Vị thế quốc gia trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền

Chủ Nhật, 01/05/2016, 14:14
Tới nay, qua 2/3 chặng đường làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ), những gì Việt Nam đã thể hiện được kiểm chứng và đánh giá khách quan. 


Việt Nam đã thực sự chứng tỏ là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm, cùng các nước thành viên khác xử lý các thách thức chung của nhân loại trong lĩnh vực quyền con người. Việt Nam đã từng bước khẳng định hình ảnh, vai trò của mình tại diễn đàn nhân quyền LHQ.

Hội đồng Nhân quyền LHQ ra đời ngày 15-3-2006 sau khi Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết thành lập một tổ chức nhân quyền mới thay thế Ủy ban Nhân quyền. Là cơ quan có tiếng nói quan trọng nhất trong hệ thống các thể chế của LHQ về quyền con người, Hội đồng Nhân quyền góp phần thúc đẩy sự tôn trọng và bảo vệ trên phạm vi toàn cầu các quyền con người và tự do cơ bản một cách công bằng, bình đẳng và không phân biệt đối xử. Tới nay cũng đánh dấu hơn 2 năm Việt Nam tham gia vào Hội đồng Nhân quyền, nhiệm kỳ 2014-2016.

Quá trình đó, chúng ta đã tham gia phát biểu, thảo luận tại hàng trăm cuộc họp, tham vấn về các chủ đề khác nhau liên quan đến việc bảo vệ quyền con người, từ các nội dung về kinh tế, xã hội, văn hóa, quyền phát triển, quyền giáo dục, y tế đến những vấn đề như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Việt Nam đã có những đóng góp thực chất vào quá trình xây dựng các nghị quyết, quyết định của Hội đồng Nhân quyền theo hướng ủng hộ cách tiếp cận cân bằng, toàn diện, đáp ứng được sự quan tâm, lợi ích của nhiều bên, hướng tới đồng thuận.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng ta không để bị rơi vào thế bị động trước các diễn biến tại Hội đồng Nhân quyền. Trên cơ sở lập trường, lợi ích của Việt Nam, chúng ta luôn có phản ứng kịp thời trước các sự kiện nóng về nhân quyền trên phạm vi toàn cầu, tham gia vào các phiên họp khẩn cấp, các cuộc thảo luận về các tình hình khủng hoảng, vấn đề Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, chủ nghĩa cực đoan, khủng hoảng di cư…

Tại Hội nghị Cấp cao khóa 31 Hội đồng Nhân quyền LHQ diễn ra hồi tháng 3-2016, đoàn Việt Nam tham gia phát biểu không chỉ ở các phiên thảo luận chung mà còn ở nhiều phiên thảo luận chuyên đề về các vấn đề thuộc ưu tiên của chúng ta như việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền con người, thực hiện các cam kết quốc tế về nhân quyền…

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp cấp cao và khóa họp 28 Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc. Ảnh: TTXVN.

Hình ảnh tích cực của Việt Nam còn được thể hiện thông qua sự nghiêm túc trong thực hiện cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR), cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng Nhân quyền. LHQ đánh giá cao Việt Nam không chỉ ở quá trình rà soát, báo cáo, đối thoại với các nước về tình hình nhân quyền Việt Nam mà còn ở sự nghiêm túc của Việt Nam trong thực hiện các cam kết mà chúng ta chấp nhận. Trong đó, phải kể đến việc Thủ tướng Chính phủ thông qua Kế hoạch tổng thể về thực hiện 182/227 khuyến nghị UPR (chúng ta đã chấp nhận) nhằm bảo đảm sự phối hợp thông suốt, đồng bộ giữa các bộ, ngành trong quá trình thực hiện các cam kết.

Với sự tín nhiệm của các nước trong Nhóm Châu Á-Thái Bình Dương, từ năm 2016, Việt Nam trở thành đại diện của khu vực trong nhóm làm việc về tình hình, nơi xem xét các kháng thư về nhân quyền do nhóm làm việc cấp dưới đệ trình. Việt Nam cũng thường xuyên đối thoại xây dựng và thẳng thắn với Cao ủy Nhân quyền, các báo cáo viên, chuyên gia đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền. Chúng ta cũng sẽ sớm đón báo cáo viên đặc biệt về quyền lương thực vào thăm Việt Nam. Đây là lần thứ 7 ta đón các chuyên gia, báo cáo viên đặc biệt từ năm 2010 đến nay.

Từ khi là thành viên của Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam thường xuyên được tham vấn trước những vấn đề mang tính thời sự. Ý kiến của Việt Nam được lắng nghe, ghi nhận và tham chiếu trong quá trình quyết định bỏ phiếu. Sự tham gia trách nhiệm, nghiêm túc trên tinh thần đề cao đối thoại và hợp tác đã củng cố hình ảnh Việt Nam là bạn và đối tác tin cậy của các nước. Hai năm qua, chúng ta tạo dựng quan hệ hợp tác hữu nghị, trao đổi chặt chẽ với 46 thành viên Hội đồng và nhiều nước quan sát viên ở 5 khu vực. Trong nhiều vấn đề, Việt Nam được xem là một trong những "cầu nối", là "tác nhân xúc tác" nhằm thu hẹp bất đồng và nỗ lực tìm kiếm giải pháp cân bằng.

Hội đồng Nhân quyền cũng tạo điều kiện để Việt Nam phát huy vị thế tại các diễn đàn quốc tế từ cấp độ khu vực như ASEAN cho đến Ủy ban 3, Đại hội đồng LHQ, từ "tham dự", Việt Nam đã thực sự "tham gia", đóng góp cho quá trình thảo luận và xây dựng văn kiện. Với vai trò, vị trí đó, ngày càng có nhiều nước thừa nhận và đánh giá cao nỗ lực, thành tựu và bài học kinh nghiệm của Việt Nam về quyền con người nói chung và vai trò của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền nói riêng. Điều này được thể hiện trong các tuyên bố chung, thông cáo báo chí nhân các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Việt Nam và lãnh đạo các nước, điển hình là Tuyên bố về Tầm nhìn chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Là tổ chức có tính liên hiệp, chúng ta cũng cần nhìn nhận những khó khăn trong bối cảnh thế giới ngày nay. Dù Hội đồng Nhân quyền đang phát huy khá tốt hiệu quả trong xử lý các vấn đề này nhưng thực tế vẫn nổi lên xu hướng chính trị hóa, gây sức ép trong quá trình thảo luận. Nhiều nước quá tập trung vào các nội dung dân sự, chính trị, coi nhẹ nội dung kinh tế, phát triển, do đó ảnh hưởng đến tính toàn diện của chương trình nghị sự… Với bối cảnh như vậy, các thành viên Hội đồng không chỉ có nỗ lực, trách nhiệm mà phải giữ được bản lĩnh, quan điểm, lập trường của mình, không bị "lung lay" trước các sức ép đến từ nhiều phía.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền với quan điểm đề cao đối thoại và hợp tác, cùng phấn đấu vì mục tiêu thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trên cơ sở trao đổi, tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta nhấn mạnh bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải có sự đối thoại, hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia để đảm bảo tính khả thi của các nghị quyết, kịp thời giải đáp những đòi hỏi về bảo đảm quyền con người trên thế giới.

Đương nhiên, trong nhiều trường hợp, tiếng nói của nước lớn, thành viên "ghế lớn" thường có trọng lượng, sức nặng bởi trong tính chất hoạt động của tổ chức cấp LHQ không tránh khỏi yếu tố lớn - bé, mới - cũ có tính tiền lệ này. Do đó, tham gia tổ chức của LHQ, vấn đề quan trọng là chúng ta nói gì, nói như thế nào để được người khác, nước khác nghe và tán thành, chấp nhận.

Có nghĩa, thay cho sự áp đặt kiểu mạnh thắng yếu, to dọa nhỏ, cũ dọa mới, sự đòi hỏi đặt ra ở trách nhiệm và tính thuyết phục, ở lý lẽ, sáng kiến, giải pháp vì lợi ích chung. Rõ ràng, việc tham gia trách nhiệm, nghiêm túc và tích cực với tinh thần đề cao đối thoại và hợp tác đã củng cố hình ảnh một Việt Nam là bạn và đối tác tin cậy của các nước. Hai năm qua, chúng ta tạo dựng được quan hệ hợp tác hữu nghị, trao đổi chặt chẽ với tất cả 46 nước thành viên Hội đồng Nhân quyền và nhiều nước quan sát viên ở cả 5 khu vực.

“Kiên trì thúc đẩy sự xích lại gần nhau”

Đoàn Việt Nam thường xuyên kêu gọi tinh thần đối thoại và hợp tác giữa các nước thành viên trong quá trình xử lý công việc tại Hội đồng Nhân quyền. Chúng ta nhấn mạnh bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải có sự đối thoại, hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia để đảm bảo tính khả thi của các nghị quyết, kịp thời giải đáp những đòi hỏi về bảo đảm quyền con người trên thế giới. Chúng ta luôn kiên trì thúc đẩy sự xích lại gần nhau giữa các nước thành viên, và trong một số trường hợp cũng giúp thu được kết quả.

Đối thoại và hợp tác cũng đã mở ra cơ hội để Việt Nam xuất hiện và đóng góp ở nhiều nội dung quan tâm của khu vực và các nước đang phát triển, đặc biệt là các nội dung như bảo đảm quyền phát triển, chống bạo lực và phân biệt đối xử, chống buôn bán người, bảo đảm quyền phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật... Đến nay, Việt Nam là đồng tác giả của hơn 30 nghị quyết về các nội dung này, góp phần nâng cao nhận thức chung của thế giới về các giá trị quyền con người”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc


- Hội đồng Nhân quyền LHQ ra đời ngày 15-3-2006

- Hội đồng Nhân quyền góp phần thúc đẩy sự tôn trọng và bảo vệ trên phạm vi toàn cầu các quyền con người và tự do cơ bản một cách công bằng, bình đẳng và không phân biệt đối xử.

- Việt Nam tham gia vào Hội đồng Nhân quyền, nhiệm kỳ 2014-2016.

- Thủ tướng Chính phủ thông qua Kế hoạch tổng thể về thực hiện 182/227 khuyến nghị UPR (chúng ta đã chấp nhận).

- 7 đoàn chuyên gia, báo cáo viên đặc biệt đến Việt Nam từ năm 2010 đến nay.

Nguyễn Thành
.
.
.