Tham gì tham dữ

Chủ Nhật, 26/06/2016, 10:39
Thăm thẳm trong tận cùng những nỗi khát khao của con người, thì khát khao danh vọng vẫn là thứ khát khao lớn lao nhất. Cái danh vọng nó ám vào người, nó khiến người ta mê đắm còn hơn cả quyền lực nữa.

Vậy mới có chuyện đang đại thần quyền trên vạn người dưới một người vẫn cứ nhất nhất phải vô đạo soán nghịch. Vậy mới có chuyện xe đón xe đưa vẫn cứ nhất nhất phải làm đạo diễn, làm diễn viên, làm nghệ sĩ.

Vậy mới có chuyện thư lại cho quan phụ mẫu không thích làm, nhất định phải làm nhà thơ. Mà thơ phải được mua nhiều tiền mới chịu.

Vậy mới có chuyện gây thất thoát mấy nghìn tỉ rồi tót cái được làm chức trên cả tri huyện của một tỉnh nhưng nhất định phải đi xe siêu sang gắn biển xanh mới vừa ý.

1. Bên Trung Quốc cận đại có anh Viên Thế Khải, anh này mưu mô dã man, vừa hèn vừa thủ đoạn, giỏi nhất là nghề trục lợi từ lý tưởng của người khác. Khi lừa lọc cả thảy để nắm cuơng vị Đại Tổng thống, vậy mà ảnh vẫn chưa thỏa, ảnh nhất định phải là hoàng đế thì mới chịu. 

Ảnh làm hoàng đế một khắc cũng được, một buổi cũng được, một ngày cũng được, miễn sao ảnh được mặc long bào, bố cáo trời đất, được xưng vương. Ảnh thèm khát cái danh vọng hoàng đế một cách cuồng tín. 

Giờ thì ảnh thỏa chí rồi, cái tên của ảnh cứ vài tháng vài ngày lại được nhắc đến một lần kiểu như kẻ phản bội rồi. Nhưng đâu có sao, vấn đề là ảnh đã được làm hoàng đế, được cắt đặt quan tước cho kẻ khác là ảnh vui rồi. Ai gọi ảnh là kẻ này tên kia, ảnh thây kệ.

Chuyện đuổi hươu tranh nai, hồng chung cửu đỉnh có bao nhiêu chuyện thì sử nước mình lẫn sử Trung Hoa chép nhiều rồi, Ngô không bàn đến nữa. Ngô chỉ không hiểu làm sao người ta lại có thể tham đến vậy thôi, làm sao mà người ta đều muốn vơ vào mình tất cả vạn sự đến vậy thôi.

Anh thư lại của một mệnh quan, chức cũng to to. Một hôm đẹp trởi nảy nòi làm thi sĩ, ảnh làm thi sĩ với sứ mệnh hơi ghê luôn. Đó là dạy kỹ năng sống cho thiếu nhi.

Kẻ vô trí vô tri, thiển cận hủ lậu như Ngô cũng biết rằng thiếu nhi là trang giấy trắng, việc dạy dỗ uốn nắn, rèn luyện bảo ban là điều vô cùng cần thiết và nhất định phải được diễn ra thường xuyên. Anh thư lại thi sĩ này dạy kỹ năng sống cho thiếu nhi bằng thơ thì còn gì hay hơn.

Ảnh làm thơ dạy kỹ năng sống cho thiếu nhi như vầy: "Đôi khi không rõ thiệt hơn/ Có người đang khỏe gặp cơn hiểm nghèo/ Đang vui gặp hạn gieo neo/ Đang giàu phá sản thành nghèo, tay không/ Cuộc đời cũng như dòng sông/ Nơi thì thẳng tắp, nơi vòng quanh co/ Nơi làm bến đỗ con đò/ Nơi hun hút xoáy, sóng to, nước đầy", "Thế gian có kẻ hám tiền/ Vì tiền hại cả mẹ hiền cha yêu/ Vì tiền bất chấp mọi điều xấu xa", "Có quýt lại muốn có cam/ Con người luôn sẵn cái tham trong lòng", "Khi đời lắm kẻ dối gian/ Thì ta cần phải khôn ngoan với đời/ Chớ có mà vội tin người/ Nhất là ai đó buông lời ngọt ngon"…

Mấy bài thơ kỹ năng của ảnh, khiến Ngô không thể không nhớ đến dòng thơ tếu táo ngày trước, kiểu như: "Trai khôn chọn vợ đặt vòng/ Gái ngoan lấy chồng thắt ống dẫn tinh".

Ảnh nói, quá trời doanh nghiệp hào hứng tài trợ cho tập thơ của ảnh. Đơn vị kinh doanh sách mua bản quyền tập thơ của anh đến nửa tỉ, nửa tỉ nghĩa là 500 triệu.

Minh họa: Lê Phương.

Ngô rất cẩn thận luôn, mình dại thì không dám lạm bàn nhiều, thơ thì để nhà thơ thẩm định. Vậy nên, Ngô rón rén phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Phong Việt về giá trị văn chương của tập thơ, anh Nguyễn Phong Việt mệnh danh là nhà thơ vạn bản - thần tượng soái ca của bao nhiêu cô gái hiện tại.

Anh Việt nói: "Tôi có đọc một số bài trong tập thơ này được trích dẫn trên các báo. Cá nhân tôi nghĩ, đây gần như một kiểu văn vần, mặc dù có bài đọc thấy vui vui, còn có bài lại ngang ngang, không ra vẻ giống thơ lắm. Điều này, có thể liên quan đến hình thức viết của tác giả. Tuy nhiên, nếu xem đây là một tác phẩm thơ có giá trị về giáo dục… mọi thứ thì tôi nghĩ là ê-kíp phát hành cuốn sách đang làm quá lên so với giá trị của nó. Nếu nhận định đây là một cuốn thơ vui vẻ thì có lẽ là hợp lý, chứ nếu gán cho cuốn sách này những sứ mệnh lớn hơn thì tôi nghĩ hoàn toàn không ổn chút nào".

Sau khi trao đổi với nhà thơ vạn bản họ Nguyễn này, Ngô gọi điện thoại cho vài nhà thơ khác xin ý kiến, nhà thơ nào cũng phản ứng gay gắt về sứ mệnh lẫn giá định thông điệp của tập thơ.

Ấy vậy mà, anh thư lại thi sĩ vẫn rất hào hứng tự tin tuyên bố, có mười mấy doanh nghiệp đang sẵn sàng mua tác phẩm của ảnh. Đó là chưa kể có doanh nghiệp còn đòi mua tác quyền bản thảo thơ ảnh với giá ban đầu là 3 tỷ, sau bàn bạc còn 2 tỷ. Doanh nghiệp này mua thơ ảnh để chủ yếu quảng bá thương hiệu.

Thật ra thì Ngô nghĩ, ảnh thừa sức hiểu vì sao các doanh nghiệp mua thơ ảnh. Người ta mua thơ ảnh làm gì, thơ ảnh dở ẹc, theo cảm nhận của riêng Ngô thôi. Văn mình vợ người mà, giống như độc giả nào mắng Ngô viết báo dở như hạch thì Ngô cũng sẽ sẵn lòng chấp nhận.

Doanh nghiệp mua thơ của ảnh chẳng qua là vì ảnh là thư lại của quan nhân, ảnh như là một phương tiện để người ta có cơ hội xích gần lại bên cạnh một ai đó mà người ta có chủ đích muốn tiếp cận. Còn tiếp cận ai đó để làm gì, chắc chắn không phải là để ăn cơm uống rượu, trò chuyện tán gẫu rồi. Bởi doanh nghiệp quen với thương trường, nguyên tắc đầu tiên của thương trường là đồng tiền sinh lợi. Chỉ có những kẻ thường dân áo vải như Ngô thì mới thấy tiền chỉ là tiền.

Người Trung Quốc có câu: "Muốn vào nhà lạ, chó phải vẫy đuôi". Chấp chới mơ hồ thì thấy trường hợp này cũng giống giống.

Thế nhưng Ngô nghĩ, thân làm thư lại thì phải hết sức phụng sự, gìn giữ cho quan nhân mà mình đang giúp việc. Chứ ai lại lấy danh tiếng của quan nhân để huênh hoang bao giờ. Đừng tưởng chuyện mình làm người khác không biết, không đánh giá; chẳng qua trước mặt thì cười cợt xun xoe vậy thôi, chứ sau lưng đay nghiến, đểu giả thì không phải là không có.

2. Khi anh thư lại thi sĩ còn đang ngây ngất đỉnh cao danh vọng thì quan nhân cấp tỉnh bỗng chốc đại họa lâm đầu vì chiếc siêu xe nhiều tỷ gắn biển kiểm soát công vụ bị phát hiện là có vấn đề. Gọi là có vấn đề bởi chiếc xe này đã được cấp biển kiểm soát thuộc thủ đô, quan nhân lại vác vào miền Tây rồi chuyển sang biển số công vụ.

Chính từ cái biển số này, người ta mới truy lùng ra gốc tích của quan nhân. Hóa ra, quan nhân từng là tổng giám đốc của một công ty chuyên ngành về xây lắp dầu khí. Không hiểu khả năng lèo lái của ông tổng giám đốc này thế nào mà quất phát công ty lỗ đến mấy nghìn tỷ.

Trong vụ công ty lỗ mấy nghìn tỷ này, rất kỳ lạ là ông tổng giám đốc được Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cất nhắc hết lần này đến lần khác, từ vị trí này lên đến vị trí khác. Bất chấp, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng yêu cầu xử lý nghiêm những sai phạm tại tổng công ty do ông tổng giám đốc làm lãnh đạo cao nhất.

Sau khi thoát trách nhiệm ngoạn mục, bằng khả năng siêu phàm của mình, ông tổng giám đốc tót phát trở lành lãnh đạo cấp vụ của Bộ Công thương, rồi thoắt cái ngồi hẳn vào cái ghế vững như bàn thạch là phó chủ tịch tỉnh ở miền Tây Nam Bộ.

Xa nhà nhận nhiệm vụ, thế nhưng ông phó chủ tịch tỉnh vẫn không quên mùi vương giả ngày nào. Vậy là, ông ngồi xe nhiều tỷ đến công sở, bất chấp theo quyết định 32/QĐ-TTg do Thủ tướng quy định về tiêu chuẩn định mức xe công cho các chức danh thì phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh trực thuộc Trung ương được sử dụng ôtô giá tối đa 920 triệu đồng để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác.

Nhưng cũng đâu có sao, thực trạng quan trường nước mình vốn đang có nhiều chuyện, một cái ôtô nhiều tỷ được cá nhân cho quan chức mượn, rồi lại được cấp biển kiểm soát công vụ, rồi khi bị lật mặt vội vã trả lại biển kiểm soát công vụ cũng không có gì là đặc biệt. 

Chẳng qua thì, có cá nhân nào lại cho quan nhân mượn chiếc siêu xe mà chẳng có động cơ đâu. Ngô đoán vậy thôi, có khi họ là bạn bè tri âm tri kỷ, người giúp cái này kẻ nhận cái kia nên bây giờ trả ơn cho nhau vậy mà.

Cái quan trọng nhất ở đây chính là lòng tham của quan nhân, bất chấp ông quan ấy từng gây thiệt hại mấy nghìn tỷ vẫn có thể tự cho phép mình sử dụng một phương tiện đi lại thuộc dạng bố của thiên hạ thì mới thỏa lòng. Họ hoàn toàn không có khái niệm ăn năn hối lỗi khi đã khiến Nhà nước thất thoát hàng núi tiền, họ xem như đó là chuyện vụn vặt, đó là điều không đáng quan tâm, sự thụ hưởng cho riêng bản thân của họ mới là điều quan trọng nhất.

Còn vì sao một cá nhân mà tư cách đạo đức đã kém, năng lực lại rất có vấn đề vẫn được đề bạt làm quan nhân. Thú thật, Ngô tôi hèn mọn không thể nào luận giải được.

Mặc dù suy cho cùng ở đời thì bánh ít đi, bánh quy mới lại. Hay câu nói kinh điển mà chúng ta vẫn thường được nghe: "Thứ gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền hơn". Tiền ấy ở đâu, chắc chắn là ở ngân sách chứ còn ở đâu nữa.

Mà ngân sách từ đâu mà có, từ mồ hôi nước mắt dân chứ từ đâu. Cứ thoải mái tham lam thôi, tội vạ đâu có dân chịu hết.

Ngô tôi bó gối khoanh tay, ngồi nhìn mà buồn hắt hiu như chó con vừa dứt sữa vậy.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.
.