Quốc hội thảo luận góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII:

Rõ ràng trong công tác cán bộ, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân

Thứ Bảy, 24/10/2015, 07:33
Chuyện con người, công tác cán bộ là chủ đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đặc biệt trong phiên thảo luận tại đoàn về dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XII ngày 23/10, vì công tác cán bộ là cái gốc của vấn đề, có cán bộ giỏi mới gánh vác được công việc đất nước trong giai đoạn đổi mới từng ngày.

Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, đại biểu Phạm Văn Tam cho rằng: Tâm trạng chung của xã hội là niềm tin với Đảng vẫn còn nguyên vẹn, chỉ mong Đảng mạnh lên để xây dựng, bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ nhiều mối băn khoăn. “Trước hết, công tác xây dựng Đảng là vấn đề đầu tiên cần có đánh giá sâu. Suốt nhiệm kỳ trước, bằng rất nhiều giải pháp, công tác chỉnh đốn Đảng đã được đẩy mạnh, nhưng tư tưởng, nhận thức của đảng viên về đạo đức, lối sống đã có chuyển biến chưa… Nếu chưa, tại sao lại như vậy? Đại hội cũng nên bàn, có chủ trương, giải pháp sâu, cụ thể”.

Khẳng định Đảng không làm công tác cán bộ tốt, chắc chắn sẽ không có cán bộ tốt, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội cho biết có thể sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình về công tác bổ nhiệm cán bộ đợt này. “Bổ nhiệm cán bộ trẻ tôi cho là rất tốt, xu thế rất hay. Nhưng giữa quy định pháp luật của Nhà nước với cái chúng ta làm “quy trình rất đúng” lại vênh nhau. Một là chúng ta chấp nhận theo con đường lựa chọn của xã hội, cứ người nào có tài có đức thì được trọng dụng. Hai là phải làm bài bản, tức là phải ngồi vị trí đó tối thiểu 5 năm, phải là chuyên viên chính, phải cao cấp lý luận chính trị…

Tất cả các tiêu chí chúng ta đã đặt ra trong quy định. Đây có trường hợp chưa đến 1 năm thì có thể ngồi vị trí đó không? Chúng ta phải rõ ràng, hoặc là sửa quy trình, cứ người mà dân đồng tình, Đảng lựa chọn thì ta bổ nhiệm”.

Đại biểu Nguyễn Văn Tân cho rằng 3 đột phá chiến lược đưa ra trong thời gian qua mới chỉ đạt kết quả bước đầu. Căn cứ vào thực tế thì thấy tồn tại vẫn còn quá nhiều. Cải cách thể chế kinh tế chưa thể đi vào cuộc sống, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực còn yếu kém, công nghệ mới đưa vào vẫn chỉ ở khối doanh nghiệp FDI là chính, nông nghiệp cũng thủ công là chính. “Cải cách hành chính mới chỉ đạt kết quả bước đầu. Chúng tôi đi làm ở đây, đến gặp người không biết mình là ai thì mới biết mức độ trách nhiệm công vụ như thế nào, phiền nhiễu vô cùng”.

Cũng quan ngại về tình hình kinh tế, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng đến 2020 Việt Nam không thể hoàn thành mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại, vì tất cả các chỉ tiêu đề ra đều đạt thấp hơn rất nhiều. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát (ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) nhấn mạnh, cần thay đổi mô hình tăng trưởng dựa nhiều vào đầu tư, phải tiếp tục đổi mới, cải cách hành chính, tạo điều kiện cho người dân làm ăn.

“Trong khoa học kinh tế người ta đã thống nhất, thực chất của mọi cuộc cải cách về kinh tế là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân làm ăn. Mọi nền kinh tế tăng trưởng là do yếu tố này, còn Nhà nước có vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi”. Cho rằng dư địa của ngành Nông nghiệp còn rất lớn, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định lợi thế của chúng ta vẫn là nông nghiệp, nên phát huy điều đó. “Ta không thể chế tạo ôtô bằng nước Mỹ, nhưng sản xuất café nước Mỹ không thể địch lại ta. Phải xây dựng ngành café hiệu quả hơn, không chỉ làm nhân thô, xứng đáng với vị thế nước thứ 2 thế giới. Trong mở cửa với TPP, mọi người lo ngại cho nông nghiệp là đúng. Nhưng trong các nước TPP, có ai có thể sản xuất lúa gạo bằng Việt Nam đâu. Ta phải làm cho có chất lượng cao hơn, giá trị cao hơn. Nông nghiệp vẫn là việc làm và thu nhập của đa số người dân Việt Nam, trong 5 năm tới chắc chắn là vậy, và tôi nghĩ điều này còn đúng về lâu dài”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho rằng cần quan tâm đến văn hoá, đạo đức xã hội. “Điều này không chỉ biểu hiện ở học sinh đánh nhau, mà rất nhiều hành vi. Ví dụ bỏ chất cấm vào thức ăn để con lợn có dáng đẹp, dù biết người tiêu dùng ăn là bị bệnh. Biết phun thuốc trừ sâu tối nay, sáng mai thu hoạch đem bán cho người khác ăn làm hại người ta mà vẫn làm. Đấy là biểu hiện về suy thoái đạo đức. Ta nói 1 câu làm người khác đau lòng cũng còn áy náy, đây đang tâm làm những việc đầu độc người khác, mà có phải ít người làm như vậy đâu” – Bộ trưởng nhấn mạnh. Vấn đề đạo đức xã hội cũng là băn khoăn của nhiều đại biểu trong phiên thảo luận này.

Vũ Hân
.
.
.