có một số có phiếu tín nhiệm thấp là do năng lực điều hành tổ chức chưa tốt, thế nhưng phẩm chất đạo đức của người đó lại tốt. 

Đối với những người này tôi đề nghị Đảng tiếp tục bồi dưỡng để họ có điều kiện cống hiến. Nhưng đối với những người đã yếu kém trong phẩm chất đạo đức, thì như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói cần phải thật sự dân chủ, khách quan, công tâm, tăng cường đoàn kết, không đưa vào quy hoạch những người không đủ tiêu chuẩn… 

Tôi được biết, công tác cán bộ kỳ này Trung ương làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ. Cán bộ, đảng viên, nhân dân yên tâm tin tưởng vào công tác quan trọng này của Đảng.

Phóng viên: Từ việc triển khai lấy phiếu tín nhiệm ở Trung ương, nhiều ý kiến đề cập nên triển khai mở rộng việc này đối với Ban Cán sự Đảng các bộ, ngành, địa phương. Ý kiến của Thiếu tướng về nội dung này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi đó là việc cần làm. Ở các ban cán sự Đảng bộ, ngành cần phải lấy phiếu tín nhiệm. Ở địa phương thì càng phải làm. Lấy phiếu tín nhiệm của Thường vụ, Thành ủy, Tỉnh ủy. Tôi đề nghị phải làm việc này một cách nghiêm chỉnh. Thậm chí, không chỉ Thành ủy, Tỉnh ủy, mà còn nên mời những người đứng đầu các tổ chức chính trị xã hội, đứng đầu ngành tham gia. Đây là sự đánh giá, sàng lọc quan trọng lắm!

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn Thiếu tướng!

Khổng Hà (thực hiện)
.
.
.