Trí thức trẻ “bơ vơ” sau khi xung phong thí điểm

Thứ Hai, 10/05/2021, 06:39
Sau 5 năm cống hiến tại xã vùng cao, 11 trí thức trẻ của Cao Bằng thuộc Đề án 500 trí thức trẻ rơi vào cảnh “bơ vơ”. Tinh thần của Bộ Nội vụ là tìm cách sắp xếp vị trí cho những trí thức trẻ; chính quyền địa phương cũng mong muốn các trí thức trẻ tiếp tục làm việc nhưng kết thúc thí điểm đề án, UBND tỉnh Cao Bằng lại chấm dứt hợp đồng lao động cùng khoản hỗ trợ 1 lần gần 3 triệu đồng/người. Vì sao xảy ra tình trạng này?


Đem con bỏ chợ?

Chúng tôi có mặt ở xã Cần Viên, huyện Hà Quảng trong những ngày cuối tháng 4, một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Hà Quảng - Cao Bằng. Đây cũng là xã có 2 đội viên thuộc Đề án 500 trí thức trẻ vừa bị chấm dứt hợp đồng vào ngày cuối năm 2020 khi đến hạn. Đội viên Nông Thị Thu Nguyệt cho biết, năm 2015 với bao nhiệt huyết của tuổi trẻ, em đã nộp hồ sơ và nỗ lực thi để được tuyển chọn vào “Đề án thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020” của tỉnh Cao Bằng.

PV Báo CAND trao đổi với ông Phạm Xuân Tùng, Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng về Đề án 500 trí thức trẻ tại Cao Bằng.

“Ngày ấy, em được phân công phụ trách văn hoá xã hội tại xã Vân An (nay sáp nhập thành xã Cải Viên - PV). Đây là xã xa nhất, đi lại rất khó khăn, cuộc sống ở nơi vùng cao, heo hút khó khăn trăm bề nhưng từng bước một em đã cố gắng nỗ lực và thực hiện tốt công việc được giao. Ngày 31-12-2020, em hết hợp đồng lao động và đến 20/4/2021, em được nhận 3 triệu đồng tiền phụ cấp 1 lần khi Đề án kết thúc thí điểm”, chị Nông Thị Thu Nguyệt nói.

Cùng cảnh ngộ là trường hợp của đội viên Đinh Thị Hồng Hạnh, phụ trách văn phòng thống kê của UBND xã Lê Lợi, 1 xã đặc biệt khó khăn của huyện Thạch An. Hạnh cho hay, khi được tuyển chọn và phân công đi xã vùng III Lê Lợi, em đã nỗ lực rất nhiều, trong 5 năm công tác, em luôn hoàn thành công việc được giao.

Năm 2019, Hạnh còn vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Những tưởng sẽ được cống hiến và gắn bó suốt đời với người dân nơi đây nhưng đến ngày 30/6/2020, Hạnh bị chấm dứt hợp đồng. Tương tự là hoàn cảnh của đội viên Mai Thị Bền công tác ở xã Thạch Lâm, Bảo Lâm từ 8-7/2015.

Mai Thị Bền được giao làm công tác thương binh xã hội. Sau một thời gian công tác, Bền được kết nạp Đảng vào năm 2019. Do công tác tốt nên chị được UBND huyện Bảo Lâm đề nghị bố trí làm phòng dân tộc với chức danh quản lý văn hóa dân tộc của UBND huyện. Huyện đã có văn bản gửi Sở Nội vụ nhưng phía Sở vẫn chấm dứt hợp đồng với đội viên Mai Thị Bền.

Chia sẻ với chúng tôi, các đội viên trong Đề án tại Cao Bằng cho biết, họ thấy bất ngờ và hụt hẫng sau 5 năm gắn bó và cống hiến cho địa phương tại những vùng đặc biệt khó khăn, nhưng đến lúc kết thúc thí điểm Đề án, thì họ lại bị đẩy ra đường, bơ vơ bằng việc chấm dứt hợp đồng lao động.

Báo cáo Tổng kết Đề án thí điểm tuyển chọn Trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 của tỉnh Cao Bằng khẳng định, trong 5 năm, các đội viên đều nỗ lực cống hiến cho địa phương, tích cực thực hiện công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Họ có trách nhiệm trong công việc, tận tâm tận lực tìm hiểu thấu đáo mọi nhiệm vụ được phân công; chủ động nghiên cứu nắm bắt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Mỏi mòn chờ được tuyển dụng

Tại cuộc họp tổng kết Đề án 500 trí thức trẻ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, trong 500 em tham gia đề án này, hơn 64% các em là người dân tộc thiểu số. Do vậy đề án này cũng là chính sách phát triển nguồn nhân lực đồng bào thiểu số. Đây là đề án thí điểm, khi tổng kết thống nhất là kết thúc nhưng phải giải quyết những vấn đề tồn tại và thống nhất thời hạn hai năm để các địa phương thực hiện sắp xếp, bố trí các em. Trong thời gian này, địa phương cân đối lại, dành tỉ lệ biên chế nhất định và có lộ trình để bố trí các đội viên.

“Khi tuyển vào công chức xã, huyện, tỉnh, tôi thống nhất tuyển thẳng, không qua thi tuyển, sát hạch nếu như địa phương có biên chế, các em hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian thực hiện đề án. Các em đã rèn luyện 5 năm, đủ thời gian để xét tuyển rồi” - Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh và cho hay, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ sau khi tổng kết đề án này ban hành nghị quyết cho phép tuyển thẳng các em trong đề án vào công chức.

Theo Bộ Nội vụ, Đề án 500 trí thức trẻ đã tuyển chọn và bố trí các trí thức trẻ về các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn công tác. Sau 5 năm được bố trí về xã công tác, các đội viên đã cống hiến, trưởng thành và được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao, hầu hết được đánh giá từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Trong số 500 Trí thức trẻ khi kết thúc thí điểm Đề án vào năm 2020, đã có 43 trí thức được tuyển dụng, 411 đội viên có nhu cầu tiếp tục được làm việc, trong đó, có 121 đội viên đã có phương án dự kiến bố trí, có 290 đội viên chưa có phương án bố trí việc. Theo bà Lương Thị Hải Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội Vụ, hiện nay hầu hết các tỉnh thực hiện Đề án đều đang bố trí đội viên công tác tại xã, chỉ có tỉnh Cao Bằng thanh lý hợp đồng và đề xuất chưa tiếp nhận tiếp các đội viên trong giai đoạn này.

Về nội dung này, ngày 26/4/2021, UBND tỉnh Cao Bằng đã có Công văn gửi Bộ Nội vụ trình bày lý do xin ý kiến chưa thực hiện việc bố trí, sử dụng đội viên Đề án 500 trí thức trẻ trong giai đoạn hiện nay.

Theo lý giải của UBND tỉnh Cao Bằng, sau khi nghiên cứu, rà soát và căn cứ tình hình thực tế tại địa phương trong giai đoạn 2021-2024, do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Cao Bằng đã giảm 3 huyện và 38 xã nên hiện thừa 816 cán bộ công chức cấp xã, trong đó tập trung vào các chức danh công chức mà các đội viên đảm nhiệm nên không còn vị trí để tiếp tục bố trí, sử dụng đội viên. Do vậy, UBND tỉnh Cao Bằng không thể tiếp tục ký hợp đồng lao động đối với 11 đội viên Đề án 500 trí thức trẻ.

Với đề xuất của UBND tỉnh Cao Bằng, bà Lương Thị Hải Anh cho biết, Bộ Nội vụ sẽ có văn bản trả lời tỉnh Cao Bằng trong thời gian sớm nhất. Quan điểm của Bộ Nội vụ là sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ, một số bộ liên quan và địa phương để đảm bảo thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với lực lượng thanh niên; đồng thời, phát huy tinh thần xung kích tình nguyện của thanh niên cũng như tạo được niềm tin đối với thế hệ trẻ.

Trao đổi với PV Báo CAND, bà Đồng Thị Kiều Oanh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng cho biết, bà rất lấy làm tiếc khi phải thực hiện chấm dứt hợp đồng với 11 đội viên trong Đề án. Bởi, các đội viên này là những người xuất sắc, được lựa chọn thi tuyển rất ngặt nghèo trong gần 200 người, chỉ chọn ra được 15 bạn.

Trong quá trình công tác tại địa phương, các trí thức trẻ này đều được đánh giá cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ, cũng như thể hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành lĩnh vực mình được phân công. Tuy nhiên, hiện số lượng dôi dư cán bộ sau khi sáp nhập quá lớn nên trước mắt, tỉnh Cao Bằng không thể ký hợp đồng tiếp với các đội viên.

Lưu Hiệp
.
.
.