Thôi đừng bạc đãi sông mẹ nữa!

Thứ Tư, 01/06/2016, 15:46
Làng Chèm yêu dấu của tôi có lẽ là một trong những làng của xứ Đại Việt được thiên nhiên và cả con người ưu ái. Ngạn ngữ cổ dạy: "Nhất cận thị, nhị cận giang". Trước ngực làng tôi: dòng Hồng Hà mà tên nôm là sông Cái - tức sông Mẹ chảy qua.
Cuối thế kỉ 19, người Pháp lại cho đào con sông nối liền với sông Cái, kề bên lườn của làng cùng công trình trung thủy nông (làng tôi gọi nôm là cầu sông) để điều chỉnh mực nước sông Cái vào mùa thủy cường, và lấy nước tưới cho những cánh đồng dọc bờ sông Nhuệ vào mùa cạn. Tên chữ là Nhuệ Giang, dân làng quen gọi là sông Đào để ghi dấu một công trình của con người với cố gắng cải tạo thiên nhiên cho đồng ruộng bốn mùa tươi tốt, làng xóm an lành.

Năm 1996, khi tôi bịt mũi để tránh mùi xú uế khi đi xuồng máy trên con kênh đầy rác và bùn của Sài Gòn, tôi được biết: cùng thời gian đào sông Nhuệ, người Pháp cũng đào kênh Tẻ, kênh Đôi để điều hòa chế độ bán nhật triều (chế độ sáng dâng, chiều rút của nước biển), nhằm giữ an toàn, sạch sẽ cho "Hòn ngọc Viễn Đông".

Trước người Pháp gần trăm năm, vào năm Kỉ Mão (1819), vua Gia Long ban chỉ ra lệnh đào sông Châu Đốc nối với Hà Tiên, gọi là kênh Vĩnh Tế. Hai vị Tổng đốc thành Gia Định là tướng Nguyễn Văn Nhơn (1819 - 1820), Tả tướng Lê Văn Duyệt (1820 - 1832) đã chỉ huy công trình này. Vua Gia Long chỉ dụ: "Công trình đào sông ấy là rất khó. Việc Nhà nước và canh phòng giữ bờ cõi quan hệ rất lớn. Các ngươi tuy khó nhọc một lần, nhưng ích lợi cho muôn đời mai sau, bàn nhau mà làm, chớ nên sợ nhọc".

Đấy, người xưa ra sức giữ gìn, phát triển sông, ngòi, ao hồ cho thế hệ mai sau. Còn ngày nay?

Trước khi nói về sông, lại xót thương hồ, ao Hà Nội.  Khi tiếp quản Thủ đô vào năm 1954, chỉ riêng hồ ao trong nội thành có tổng diện tích gần 3.000 ha. 62 năm qua diện tích hồ, ao của Hà Nội bị co hẹp chỉ còn vẻn vẹn chưa đến 1.000 ha. Hàng loạt hồ, đầm nổi tiếng của Hà thành bị lấn chiếm, lấp đi, ô nhiễm nặng như: hồ Văn Chương, hồ Ngọc Khánh,  đầm Hồng - Thanh Xuân, đầm Sét... Ngay đến Hồ Tây xứng danh thắng cảnh nổi tiếng - lá phổi của Thủ đô cũng liên tục bị xâm lấn, thu hẹp và bị đe dọa vì đủ loại dự án "ăn xổi" kiểu như Thủy cung Thăng Long. Nếu dư luận báo chí, các chuyên gia và cả những người yêu Hà Nội không lên tiếng thì Hồ Tây giờ chỉ còn trong hoài niệm....

Ảnh Nguyễn Hoàng Lâm

Lại nói về sông. Ngay tên Hà Nội đã hàm ý thành phố của những dòng sông. Trong nội thành, những Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét... một thời đúng nghĩa là sông khi "thuyền anh đậu sát thuyền em", giờ hầu hết bị bức tử, bé lại như dòng kênh, những cái rãnh đầy rác, ô nhiễm, đen ngòm, hôi thối không biết khi nào thức dậy trở lại hình hài con sông "vừa trong vừa mát"?!

Trở về với sông Cái thiêng liêng và thân yêu của làng tôi, của hàng triệu triệu con dân nhiều thế hệ vùng châu thổ sông Hồng, thì sông này đúng nghĩa là sông Mẹ, không chỉ bởi sông Cái cùng hệ thống sông Đà, sông Chảy, sông Lô, sông Luộc... hiển hiện như những dòng sữa nuôi sống đồng bằng trung tâm xứ Bách Việt.

Khi viết bộ tiểu thuyết Dòng sông màu máu vẫn chảy, tôi còn hình dung sông Hồng là động mạch chủ, cần mẫn lặng lẽ hàng triệu triệu năm tải phù sa làm nên tam giác vùng đồng bằng Bắc bộ mênh mông, với nhiều cánh đồng phì nhiêu, bờ xôi ruộng mật. Sông Hồng làm nên nền văn hóa lúa nước kì diệu mang vượng khí của kinh thành Thăng Long văn vật.

Thủa ấu thơ. Cuối Đông, mùa nước cạn. Bãi đất giữa sông Hồng nổi lên mưng mẩy, mát lịm phù sa. Tôi theo mẹ lội ra bãi giữa trồng khoai lang, nhói ngô, trồng kê, trồng lạc ba tháng.

Mùa Hè về, đúng kì trung hạ lúc sông Cái vào mùa nước cường, Hội đình Chèm thờ Đức Thành hoàng Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng sống vào đời Hùng Duệ Vương thứ 18, nhà ngoại giao đầu tiên, được hình tượng hóa sức mạnh phi phàm của người Việt cổ trong việc trị thủy sông Hồng, bảo vệ bình an cuộc sống con dân. Ngày chính hội, trai tráng làng bơi thuyền ra giữa dòng lấy nước về làm lễ mộc dục (tắm cho Ngai vị Đức thành Hoàng).

Làng Chèm tôi ăn vào nghề nông là chính, với đồng trước đồng sau, với bãi giữa sông cuối Đông, đầu Xuân cho bao sản vật, nông sản. Lại nhờ sông Hồng chảy trước ngực làng, mà thành ngôi làng trù phú trên bến dưới thuyền. Những bè gỗ nứa từ rừng xuôi về đậu kín bến Ngự. Cá ngạnh, cá quất, cá chép mùa hạ, còn cá mòi chớm thu sang làm mâm cơm làng Chèm đỡ đơn sơ tương, cà gia bản.

Cửa hàng mắm muối của bà ngoại tôi cung cấp sản vật biển cho hai phần ba huyện Hoài Đức một thời cứ chờ mùa gió nồm cho thuyền vùng Thanh, Nghệ ngược dòng Hồng Hà mang mắm, chượp, muối... ra. Nhuệ giang cho những bãi dâu xanh mướt bạt ngàn làm nên cơ man lụa tơ tằm... và nên thơ quá, hình ảnh cô gái hái dâu đằm thắm đã vào nhạc Lân Tuất...

Còn lũ trẻ chúng tôi... giờ đã tròm trèm thất thập, mỗi khi nghĩ lại tuổi ấu thơ bên Nhị Hà vẫn nao nao nhớ trò chơi của tuổi thơ bên những dòng sông có những chàng Trương Chi. Nhớ chiều bì bõm vớt củi rều mùa lũ về, nhớ buổi trưa im lặng bên mặt sông mênh mang câu cá bống sông Hồng, trạch chấu sông Nhuệ...

Nhớ buổi tối theo thuyền trai làng ra thăm tàu cuốc Liên Xô. Cứ đúng mùa doi cát giữa sông sắp nổi lên là con tàu đồ sộ, đêm xuống sáng rực tựa lâu đài trong truyện cổ, xủng xoảng, nhẫn nại quay chuỗi gầu xúc cát thông dòng sông, cho con thuyền, con tàu ngược xuôi khỏi mắc cạn...

Sông Cái tồn tại sinh tử với dân miền núi, miền đồng bằng Bắc bộ. Mẹ sông cho nước, gia súc vật nuôi, tưới tắm cho lúa ngô ba, bốn vụ; là sự bồi bổ vĩnh cửu chất màu mỡ hôm nay và ngàn đời con cháu mai sau của châu thổ sông Hồng mênh mông này từ vài ba thập niên nay bị dồn đẩy thành nạn nhân của sự bức tử, tiêu diệt. Những dòng nước thải độc hại từ các nhà máy phân bón, thuốc trừ sâu, làm giấy, làm phân... ngày đêm xối thẳng ra sông.

Sông Hồng đoạn chảy qua làng Chèm.

Sông Nhuệ có "bãi mía, nương dâu" đã thành sông chết, mặt nước đen ngòm. Cá Anh Vũ kiêu sa tiến vua một thời và cả những loại cá sống khỏe, sống dai như cá ngạnh, cá nheo, cá  quất.... đều chết mòn bởi nước sông Cái giờ đây bị đầy đọa thành dòng nước hủy diệt sự sống. Chưa hết, ngày ngày, đêm đêm ngang nhiên lũ lượt tàu cát tặc đục khoét, đào xúc lòng sông, khiến Mẹ sông và cả đôi bờ quặn thót cơn đau liên hồi xói lở....

Giết dần giết mòn dòng sông Mẹ chưa thỏa thì đầu tháng Năm này, dân quê bên dòng sông Hồng, những người yêu dòng sông Mẹ lại nôn nao trước một đề xuất siêu dự án trị giá tỉ tiền Mỹ để tạo ra đường thủy xuyên Á kết hợp thủy điện trên sông Cái.

Không hiểu sao dạo này lắm kẻ say cuồng, khát máu dự án đến thế. Vì dự án, người ta sẵn sàng bán rừng, bán bờ biển, bán đất, phá nát ruộng đồng, tiêu diệt cảnh vật hữu tình... vài ba chục năm cho thiên hạ... Và nay đến sông Cái - cốt mạch, vượng khí của non nước này sắp bị bạo hành đến tàn nhẫn, nếu ý đồ mở tuyến đường thủy xuyên Á được triển khai.

Ngày trước. Mẹ tôi đi gánh nước sông Cái về đổ chum, đánh phèn đợi nước lắng để thổi cơm, nấu canh. Có trưa hè gánh nước về, quá khát, mẹ vục gáo nước vừa từ sông về uống. Cằm mẹ còn ngấn phù sa. Mẹ bảo, nước sông Cái vừa mát vừa ngọt... Còn bây giờ, cá trên sông đang phơi xác vì dòng sông xuyên Việt đang bị đầu độc.

Hơn hai thập niên, lòng sông bị khuấy đảo, đổi dòng, tụt sâu xuống 1 mét so với lòng nguyên thổ ngàn xưa vì cát tặc, nay chịu thêm sự tàn độc mượn danh dự án ào ạt chọc khoét lòng sông. Sông Mẹ mấy mươi mùa nay khan nước, nếu mọc thêm gần chục con đập chềnh ềnh chặn ngang thì còn đâu dòng chảy vĩ đại của nền văn minh lúa nước sông Hồng, chuyển phù sa cho màu mỡ cánh đồng châu thổ Bắc bộ nữa???

Bờ, cửa sông sẽ bị phá, nước biển mặn chát sẽ tràn sâu vào xâm thực Thủ đô ngàn năm. Cảnh quan bị phá hủy, tôm cá dưới sông càng khó sống hơn, sinh thái tự nhiên biến đổi dần chờ ngày tận thế. Con cháu ta thế hệ mai sau không còn được nương tựa vào sông Cái. Mẹ sông chết thì tương lai hậu duệ chúng ta cằn cỗi, khô cạn cả đời sống lẫn tâm hồn.

Thôi, hãy ngừng lại lòng tham vô đáy, sự ăn xổi ích kỉ qua cái áo khoác dự án một tỷ USD lại! Sự bạc đãi ấy là tột độ của vô ơn, vô cảm với sông Mẹ, dòng lịch sử của Tổ quốc thiêng liêng. Hãy chung tay bảo vệ sông Cái - sông Hồng - sông Mẹ của chúng ta, chặn dự án phản nhân văn ấy.

Thế giới đang căng sức chống biến đổi khí hậu, xu hướng phát triển bền vững, Việt Nam không thể đứng ngoài. Chặn dự án là cách tỏ sự hối hận, trả nghĩa với Mẹ sông, bởi nếu xảy ra thì dẫu trả giá đắt cũng không lấy lại được những gì đã mất - vô giá, mà lịch sử của tương lai sẽ phán xét, không thể dung thứ.

Đừng ruồng rẫy sông Mẹ khổ đau, vất vả muôn đời thiêng liêng của xứ Đại Việt thân yêu này nữa! Xin đừng!

Quỳnh Mai trang ngày 9/5/2016

Nguyễn Hiếu
.
.
.