Nhân ngày Nhân quyền thế giới (10-12):

Thành tựu về nhân quyền ở Việt Nam là không thể phủ nhận

Thứ Sáu, 07/12/2018, 07:12
Đây là những đánh giá khách quan của bạn bè quốc tế, các điều phối viên và giới chức của Liên hợp quốc (LHQ) về nhân quyền ở Việt Nam. Theo đó, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển Internet nhanh nhất thế giới và chỉ số Phát triển con người của Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao.


4 bậc để vào nhóm phát triển con người cao

Báo cáo được Chương trình phát triển LHQ (UNDP) công bố hồi trung tuần tháng 10 đã khẳng định, chỉ số Phát triển con người của Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao. Cụ thể, năm 2017, Việt Nam đạt chỉ số 0,694 - đứng thứ 116/189 quốc gia – tương đương với xếp hạng của Việt Nam trong năm 2016. Như vậy, Việt Nam chỉ cần 0,006 điểm để nâng hạng lên mức phát triển con người cao.

UNDP đánh giá, về chỉ số phát triển con người, Việt Nam thực hiện tốt trong lĩnh vực y tế và giáo dục nhưng chỉ số về thu nhập tăng trưởng chậm. Trong lĩnh vực y tế và giáo dục, tuổi thọ của Việt Nam kỳ vọng là 76,5 - thứ hai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ sau Hàn Quốc. Số năm đi học trung bình của Việt Nam là 8,2 - cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Bà Caitlin Wiesen - Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam nhận định: “Với chỉ số Phát triển con người tăng 1,41% từ năm 1990, Việt Nam chỉ còn 4 bậc để vào nhóm các nước có mức phát triển con người cao. Nếu tăng cường nỗ lực giảm chênh lệch giữa các vùng miền và nhóm dân cư, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ sớm vào nhóm các nước có mức phát triển con người cao.

Bà Caitlin Wiesen - Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam cho biết Việt Nam có nhiều tiến bộ về phát triển con người và giảm nghèo đa chiều.

Việt Nam có thể tự hào về tiến bộ đạt được trong giảm nghèo đa chiều. Thách thức đặt ra là cần giải quyết tình trạng nghèo thâm căn cố đế, tập trung ở các nhóm dân tộc thiểu số sinh sống trong các vùng địa lý khó khăn”.

Lấy ví dụ về những nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người cho mọi đối tượng xã hội, bà Caitlin Wiesen đã đánh giá cao việc Việt Nam có một cơ chế rõ ràng và nhất quán trong việc triển khai các khuyến nghị theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR), hay việc nước ta phê chuẩn các công ước của LHQ về quyền con người, trong đó có Công ước của LHQ về Quyền của người khuyết tật năm 2014.

Trong khi đó, cố vấn chính sách về pháp quyền của UNDP tại Việt Nam Scott Ciment đánh giá: “Việt Nam đã tham gia 7 trên 9 Điều ước quốc tế về Quyền con người cơ bản, đó là một dấu mốc quan trọng. Và gần đây là những điều chỉnh trong Bộ luật Hình sự, Luật Dân sự và nhiều luật khác cũng là những bước tiến lớn trong việc đảm bảo nhân quyền.

Tôi cho rằng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trong lĩnh vực nhân quyền. Các hoạt động hợp tác quốc tế về Quyền con người cũng được Việt Nam đẩy mạnh. Trong khuôn khổ cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) tại phiên họp toàn thể của Hội đồng Nhân quyền LHQ năm 2014, Việt Nam đã thẳng thắn chấp nhận 182/227 khuyến nghị của các nước về việc cải thiện nhân quyền; hoàn thành được 175 khuyến nghị và đang thực hiện hoặc xem xét tiếp 23 khuyến nghị.

Trong tổng số 120 điều của Hiến pháp 2013, có tới 36 điều quy định về Quyền con người, Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hệ thống pháp luật Việt Nam cũng được điều chỉnh theo hướng vì con người, bảo vệ cao nhất các quyền con người. Điều này cho thấy Việt Nam luôn cầu thị, nghiêm túc trong việc thực hiện và đảm bảo quyền con người cho công dân nước mình".

Đồng quan điểm này, cựu Đại sứ Công hòa Cuba tại Việt Nam Hermino López Díaz cho rằng, Việt Nam đã chấp nhận nhiều khuyến nghị được đưa ra bởi các nước trong khuôn khổ UPR. Điều này cho thấy sự cởi mở cũng như quyết tâm cao của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo Quyền con người cho mọi người dân.

Cựu Đại sứ Cuba nói: "Đầu những năm 1990, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam là 60%, cho đến hiện tại con số này đã giảm xuống 4,8%. Sau 30 năm, cuộc sống về vật chất của con người đã được đảm bảo và từ quyền cơ bản đầu tiên này, quyền con người tại Việt Nam đã và đang dần được triển khai trên tất cả các lĩnh vực".

Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên trách về dân chủ, nhân quyền và lao động Tom Malinowski cũng từng nhấn mạnh: "Phía Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong thực hiện nhân quyền, nhất là việc Chính phủ đã thông qua hai công ước quốc tế quan trọng là công ước chống tra tấn và công ước về quyền của người khuyết tật".

Nhân quyền, mà cụ thể là quyền của người lao động là vấn đề được rất nhiều thành viên Quốc hội Mỹ quan tâm, vì thế ông Tom Malinowski cho rằng, mỗi bước tiến về nhân quyền của Việt Nam trong thời điểm quan trọng này sẽ là điều kiện thuận lợi cho Việt Nam hội nhập quốc tế sâu hơn. 

Hình mẫu về phát triển

Chính thức kết nối mạng toàn cầu từ ngày 19-11-2017, sau 21 năm phát triển, Internt Việt Nam đã được cung cấp phổ cập cho người dùng cả nước. Không chỉ phục vụ nhu cầu kết nối, tìm kiếm, chia sẻ thông tin, Internet đã len lỏi vào mọi mặt của đời sống xã hội, trở thành nền tảng kết nối mọi thứ.

Tính đến năm 2017, Việt Nam đã có 64 triệu người dùng Internet, chiếm 67% dân số cả nước. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á.

Tại hội thảo công bố Báo cáo quốc gia theo UPR chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền LHQ diễn ra tại Hà Nội hôm 3-12, bà Caitlin Wiesen cũng khẳng định, Việt Nam đã tuân thủ đầy đủ các quy định và hướng dẫn của Hội đồng Nhân quyền LHQ về tiến trình UPR và hoàn thành Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ III một cách thành cẩn trọng, trung thực.

Cam kết rằng, UNDP sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để triển khai những khuyến nghị về nhân quyền, qua đó góp phần bảo đảm và thúc đẩy ngày các tốt hơn các quyền con người ở Việt Nam, bà Caitlin Wiesen nhận xét, sự phát triển Internet mạnh mẽ ở Việt Nam cũng là tiền đề tốt để đất nước phát triển trong thời đại 4.0.

Cũng theo lời Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam, trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam hồi tháng 6 kể từ khi nhận nhiệm vụ làm Tổng Giám đốc UNDP, ông Achim Steiner đã bày tỏ ấn tượng về những thành tựu mà Việt Nam đạt được sau hơn 30 năm đổi mới, đặc biệt là tấm gương thành công về phát triển kinh tế xã hội, quyền con người và hoàn thành trước hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên nhiên kỷ (MDG).

Thậm chí, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Achim Steiner còn khẳng định, tinh thần đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã truyền cảm hứng cho các quốc gia khác và UNDP luôn sát cánh với Việt Nam trên con đường phát triển này.

Người tiền nhiệm của ông Achim Steiner, bà Helen Clark, cựu Thủ tướng New Zealand thì chia sẻ: “Chúng tôi đã chứng kiến sự tăng trưởng và phát triển đáng kinh ngạc của Việt Nam trong nhiều năm qua. Nếu nhìn vào mục tiêu Thiên niên kỷ mà LHQ đưa ra thì Việt Nam đã làm rất tốt, trong rất nhiều mục tiêu như chống đói nghèo, bảo vệ sức khỏe cho trẻ mới sinh, cân bằng giới, với việc tạo nhiều cơ hội cho phụ nữ tham gia quá trình hoạch định chính sách, giáo dục, rất nhiều điểm tích cực mà chúng tôi đã đề cập đến trong nhiều diễn đàn khác nhau về sự phát triển của Việt Nam”.

Đáng chú ý là không chỉ giới chức UNDP mà cả nhiều quan chức thuộc các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB) hay giới chức các nước đều đánh giá cao về Việt Nam và như vai trò đi đầu trong các hoạt động quốc tế. Và chính nhờ vào sự tin tưởng này mà Việt Nam đã được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ tại New York (Mỹ) với tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối (184/192 thành viên LHQ ủng hộ).

Nhiều đại sứ, đại diện các nước tại LHQ khi đó đã khẳng định, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng với những gì được bầu chọn bởi Việt Nam không chỉ quan tâm phát triển kinh tế mà còn ưu tiên bảo vệ các quyền dân sự, văn hóa, xã hội của người dân. Việc Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền đã góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và tạo ra chất xúc tác đối với cả khu vực.

Huyền Chi
.
.
.