Quy định về Thẻ nhà báo là rào cản cho việc tác nghiệp(?)
Để thu thập ý kiến của các phóng viên, chuyên gia chính sách, từ đó, cung cấp thông tin, kiến nghị chính sách đến cơ quan soạn thảo, chiều 22/10, Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Góp ý xây dựng dự thảo Luật báo chí từ góc nhìn lợi quyền của phóng viên” tại Hà Nội, với sự tham gia của đại diện Bộ TT &TT, Ban soạn thảo Luật Báo chí và phóng viên nhiều cơ quan truyền thông trong cả nước.
Đại diện Bộ TT&TT trao đổi một số nội dung của dự luật báo chí. |
Qua nghiên cứu, theo dõi, nhìn từ góc nhìn của phóng viên báo chí, có thể thấy một vài vấn đề trong dự luật chưa được làm rõ, có thể hạn chế phần nào sự phát triển của báo chí. Một trong những vấn đề “nóng” tại hội thảo là qui định về cấp Thẻ nhà báo, vì nhiều ý kiến cho rằng, với các qui định trong dự luật, vô hình chung, Thẻ nhà báo lại là rào cản cho việc tác nghiệp của một số người tham gia hoạt động báo chí, trong khi đây lại là lực lượng lớn, tham gia trực tiếp ở giai đoạn phát hiện chủ đề, thu thập thông tin trong hoạt động báo chí.
Theo thống kê của RED, 80% đối tượng bị nguồn tin, cơ quan chức năng từ chối cung cấp thông tin, thậm chí bị đánh, cản trở khi tác nghiệp là phóng viên không có thẻ nhà báo.
Qui định thời gian được cấp Thẻ phải có 3 năm công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp Thẻ cũng bị cho là quá dài và chưa phải được giải thích vì sao phải là 3 năm? Qui định về cấp Thẻ khiến tòa soạn không thể cử phóng viên trẻ đi tác nghiệp ở những địa bàn xa và đi thường trú để rèn luyện. Phóng viên không có Thẻ nhà báo vẫn phải tìm cách lấy thông tin sẽ tạo ra thói quen lách luật, áp dụng các cơ chế “hợp lý nhưng không hợp pháp”.
Về chế tài bảo hộ trong tác nghiệp, dự thảo chỉ mới dừng lại ở mức cảnh báo cho các đối tượng ngoài xã hội, chưa định tính và định danh cụ thể và dẫn chiếu xử phạt theo tội danh gì trong của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự. Hoạt động nghiệp vụ của phóng viên chưa được thừa nhận là “vì lợi ích chung” để khi có hành vi xâm hại, cản trở sẽ được xử lý theo Luật Hình sự. Trong khi khảo sát của RED cho thấy 100% phóng viên, nhà báo cho rằng hoạt động tác nghiệp báo chí là phục vụ lợi ích công cộng.
Với việc thực thi quyền tiếp cận thông tin của nhà báo, nhiều ý kiến chỉ ra mức độ quy phạm pháp luật cũng như hình thức xử phạt hiện nay là chưa đủ sức răn đe, tỏ rõ sự nghiêm minh của pháp luật.
Theo khoản 2, điều 5, phóng viên phải được tạo điều kiện tiếp cận nguồn tin chính xác, trung thực, đúng thẩm quyền để loại trừ những dư luận hoặc lời đồn thổi “ngoài luồng”. Nhưng khảo sát của RED cho biết 52,6% có hành vi cản trở “từ chối hoặc né tránh cung cấp thông tin”; 47,66% có hành vi gây khó dễ “khất hẹn các cuộc tiếp xúc”.
Trong khi Luật Báo chí ghi rõ: “Người nào vi phạm các quy định về cũng cấp thông tin, trả lời trên báo chí,…thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự” và Luật công chức quy định về mức xử phạt, hình thức kỷ luật với mức cao nhất là “bãi nhiệm” đối với cán bộ hoặc “buộc thôi việc” đối với công chức, viên chức, song chưa thấy có hình thức nào được áp dụng.
Đại diện Bộ TT&TT, Ban soạn thảo dự Luật báo chí cũng trao đổi lại một số vấn đề mà các đại biểu nêu ra, như cần qui định phải có bằng đại học mới được cấp Thẻ Nhà báo vì là tiêu chuẩn bình thường của người đi làm việc; các điều kiện cấp thẻ đã minh bạch và những khó khăn mà các đại biểu nêu ra khi phóng viên về cơ sở tác nghiệp không phải là phổ biến mà chỉ của một số người làm sai, và báo chí cũng cần lên án…