Thực tiễn sống động tại Quảng Ninh - “quán quân” cải cách hành chính - Bài 2

Thứ Tư, 15/08/2018, 07:28
Cùng với cải cách thủ tục hành chính (TTHC), Quảng Ninh là địa phương tiên phong trong thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, hướng vào chuyên trách, chuyên nghiệp.

Những chỉ số ấn tượng

Năm 2017 với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tỉnh Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên đứng đầu toàn quốc với 89,54 điểm, tăng 6,72 điểm và tăng 6 bậc so với năm 2016; chỉ số SIPAS đứng thứ 5 toàn quốc; chỉ số PAPI vào nhóm 2 của cả nước, tăng 30 bậc so với năm 2016. 

Phân tích, đánh giá chỉ số PAR INDEX của tỉnh Quảng Ninh năm 2017, ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ cho rằng, năm 2017, tỉnh Quảng Ninh vươn từ vị trí thứ nhất PAR INDEX với 8 chỉ số thành phần cụ thể: Chỉ số chỉ đạo điều hành CCHC của Quảng Ninh đạt 8,5/10 điểm, đứng thứ 9/63; chỉ số xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật đạt 8,87/10 điểm, đứng thứ 8/63. Đó là kết quả phấn đấu bền bỉ của Quảng Ninh cả chục năm qua.

Công an Quảng Ninh giải quyết TTHC tại Trung tâm hành chính công của tỉnh. Ảnh: ĐT

Theo ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, tỉnh đang tập trung CCHC, nâng cao chất lượng phục vụ tại các trung tâm hành chính công và trả kết quả hiện đại cấp xã. Các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, cắt giảm các TTHC. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị tiếp tục cải cách công vụ, công chức trên địa bàn; đổi mới trong việc đánh giá chất lượng công chức hàng năm gắn với việc thực thi công vụ. 

Tăng cường luân chuyển cán bộ, công chức, nhất là những cán bộ, công chức có những sự phản ánh từ người dân, doanh nghiệp; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ công cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở, góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh; triển khai thực hiện Đề án xây dựng chính quyền điện tử giai đoạn 2.

Nhiều địa phương nói “nhạy cảm”, riêng Quảng Ninh tiên phong

Năm 2018 là năm đầu tiên cả nước thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập. Quảng Ninh đã tiên phong lĩnh vực này từ nhiều năm và đến giờ, bộ máy sau khi hợp nhất đã trở nên tinh gọn và đi vào ổn định, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chính việc thí điểm ở Quảng Ninh là cơ sở để Đảng ta kiểm nghiệm, đánh giá khi soạn thảo Nghị quyết.

Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, khẳng định: những nội dung của các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII, có nhiều vấn đề được nâng lên tầm chủ trương chung xuất phát từ tổng kết mô hình thực tế triển khai ở Quảng Ninh thời gian qua. Đây là một khích lệ, cũng là thuận lợi để các cấp, các ngành tiếp nhận, triển khai nội dung Nghị quyết.

Năm 2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ra Nghị quyết số 10 về “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản bộ máy, biên chế”. Tiếp sau đó, năm 2014 triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25). Đề án 25 của tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là một sáng kiến chính trị hành chính có tính đột phá và tiên phong trong toàn quốc.

Trong Đề án 25, tỉnh xác định đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản tổ chức, biên chế với phương châm: Một đơn vị thực hiện nhiều chức năng, một người làm nhiều nhiệm vụ; một chức năng, nhiệm vụ chỉ có một đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm đến cùng; trên cùng một địa bàn, với cùng một nhóm nhiệm vụ chỉ có một đơn vị thực hiện, đặc biệt những chức năng, nhiệm vụ nào có thể tích hợp thì đổi mới tổ chức. 

Giải pháp đưa ra khá đồng bộ, đặc biệt là triển khai các mô hình mới như hợp nhất cơ quan thanh tra và ủy ban kiểm tra; nội vụ và ban tổ chức ở cấp huyện, thành lập cơ quan tham mưu giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội (đến nay, vấn đề này khi đề cập, nhiều địa phương cho là mới, nhạy cảm, sợ đụng chạm thì Quảng Ninh đã vận hành 4 năm nay). 

Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh đã sắp xếp, giảm 4 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; 107 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh. Trong  đó, ngành giáo dục giảm 9 trường, 122 điểm trường, 463 lớp. Ngành Y tế đã sáp nhập trung tâm y tế với bệnh viện đa khoa của 7/14 địa phương, chuyển 186 trạm y tế tuyến xã từ trực thuộc trung tâm y tế, sở y tế về UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý. 

Hiện nay, tỉnh đã phê duyệt Đề án thí điểm hợp nhất các cơ quan: Tổ chức và nội vụ tại 12/14 địa phương; cơ quan ủy ban kiểm tra, thanh tra tại 13/14 địa phương; mô hình cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội đã liên thông 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Với mô hình mới, đã giảm được 27 đầu mối, 69 vị trí trưởng, phó phòng và tương đương. 

Thực hiện nhất thể hóa chức danh: Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND ở 7/14 địa phương (50% đơn vị cấp huyện), 75/186 xã (40,32% cấp xã); bí thư đồng thời là chủ tịch UBND tại 2/14 đơn vị cấp huyện, 76/186 xã (40,9% cấp xã); người đứng đầu cơ quan tham mưu của cấp ủy với cơ quan chuyên môn cấp huyện; ban dân vận - MTTQ ở 13/14 địa phương (92,8%); chánh văn phòng 3 bên: Văn phòng cấp ủy, HĐND, UBND ở 2/14 địa phương (14,2%). Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện nhất thể hóa bí thư kiêm trưởng thôn, khu ở 1.536/1.565 thôn, khu (98,15%). Việc hợp nhất, số cấp phó giảm đáng kể trong những năm trước. Riêng 6 tháng đầu 2018 đã giảm được 7 cấp phó của sở, ngành và UBND cấp huyện.

Về tinh giản biên chế, việc sắp xếp, hợp nhất các đầu mối nói trên tinh gọn như thế nào? Bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy cho biết, thời gian qua đã giảm được 519 biên chế công chức (khối Đảng, đoàn thể giảm 30, khối chính quyền giảm 489), giảm 1.314 người trong biên chế viên chức (đảm bảo theo lộ trình giảm 10% so với số được giao năm 2015). Tiếp tục giảm viên chức hưởng lương từ ngân sách trong đơn vị sự nghiệp tự chủ chi phí, trong đó mục tiêu năm 2018 có trên 1.000 viên chức không hưởng lương từ ngân sách.

Từ nay đến cuối năm, Quảng Ninh phấn đấu thực hiện giảm 2,5% tổng biên chế so với năm 2017. Đồng thời, triển khai hợp nhất một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp ủy, chính quyền ở cấp huyện đã nhất thể hóa chức danh. Cùng với đó là đổi mới công tác quản lý, chuyển đổi mô hình hoạt động, phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; kiên quyết cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả.

Thêm việc nhưng không quá tải

Tại huyện Vân Đồn, đến nay, huyện thực hiện sáp nhập Phòng Dân tộc vào Văn phòng HĐND và UBND huyện; thành lập 2 trung tâm trên cơ sở sáp nhập 5 đơn vị sự nghiệp; sáp nhập 2 thôn thuộc 2 xã; xóa 9/14 điểm trường. Huyện chuyển đổi mô hình hoạt động của 2 đơn vị sự nghiệp; thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính đối với 3 sự nghiệp; nhất thể hóa, kiêm nhiệm đối với 4 chức danh phòng, ban và 7 chức danh chủ chốt cấp xã; 70/79 thôn, khu thực hiện bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu... 

Cùng với đó, huyện quan tâm xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ và Chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh huyện. Hiện trên địa bàn huyện có 323 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh; số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước chiếm 64,1%...

Tại UBND xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, hôm chúng tôi đến, dù trời mưa nhưng nhiều người dân vẫn đến làm TTHC. Trụ sở xã mới xây dựng được hơn 1 năm, trong đó xã bố trí phòng tiếp dân khá rộng, thoáng tại tầng 1 của trụ sở. 

Trao đổi với chúng tôi tại trụ sở UBND xã Đoàn Kết, Phó Bí thư Thường trực kiêm Chủ tịch HĐND huyện Vân Đồn Bùi Văn Cẩn cho biết, thực hiện Đề án 25 của tỉnh, huyện Vân Đồn đã ban hành riêng một đề án, thực hiện nhất thể hoá một số chức danh như Bí thư Đảng ủy xã kiêm Chủ tịch UBND hoặc Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND, điển hình như ở xã Đoàn Kết. Qua thực tiễn cho thấy, việc bố trí nhất thể hóa hai chức danh này ở xã vừa gọn bộ máy, vừa phát huy hiệu quả.

Còn tại UBND phường Bạch Đằng, đây là phường trung tâm của thành phố Hạ Long với hơn 12.000 nhân khẩu, với 7 khu vực dân cư. Cả phường có 23 công chức (UBND tỉnh bố trí phường loại 1 là 23 công chức, ít hơn 2 công chức so quy định của Chính phủ). 

Ông Nguyễn Đình Nam, Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng khẳng định, phường xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên quản lý, giáo dục, tập huấn cho cán bộ làm việc với tác phong linh hoạt, thái độ niềm nở, trách nhiệm cao nhất. “Phải làm sao để người dân khi rời trụ sở phường với thái độ thoải mái, không kêu ca, phàn nàn” – ông nói. 

Ông Đào Đức Nghĩa – người “ôm” 3 chức danh (Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh kiêm Chủ tịch MTTQ và Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường) thì việc làm kiêm nhiệm 3 chức như vậy cũng không có gì quá tải, miễn là phải nắm rõ nhiệm vụ từng lĩnh vực.

Nhóm PV(còn nữa)
.
.
.