Sự kiện và suy ngẫm

Sẽ chấm dứt tình trạng “cả nhà làm quan”

Thứ Ba, 22/08/2017, 09:22
Tại Quy định số 90-QĐ/TW, Bộ Chính trị nêu rõ tiêu chuẩn chung về đạo đức, lối sống của cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là mẫu mực về phẩm chất đạo đức; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.

Tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt. Không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Bên cạnh đó, cán bộ cấp cao phải chỉ đạo quyết liệt chống tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm; tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ trong công tác cán bộ.

Lâu nay, trong xã hội vẫn luôn tồn tại câu nói: “Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Dường như điều đó đã mặc định đi vào cuộc sống. Khi mọi người có khó khăn gì, công việc cần sự can thiệp…., điều đầu tiên họ nghĩ đến đó là tìm một người trong họ hàng có chức tước để nhờ vả.

Đối với những người có chức vụ, họ cũng có những khó xử khi người nhà, người quen tìm đến nhờ vả. Vì ở Việt Nam vẫn có quan điểm họ hàng, làng xóm, nếu nhờ không giúp sẽ dẫn đến việc bị cho rằng “làm quan to rồi khinh khi họ hàng”. Vì thế, ứng xử với người nhà như thế nào khi họ nhờ vả cũng là một điều không đơn giản.

Tuy nhiên, trên thực tế, đã có rất nhiều một người làm quan, rồi “cả nhà, cả họ làm quan”. Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ tháng 2 vừa qua, ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho biết, qua thông tin báo chí, Bộ Nội vụ đã khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát, tổng hợp được 9 địa phương, đơn vị có biểu hiện “cả họ làm quan” như báo chí nêu.

Cụ thể: Hà Giang; xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An; huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế; huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk; Bình Định; huyện Phong Điền, Cần Thơ; Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính; Yên Bái; Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế TP Đà Nẵng.

Qua xác minh, Bộ Nội vụ thấy rằng: Số người nhà của một số lãnh đạo tại 9 đơn vị, địa phương là 58 người. Trong đó, số người nhà có quan hệ ruột thịt là 18 người; số người nhà có quan hệ họ hàng là 40 người...

Những trường hợp này đều thiếu một số tiêu chuẩn theo luật định tại thời điểm được bổ nhiệm. Có một trường hợp vượt chỉ tiêu được giao.

Thông tin chi tiết hơn, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã dẫn chứng trường hợp bà Phạm Thị Hà (vợ ông Triệu Tài Vinh, Bí thư tỉnh Hà Giang), Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thiếu trình độ ngoại ngữ B.

Trường hợp ông Phạm Sỹ Quý (em trai bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái), Giám đốc Sở TN&MT tỉnh này, chưa đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính. Hoặc tại TP Đà Nẵng có trường hợp bà Trần Thị Thu Vân, Phó Trưởng phòng Tổ chức, Hành chính, Tài vụ Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế TP Đà Nẵng (em dâu ông Võ Đình Thạnh, nguyên Giám đốc Trung tâm Pháp y), không cung cấp được tài liệu liên quan đến phiếu và biên bản kiểm phiếu, kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với Phó trưởng phòng Tổ chức, Hành chính, Tài vụ….

Đấy là chưa kể đến việc, một số người thuộc diện “đệ tử ruột” (xin nhấn mạnh không phải người nhà) của một số quan chức, khi các vị này đi đâu  cũng thấy các “đệ tử” có mặt, làm công tác tổ chức sự kiện, “hậu cần”.

Những “đệ tử” này có thể thuộc cùng cơ quan, hoặc doanh nghiệp bên ngoài, hoặc không có nghề nghiệp cố định nào cả. Nhưng chỉ biết, họ có vị trí đối với quan chức. Và mọi người muốn nhờ vả quan chức việc gì, bấm nhau đi tìm, qua cầu các “đệ tử” này là được việc nhất.

Việc ì xèo liên quan đến người nhà, “đệ tử” này nếu có, ở các đơn vị, cơ quan nhiều người biết. Tuy nhiên, tâm lý đám đông là tặc lưỡi, tránh đi vì cho rằng đó là xu thế, nếu xì xào có khi còn bị trù úm.

Chính vì thế, trong tiêu chuẩn chung của các cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có quy định: “Tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi” là vô cùng cần thiết. Vì thực hiện một cách thực chất được điều này sẽ giảm bớt được những cán bộ công chức không đủ tiêu chuẩn đứng trong cơ quan Nhà nước và đem lại sự tự tin, phấn khởi công tác cho những người có tài năng thực sự, vì họ biết rằng việc phấn đấu, thăng chức sẽ bằng khả năng thực chất của mình, chứ không phải đấu với “con cháu quan” nữa.

Người dân rất hoan nghênh các tiêu chuẩn của Quy định số 90-QĐ/TW, Bộ Chính trị dành cho các cán bộ lãnh đạo cấp cao. Nhưng vấn đề quan trọng nữa, đó là sau khi ban hành, chúng ta phải có sự giám sát, kiểm tra thực hiện chặt chẽ.

Đối với những trường hợp cán bộ lãnh đạo cố tình chỉ đạo việc đưa người nhà không đủ tiêu chuẩn vào các vị trí công tác, phải xử lý nghiêm.

Trong trường hợp lãnh đạo không chỉ đạo bổ nhiệm người nhà mà cấp dưới cố tình đưa vào, dù biết thiếu tiêu chuẩn cũng phải xử lý thật nghiêm khắc người cấp dưới vì đó chính là thói xu nịnh để hưởng lợi cá nhân. 

T. Hòa
.
.
.