Thực hư thông tin sẽ “vỡ” Quỹ Bảo hiểm xã hội

Thứ Hai, 14/05/2018, 02:13
Một trong những nội dung quan trọng vừa được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Trung ương bảy diễn ra tại Hà Nội là Đề án cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) phương án tăng tuổi nghỉ hưu.


Việc triển khai chính sách BHXH trong thời gian qua đạt được kết quả gì? Những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách BHXH hiện nay và liệu có mất cân đối thu- chi Quỹ BHXH?Xung quanh những nội dung này, PV Báo CAND đã trao đổi với ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó Trưởng Ban Thực hiện Chính sách BHXH, BHXH Việt Nam.

PV: Xin ông cho biết ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện chính sách BHXH đối với đảm bảo an sinh xã hội của đất nước?

Ông Đỗ Ngọc Thọ: Trước hết phải khẳng định rằng: Tất cả mọi quốc gia, nhất là các quốc gia có nền công nghiệp, kinh tế phát triển đều triển khai thực hiện BHXH, coi đây là chính sách quan trọng để bảo vệ người dân, người lao động trước những tác động của nền kinh tế thị trường.

Ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó Trưởng Ban Thực hiện Chính sách  Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Lịch sử phát triển BHXH cũng đã có hàng trăm năm cùng với quá trình phát triển sản xuất hiện đại. Công nghiệp, kinh tế càng phát triển thì càng cần đến vai trò của chính sách BHXH để bảo vệ người lao động, người dân.

Bản chất của BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào Quỹ BHXH.Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 - 2020 đã khẳng định: “Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội”. 

Cụ thể, BHXH giúp: Thứ nhất, ổn định cuộc sống người lao động, trợ giúp người lao động khi gặp rủi ro: ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; Thứ hai, góp phần ổn định cuộc sống của người lao động khi hết tuổi lao động hoặc không còn khả năng lao động; thứ ba, góp phần ổn định tâm lý và nâng cao chất lượng lao động của người lao động, bảo đảm sự bình đẳng về vị thế xã hội của người lao động, thúc đẩy sản xuất phát triển; thứ tư,  giảm chi cho ngân sách Nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

PV: Ông có thể nêu rõ những kết quả nổi bật thực hiện chính sách BHXH trong thời gian qua?

Ông Đỗ Ngọc Thọ: Trong thời gian qua, ngành BHXH đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành tốt công tác thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, đạt được nhiều mục tiêu quan trọng, nhất là với công tác phát triển mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính để giúp người dân ngày càng thuận lợi hơn trong việc tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.

Ông Đỗ Ngọc Thọ.

Những kết quả này thể hiện rõ qua những con số nổi bật:

Tính đến 31-12-2017, cả nước có 13.818.998 người tham gia BHXH, tăng  5,76% so với năm 2016 (bắt buộc là 13.591.429 người; tự nguyện là 227.506 người); 11.774.742 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Tổng số thu BHXH toàn ngành năm 2017 đạt gần 212.175.406 triệu đồng, tăng 13,2% so với năm 2016 (thu BHXH bắt buộc là 197.450.406 triệu đồng; thu BHXH tự nguyện là 1.207.048 triệu đồng); thu BHTN là 13.517.884 triệu đồng.

Nợ BHXH năm được duy trì ở mức thấp, bằng 2,9% so với số phải thu, giảm 0,8% so với tỷ lệ nợ năm 2016. Đây là năm có tỷ lệ nợ BHXH trên số phải thu thấp nhất.

Hằng năm, toàn ngành BHXH tổ chức tiếp nhận và giải quyết hàng triệu hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH. Từ năm 1995 đến năm 2017, đã giải quyết trên 95 triệu lượt người hưởng chế độ, trong đó hưởng hằng tháng trên 2,1 triệu người; hưởng BHXH một lần trên 8,8 triệu lượt người và trên 84 triệu lượt người hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe.

Riêng năm 2017, giải quyết cho 168.441 người hưởng chế độ BHXH hằng tháng, tăng 16,02% so với năm 216; 808.646 người hưởng các chế độ BHXH một lần và 9.688.286 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục vụ sức khỏe.

Ngành BHXH tổ chức chi trả các chế độ BHXH cho khoảng 3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; hơn 1 triệu lượt người hưởng chế độ BHTN, chi trả cho hàng triệu lượt người hưởng trợ cấp một lần, mai táng phí, trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe kịp thời, đúng đối tượng, đúng chế độ, đảm bảo an toàn tiền mặt với nhiều hình thức chi trả tạo thuận lợi cho người thụ hưởng.

Năm 2017, BHXH Việt Nam đã vươn lên đứng thứ hai trong Bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong các bộ, ngành, tăng 18 bậc so với năm 2016.

Đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình, dữ liệu quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT của BHXH các tỉnh, thành phố; xây dựng Hệ thống cấp số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT, BHTN thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành hệ thống CNTT và Trung tâm Dịch vụ khách hàng. Khai trương cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh; cung cấp 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Số thủ tục hành chính giảm từ 115 thủ tục xuống còn 28 thủ tục...

PV: Những bất cập, hạn chế, khó khăn, thách thức hiện nay BHXH đang gặp phải là gì, thưa ông?

Ông Đỗ Ngọc Thọ: Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là tăng diện bao phủ BHXH. Dù đã đạt kết quả tăng trưởng tương đối tích cực, nhưng so với mục tiêu đề ra, số tham gia BHXH hiện còn hạn chế, mới đạt khoảng 29% lực lượng lao động. Số tham gia BHXH tự nguyện cũng còn thấp, trong khi số thuộc diện tham gia – lao động phi chính thức còn rất lớn.

Các quy định mới của Luật BHXH 2014 như thực hiện BHXH bắt buộc cho lao động hợp đồng từ 1 đến 3 tháng, lao động người nước ngoài tại Việt Nam, hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện… vẫn đang được cơ quan BHXH cụ thể hóa, đẩy mạnh triển khai trong thực tiễn, từng bước nâng diện bao phủ BHXH tích cực hơn.

Bên cạnh đó là tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH xảy ra hầu hết các địa phương trong cả nước. Thực tế trong thời gian qua, BHXH các tỉnh, thành phố đã có nhiều nỗ lực nhằm hạn chế, ngăn ngừa tình trạng này song vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Mở rộng diện bao phủ Bảo hiểm xã hội giúp người dân ngày càng thuận lợi hơn trong việc tham gia và thụ hưởng chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.

Tính đến 31-3-2018, tổng số tiền nợ BHXH không phải tính lãi của BHXH các tỉnh, thành phố là 9.437 tỷ đồng, tỷ lệ nợ bằng 4,2% so với kế hoạch giao BHXH năm 2018.

Trong đó, số tiền nợ khó thu là trên 1.592 tỷ đồng, bao gồm của các đơn vị: bỏ trụ sở hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ sở hữu (841 tỷ đồng); đơn vị đã và đang chờ giải thể phá sản (431 tỷ đồng); đơn vị có chủ sử dụng lao động là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam (45 tỷ đồng); đơn vị được khoanh nợ của Vinashin, Vinalines (275 tỷ đồng).

Trong số nợ này có 476 tỷ đồng không thể thu hồi được do các doanh nghiệp đã và đang giải thể phá sản, doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài bỏ trốn không còn khả năng thanh toán do nhà xưởng đi thuê, tài sản đã được thế chấp tại các ngân hàng.

Nhiều doanh nghiệp cố tình dây dưa nợ đọng tiền đóng BHXH của người lao động, thậm chí có tình trạng doanh nghiệp đã thu tiền đóng BHXH của người lao động (trừ tiền lương) nhưng lại dùng tiền đó để sử dụng vào những mục đích khác. Tình trạng nợ đọng BHXH đã gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến Quỹ BHXH mà còn xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; ảnh hưởng đến an toàn, cân đối Quỹ cũng như làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu về các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Ở một số địa phương, có tình trạng một số doanh nghiệp “bán chui” các nhà xưởng và tài sản cho người khác để trốn nợ BHXH, dẫn đến tình trạng là doanh nghiệp cũ “biến mất” trong khi doanh nghiệp mới chối bỏ trách nhiệm về những khoản nợ BHXH hàng chục tỷ đồng...

PV: Đề án cải cách BHXH mới đây có đề cập tới việc tăng tuổi nghỉ hưu khiến không ít người đặt câu hỏi, liệu quỹ BHXH có mất cân đối và vấn đề an toàn Quỹ BHXH được đặt ra như thế nào?

Ông Đỗ Ngọc Thọ: Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là Quỹ BHXH phải được đảm bảo an toàn trong dài hạn.

Luật BHXH 2014 quy định rõ: Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ và nhà nước có biện pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ (Khoản 3, Điều 6). Vì vậy, trong mọi trường hợp quỹ luôn được đảm bảo an toàn, sẽ không thể xảy ra “vỡ” quỹ như một số ý kiến lo ngại.

Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu căn cứ trên nhiều yếu tố, quan trọng nhất là để đáp ứng nhu cầu lực lượng lao động trước thực trạng già hóa dân số ở nước ta ngày càng nhanh.

Tại nhiều quốc gia khác, trước thực trạng già hóa dân số, biện pháp điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cũng được tính đến và cũng là xu hướng chung xét trên bình diện khu vực, cũng như quốc tế.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần phải được thực hiện theo lộ trình phù hợp với các yếu tố tăng trưởng kinh tế với giải quyết bài toán về việc làm và thất nghiệp; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; trình độ kỹ thuật và công nghệ áp dụng vào sản xuất; số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối quỹ BHXH trong dài hạn; xu hướng già hóa dân số, tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải có tầm nhìn dài hạn, không tạo sốc cho thị trường lao động.

PV: Vậy trong quá trình thực hiện chính sách, ngành BHXH đã rút ra những kinh nghiệm, bài học gì?

Ông Đỗ Ngọc Thọ:  Để chính sách BHXH có sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị thì những bài học kinh nghiệm chúng tôi rút ra trong thời gian qua là:

Một là, nơi nào, địa phương nào có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền thì kết quả đạt được là rất tích cực; ngược lại, nếu chỉ tập trung vào một số nội dung hoặc thiếu đồng bộ thì kết quả sẽ bị hạn chế. Vì vậy, cơ quan BHXH cần chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy, HĐND, chính quyền các cấp để huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong việc triển khai thực hiện chính sách.

Hai là, trong việc sửa đổi chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực BHXH, bên cạnh yếu tố đồng bộ, tổng thể, cần kịp thời, linh hoạt, phù hợp với các nhóm đối tượng và quan điểm ngày càng mở rộng quyền lợi của người tham gia.

Ba là, trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ, phải xác định công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đóng vai trò rất quan trọng; công tác tuyên truyền cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, đi trước một bước để tác động vào nhận thức, làm thay đổi thái độ, hành vi; định hướng dư luận, giúp cho việc triển khai thực hiện có hiệu quả.

Bốn là, phát triển hệ thống BHXH đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ. Đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống theo hướng phục vụ kịp thời, bảo đảm quyền lợi người tham gia và thụ hưởng chính sách theo đúng quy định của pháp luật, tạo sự hài lòng đối với người dân, doanh nghiệp.

Năm là, tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH nhất là chú trọng thanh tra, kiểm tra những đơn vị nợ đọng, trốn đóng BHXH cho người lao động; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý làm cơ sở cho giảm bớt thủ tục hồ sơ, giảm thời gian, kinh phí thực hiện thủ tục cho người dân, doanh nghiệp.

Sáu là, quản lý chặt chẽ các nguồn kinh phí; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng các nguồn kinh phí.

Bảy là, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ công chức, viên chức; chuyển đổi tác phong, lề lối làm việc từ hành chính sang phục vụ, coi đây là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng dịch vụ và hiện đại hóa hệ thống BHXH...

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Anh Hiếu (thực hiện)
.
.
.