Sau quyết tâm tinh giản, cả bộ máy và biên chế có xu hướng “phình” ra

Thứ Năm, 23/02/2017, 08:25
Sau khi tổ chức tinh gọn thì bộ máy lại có xu hướng “phình” ra; thực hiện tinh giản biên chế ì ạch cả năm trời mới được hơn 1 nghìn người, trong khi sử dụng biên chế vượt khung đến hàng chục nghìn; tâm lý muốn thêm chứ không bớt phổ biến ở nhiều nơi... là thực trạng được các đại biểu đề cập đến tại Hội thảo cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước do đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức sáng 22-2.


Theo ông Thái Quang Toàn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) cho biết, có đến 20/22 bộ ngành đồng thời đề nghị tăng biên chế; chỉ có 2 bộ đề xuất giảm là Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ, dù thực tế hiện số biên chế đang được sử dụng đã vượt số được giao. 

Ông Nguyễn Văn Tùng – Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Điều lệ (Ban Tổ chức Trung ương) cho biết: Tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế trong bộ máy của hệ thống chính trị (tính đến hết tháng 10-2016) là hơn 3,7 triệu người, vượt 8.743 người so với số được giao. Tuy đã vượt như vậy, nhưng “một số cơ quan, tổ chức cả Trung ương, địa phương vẫn đề nghị tăng tổ chức, bổ sung biên chế đối với những tổ chức thành lập mới”, ông Tùng cho biết. 

Năm 2016 chỉ tinh giản được hơn 1.600 biên chế, bằng khoảng 4,6% so với mong muốn. (Ảnh minh họa: BHP) 
Minh chứng thêm cho tình trạng này là thông tin được bà Đào Thị Hồng Minh (Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Biên chế,  Bộ Nội vụ) cho biết: Tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức (không tính lực lượng Quân đội, Công an và cán bộ, công chức cấp xã) tính đến 30-9-2016 là 2.369.972, so với năm 2015 chỉ giảm được... 1.609 biên chế. 

“Nếu thực hiện giảm theo kế hoạch 1,5%/năm thì phải giảm gần 35.574 người, nhưng thực tế chỉ giảm được 4,6% - quá thấp so với yêu cầu. Nguyên nhân là do theo Nghị quyết số 39 của Trung ương và Quyết định số 2218 của Thủ tướng thì lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế vẫn được xem xét tăng thêm biên chế khi thành lập mới trường, bệnh viện, tăng quy mô học sinh, quy mô giường bệnh...”. Bà Minh cũng khẳng định: “Với tiến độ và cách làm như hiện nay thì khó có thể thực hiện được mục tiêu”. 
Đánh giá về giảm đầu mối, kiện toàn các bộ, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc nhìn nhận: Trong khi Quốc hội, Chính phủ thực hiện giảm bớt số lượng các bộ thì tổ chức bên trong các bộ lại “phình” ra. So với khóa 12 (2007 – 2011), khóa 13 (2011 – 2016) tăng thêm 66 cục, vụ và tương đương, trong khi cơ cấu bộ vẫn giữ nguyên là 22. 

Hiện tượng này được TS. Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, lý giải: “Trong nhiều thập kỷ qua, việc xác định, cho phép thành lập, xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Vụ là một sự dễ dãi, thậm chí là một sự tùy tiện, theo ý muốn chủ quan của người đứng đầu. 

Mỗi đời Bộ trưởng lại có thay đổi về số lượng, tên gọi của các Vụ, chủ yếu lại theo hướng tăng thêm, chia nhỏ chức năng. Cá biệt, có vị lãnh đạo quan niệm rằng, Bộ có nhiều đầu mối, nhiều đơn vị cấp dưới mới oai, mới thể hiện vị thế của Bộ ngành mình!”.

Có quan điểm cho rằng đây là căn bệnh trầm kha khó chữa ở các bộ, ngành, đến nỗi “Một số Bộ trưởng muốn thực hiện tinh gọn cũng khó bề xoay xở vì không xử lý được mối quan hệ nội bộ. Những người muốn thực hiện đúng chủ trương tinh gọn thì lại dễ bị cô lập, bị coi là đi ngược lại lợi ích của Bộ, ngành” – ông Sơn nêu thực trạng.

Đáng chú ý, ông Sơn cũng chỉ ra một “cải lùi” khác trong tổ chức hành chính, là vấn đề phòng thuộc Vụ - từ chỗ được tổ chức rất cá biệt ở một vài Bộ thì đến những năm gần đây đã trở thành phổ biến. Đa số các đơn vị cấp Vụ thuộc Bộ đều có các phòng chuyên môn với lý lẽ “như thế là chuyên sâu, chuyên môn hóa cao, là tạo điều kiện về vị trí công tác của một số người, là tốt cho yêu cầu quản lý chuyên môn, nghiệp vụ”. 

Tuy nhiên, theo ông Sơn, việc này “không phù hợp với nguyên tắc Vụ hoạt động theo chế độ Thủ trưởng kết hợp với chế độ Chuyên viên”. “Ngay khi Phòng được lập ra, có ngay hiện tượng “dựng tường rào”, “lắp khóa cửa”, “chia sân, chia vườn” đã gây khó khăn cho vụ trưởng khi muốn sử dụng chuyên viên của mình, vô hiệu hóa các phó vụ trưởng. Nhiều trưởng phòng còn từ chối nhiệm vụ được giao vì cho rằng việc này không thuộc chức năng, nhiệm vụ của phòng mình. 

Cơ chế phối hợp, hợp tác nhiều khi bị vô hiệu hóa. Ngay tại đơn vị trở nên có nhiều tầng nấc, có khâu trung gian, khó điều hành”. Chính phủ đã thấy được điều này, nhưng khi bàn về việc xóa bỏ thì “lại nổi lên ý kiến băn khoăn về nhân tình thế thái, về tâm lý, về chế độ chính sách”... làm cho cơ chế được xác lập vẫn ở dạng nước đôi.

Xã hội đã quen với “tập quán” tham nhũng, chạy chọt?

Dẫn dữ liệu từ dự án PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam), PGS. TS. Đặng Ngọc Dinh -  Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng cho rằng “Xã hội dường như đã quen với “tập quán” tham nhũng vặt “chạy chọt”, hối lộ... Người dân ngày càng không còn hăng hái tố cáo hành vi tham nhũng khi bị vòi vĩnh, đòi hối lộ: tỷ lệ người đã tố giác hành vi đòi hối lộ (tham nhũng) giảm theo các năm, cũng như sự chịu đựng đối với hành vị tham nhũng cũng tăng lên theo thời gian, sẵn sàng bỏ qua, sẵn sàng “đồng lõa” với tham nhũng”. Cụ thể, khảo sát cho thấy tỷ lệ người bị vòi vĩnh đã tố giác hành vi đòi hối lộ giảm dần từ 2011 (9,15%) đến 2015 (chỉ còn 2,67%); trong khi số tiền bị vòi vĩnh dẫn đến tố cáo thì ngày càng cao lên (2011 là 5 triệu đồng thì đến 2015 là 25 triệu đồng).

Vũ Hân
.
.
.