Xây dựng hành lang pháp lý về an ninh mạng:

Quy định lưu trữ và đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam

Thứ Hai, 24/12/2018, 08:02
Luật An ninh mạng và Nghị định quy định chi tiết một số điều tại Luật An ninh mạng đều có quy định về lưu trữ và đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các doanh nghiệp nước ngoài khai thác thương mại trên không gian mạng, phát sinh lợi nhuận từ người dùng Việt Nam.

Quy định này được đặt ra bởi:

1. Đáp ứng được yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Trong bảo vệ an ninh quốc gia, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ trên không gian mạng và sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam trong điều tra, xử lý các hành vi vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nước ta còn hạn chế, thậm chí là thiếu thiện chí khi liên tục viện vẫn pháp luật Mỹ hoặc đề nghị Chính phủ nước ta có trao đổi với Chính phủ Mỹ, Bộ Tư pháp nước ta có trao đổi với Bộ Tư pháp Mỹ để được cung cấp thông tin, dữ liệu.

Đây là vấn đề cần phải được khắc phục bằng quy định của pháp luật bởi một số loại hình dịch vụ như Facebook, Google là nền tảng phát tán thông tin, trong đó có nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt, xấu độc. Theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, đây là hành vi và thông tin vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, do không có dữ liệu quản lý (để yêu cầu xoá, thay đổi, chính sửa hoặc chủ động xoá, thay đổi, chính sửa) và đầu mối liên hệ (văn phòng đại diện) tại Việt Nam nên chưa có cơ sở pháp lý cũng như điều kiện để áp dụng các biện pháp quản lý nhà nước của ta.

2. Bảo đảm được chủ quyền thông tin của Việt Nam. Nhà nước phải quản lý và bảo vệ được thông tin của người dân Việt Nam và thông tin quan trọng được tạo trên lãnh thổ Việt Nam. Trong khi đó, dữ liệu mà các công ty nước ngoài thu thập, khai thác được tại Việt Nam đều thuộc sự quản lý của nhà nước, không phục vụ cho hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của nước ta, thậm chí còn tạo ra nguy cơ bị chiếm đoạt, lạm dụng vào các hành vi vi phạm pháp luật.

3. Thực thi chính sách bảo vệ chặt chẽ dữ liệu người dùng, quyền riêng tư và bảo đảm nguồn dữ liệu có sở dữ liệu quan trọng này được quốc gia khai thác hợp lý trong phát triển kinh tế. Dữ liệu cá nhân hiện nay đang được nhiều quốc giao coi là tài sản quốc gia trong tương lai gần. Hiện nay, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đang thu thập rất nhiều dữ liệu người dùng, tuy nhiên ta chưa có cơ sở pháp lý là biện pháp để bảo đảm việc lưu trữ và khai thác dữ liệu đúng mục đích.

4. Bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước về quản lý, tương thích các quy định pháp luật và trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện.

5. Đáp ứng yêu cầu pháp luật trong nước về kinh doanh, thương mại. Theo Luật thương mại năm 2005, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, trực tiếp là Nghị định 28/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về một số biện pháp phát triển ngoại thương quy định, Tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài phải lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Hiện nay, một số cơ quan, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ trên không gian mạng và sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam đã triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, phát sinh lợi nhuận từ người sử dụng Việt Nam nhưng lại không thành lập văn phòng đại diện, không chịu quản lý của nhà nước và không nộp thuế đối với khoản lợi nhuận kinh doanh đã thu được từ người sử dụng Việt Nam.

Trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính cũng đề nghị nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải mở văn phòng đại diện chính thức ở Việt Nam.

Phạm Tấn
.
.
.