Trò hề “pray for Đồng Tâm”

Thứ Ba, 04/02/2020, 08:45
Trong bối cảnh các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra làm rõ nội dung vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, nhiều đối tượng núp danh dân chủ, nhân quyền đã “tát nước theo mưa”, xuyên tạc sự thật gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Đảng, Nhà nước, khiến cho tình hình trở nên phức tạp.


Vụ án giết người, chống người thi hành công vụ và tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận. 

Trong bối cảnh các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra làm rõ nội dung vụ án, nhiều đối tượng núp danh dân chủ, nhân quyền đã “tát nước theo mưa”, xuyên tạc sự thật gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Đảng, Nhà nước, khiến cho tình hình trở nên phức tạp.

Trò hề “pray for Đồng Tâm” 

Đồng Tâm là điểm nóng về an ninh, trật tự tại TP Hà Nội. Núp dưới danh nghĩa khiếu kiện đất đai, Lê Đình Kình và một số đối tượng đã lập nên cái gọi là “Tổ đồng thuận” để tiến hành chống đối. Ngay từ năm 2017, nhóm đối tượng tại Đồng Tâm đã thể hiện sự manh động khi bắt, giữ hàng chục Cảnh sát cơ động cùng một số cán bộ địa phương đang thi hành công vụ. 

Đỉnh điểm của sự việc, trong quá trình Bộ Quốc phòng phối hợp với các đơn vị tiến hành xây dựng hàng rào xung quanh sân bay Miếu Môn theo kế hoạch từ ngày 31-12-2019, các đối tượng trong “Tổ đồng thuận” đã có hành vi chống đối quyết liệt, dùng lựu đạn, bom xăng, dao phóng tấn công lực lượng chức năng dẫn đến việc ba cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh.

Hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự về 3 tội danh gồm: giết người (quy định tại Điều 123, BLHS), chống người thi hành công vụ (quy định tại Điều 330, BLHS) và tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép (quy định tại Điều 304, BLHS). Đồng thời, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với 22 đối tượng. Việc điều tra đang được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.

Trên các trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối điều hành như Việt Tân, Hội Anh em dân chủ, Điếu cày v.v… đang lan truyền cái gọi là “pray for Đồng Tâm” (tạm dịch: cầu nguyện cho Đồng Tâm) để hiện thực hoá ý đồ chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. 

Thực tế, từ khi vụ việc tại Đồng Tâm diễn ra, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị trong và ngoài nước đã gia tăng các hành vi lợi dụng để xuyên tạc, làm sai lệch bản chất vụ việc, từ đó công kích, chống phá, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự trong nước; xâm phạm đến uy tín của Đảng, Nhà nước ta. 

Thông qua cái gọi là “pray for Đồng Tâm”, trước hết, các đối tượng kêu gọi quyên góp, ủng hộ tiền để nuôi nấng, hỗ trợ các đối tượng chống đối trong nước hoạt động. Sau khi Bộ Công an phong toả tài khoản ngân hàng của đối tượng Nguyễn Thuý Hạnh (một trong những đầu mối nhận tiền và cung ứng cho các đối tượng tại Đồng Tâm), các đối tượng chống đối đã thể hiện sự cay cú, kêu gào tẩy chay ngân hàng. 

Song song với đó, các đối tượng cũng tìm mọi cách để tiếp tục nhận được các nguồn viện trợ từ bên ngoài nhằm phục vụ hoạt động chống phá.

Đồng thời, “pray for Đồng Tâm” cũng là một trong những cách thức được các đối tượng sử dụng để tiến hành quốc tế hoá vụ việc Đồng Tâm, tạo cớ cho bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Các đối tượng phản động lưu vong hô hoán tiến hành tập trung đông người để “tưởng niệm” vụ việc Đồng Tâm; soạn thảo ra các bản báo cáo sai lệch dài hàng chục trang gửi dân biểu nước ngoài với mong muốn chính quyền các nước gây sức ép về kinh tế, chính trị đối với Việt Nam, thậm chí là can thiệp vào nội bộ nước ta.

Bất chấp việc các bị can trong vụ án như Lê Đình Công (con trai Lê Đình Kình), Bùi Thị Nối (con nuôi Lê Đình Kình), Lê Đình Doanh (cháu nội Lê Đình Kình), Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Tuyển v.v… khai nhận hành vi phạm tội, các đối tượng chống đối núp bóng “nhà dân chủ” vẫn tiến hành xuyên tạc một cách trắng trợn bản chất vụ án. 

Luận điệu được các đối tượng đưa ra là chính quyền “cướp đất”, “đàn áp” nhân dân. Đồng thời, các đối tượng vu khống chính quyền Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, không muốn “đối thoại” với người dân, “coi dân như kẻ thù”. 

Trong đó, những cái tên “tát nước theo mưa” có thể kể đến như Trịnh Bá Phương, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Văn Hải v.v… Các đối tượng này đều là những phần tử chống đối núp bóng “dân oan”, “dân chủ”, có thâm niên hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.

Xử lý nghiêm các đối tượng xuyên tạc bản chất vụ án, xâm hại đến an ninh quốc gia của Việt Nam

Liên quan đến vấn đề Đồng Tâm, không khó để nhận thấy rất nhiều luận điệu xuyên tạc đang lan tràn trên khắp các trang mạng xã hội. Cùng với đó, một số trang báo nước ngoài có nội dung tiếng Việt như BBC, RFA, RFI, VOA v.v… cũng liên tục đưa ra các bài viết thiếu kiểm chứng, có nội dung sai lệch bản chất vụ án, mang tính quy chụp, kích động sự thù hằn.

Nguy hiểm hơn, một số người nguyên là cán bộ trong cơ quan nhà nước, có học hàm, học vị nhưng thoái hoá, “trở cờ”, tự cho mình là đúng, tự cho mình quyền phán xét trong khi không nắm rõ nội dung sự việc đã ngang nhiên đưa ra những phát biểu lệch lạc, sai lầm khiến vụ việc trở nên phức tạp.

Những thông tin sai lệch được đưa ra đã tác động tiêu cực đến tình hình xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Bất chấp đạo lý, bất chấp pháp luật, các đối tượng đưa ra những lý lẽ vô cùng phi lý để bao biện, cổ suý cho sự tàn ác, man rợ.

Cùng với việc điều tra, xử lý nghiêm khắc các đối tượng liên quan trực tiếp đến vụ án Đồng Tâm, các cơ quan chức năng cần mạnh tay chấn chỉnh các thông tin lệch lạc, bịa đặt gây hoang mang dư luận. Đặc biệt, các đối tượng “tát nước theo mưa”, lợi dụng quyền tự do, dân chủ để thực hiện các hành vi sai phạm cũng phải được xử lý nghiêm minh.

Trần Anh Tú
.
.
.