Quần chúng nhân dân - nhân tố quyết định thắng lợi cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự

Thứ Sáu, 19/08/2016, 07:16
Lực lượng Công an nhân dân từ khi ra đời đến nay luôn ghi nhớ những lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò và sức mạnh to lớn của nhân dân; trong công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng, luôn biết dựa vào nhân dân, khơi dậy tiềm năng, sáng kiến của nhân dân, vận động nhân dân tham gia tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Thượng tướng, GS.TS Tô lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an

I. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam; kế thừa tư tưởng của ông cha ta về vai trò to lớn của nhân dân trong lịch sử đấu tranh dựng nước của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn ai hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”(1).

Vì thế, Người căn dặn: “...chính quyền ta là chính quyền dân chủ, bất kỳ việc to, việc nhỏ đều phải dựa vào lực lượng của nhân dân”(2). Đối với công tác bảo vệ an ninh, trật tự, Người khẳng định “Giữ gìn trật tự, an ninh trước hết là việc của Công an, Bộ đội, Cảnh sát”(3). Nhưng để đạt hiệu quả cao thì “Việc giữ gìn trật tự, an ninh càng phải dựa vào sáng kiến và lực lượng của nhân dân”(4).

Người dặn dò cán bộ, chiến sĩ Công an khi thực hiện nhiệm vụ “Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được. Nhân dân có hàng triệu tai mắt. Nếu Công an biết dựa vào nhân dân thì nhân dân sẽ là người giúp việc rất đắc lực của Công an”(5). Người cũng chỉ rõ nhiệm vụ của nhân dân:

“Mọi người công dân, bất kỳ già trẻ, gái trai, bất kỳ làm việc gì, đều có nhiệm vụ giúp chính quyền giữ gìn trật tự, an ninh vì trật tự, an ninh trực tiếp quan hệ đến lợi ích bản thân của mọi người”(6).

Lực lượng Công an nhân dân từ khi ra đời đến nay luôn ghi nhớ những lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò và sức mạnh to lớn của nhân dân; trong công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng, luôn biết dựa vào nhân dân, khơi dậy tiềm năng, sáng kiến của nhân dân, vận động nhân dân tham gia tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Có thể khẳng định rằng, lịch sử 71 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn gắn liền với những hình thức tổ chức và tập hợp quần chúng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, khả năng tiềm tàng, sáng tạo, ý thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Những chiến công và thành tích của lực lượng Công an nhân dân luôn gắn liền với sự giúp đỡ, ủng hộ to lớn của các ban, ngành, đoàn thể và đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Nhìn lại mỗi chặng đường lịch sử, chúng ta đều thấy rõ điều này. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân từ miền xuôi tới miền ngược đã đóng góp công sức, tích cực tham gia cùng lực lượng Công an nhân dân đấu tranh chống gián điêp, biệt kích, tiễu phỉ, trừ gian, bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội, dân công, bảo vệ các tuyến đường giao thông quan trọng, góp phần to lớn vào chiến dịch Điện Biên Phủ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tham mưu, nòng cốt của lực lượng Công an các cấp, nhân dân được tập hợp, tổ chức thành những đội quân tích cực tham gia phong trào “Phòng gian bảo mật”, nêu cao tinh thần cảnh giác để bảo vệ cuộc kháng chiến, chống lại mọi âm mưu của kẻ thù, vạch mặt những tên đầu sỏ gian ác, các đối tượng gián điệp làm tay sai cho địch; đặc biệt là nhân dân đã đoàn kết thực hiện khẩu hiệu “Ba không” (không nghe, không biết, không thấy) nhằm giữ bí mật mọi thông tin của cuộc kháng chiến, thực hiện tuần tra canh gác, bảo vệ các lực lượng tham gia kháng chiến, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, cùng toàn Đảng, toàn quân làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Lực lượng Công an giúp dân thu hoạch lúa.Ảnh: CTV

Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, vai trò và sức mạnh của nhân dân tiếp tục được phát huy cao độ. Bằng việc tham gia tích cực, có hiệu quả các phong trào “Ba phòng”, “Bảo mật phòng gian”, “Bảo vệ trị an”... nhân dân đã trở thành bức tường thành vững chắc, là chỗ dựa tin cậy của lực lượng Công an nhân dân trong đấu tranh chống gián điệp biệt kích, chống phản động và các đối tượng gây rối an ninh, trật tự, phá hoại công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước.

Được sự giúp đỡ to lớn của các tầng lớp nhân dân, lực lượng Công an ở cả hai miền Nam, Bắc đã đấu tranh thắng lợi, làm thất bại nhiều âm mưu, ý đồ phá hoại đất nước của các thế lực phản động, bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của Trung ương Đảng và Bộ Công an... góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cùng toàn Đảng, toàn quân đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân tiếp tục sát cánh giúp đỡ lực lượng Công an đấu tranh đập tan âm mưu bạo loạn, lật đổ chính quyền cách mạng của các thế lực thù địch, các tổ chức đảng phái phản động ở trong nước và phản động lưu vong ở nước ngoài; tham gia các phong trào bảo vệ an ninh, trật tự, phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng và công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước sau chiến tranh.

Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục khẳng định vai trò của nhân dân, đặc biệt coi trọng công tác vận động và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, coi đó là công tác trọng tâm, có tính chiến lược trong đường lối chỉ đạo thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ an ninh, trật tự, đông đảo các tầng lớp nhân dân tiếp tục tham gia tích cực vào phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, coi đó là nghĩa vụ để góp phần bảo vệ sự bình yên của cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhân dân được thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự, được bàn bạc, trao đổi, đề ra cách thức, biện pháp giữ gìn cuộc sống bình yên và tự tổ chức thực hiện.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp, sự hướng dẫn và làm nòng cốt của lực lượng Công an, nhân dân đã phát huy vai trò làm chủ và sức mạnh tiềm tàng, thực sự là “tai mắt”, là chỗ dựa tin cậy giúp lực lượng công an đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Để phát huy vai trò to lớn của nhân dân, ngày 13-6-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 521/QĐ-TTg lấy ngày 19 tháng 8 hằng năm - Ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân, là “Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Điều này không chỉ nhằm tôn vinh vai trò to lớn của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự của Tổ quốc mà còn thể hiện truyền thống đoàn kết, gắn bó giữa lực lượng Công an với nhân dân.

Qua 10 năm thực hiện Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhân dân được tham gia ngày càng nhiều hơn vào việc xây dựng các văn bản pháp luật, kế hoạch, chương trình hành động, quy ước, hương ước bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; được tạo điều kiện để trực tiếp tham gia vào các đợt cao điểm vận động quần chúng tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội; được tham gia vào các mô hình tổ chức quần chúng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ về an ninh, trật tự; đồng thời nhân dân cũng tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội; cộng tác, giúp đỡ lực lượng Công an phòng, chống tội phạm; đặc biệt là nhân dân đã đóng góp nhiều ý kiến chân thành, xác đáng để xây dựng lực lượng Công an ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Thực tế đã có hàng chục nghìn tập thể và cá nhân là quần chúng nhân dân có thành tích xuất sắc trong  phòng, chống tội phạm và tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được tôn vinh, khen thưởng.

II. Đảng ta nhận định, trong thời gian tới, hòa bình, hợp tác phát triển là xu thế lớn nhưng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động khủng bố tiếp tục gia tăng. Các nước lớn tăng cường sức mạnh quân sự và cạnh tranh chiến lược trong khu vực ngày càng quyết liệt.

Tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là tranh chấp trên Biển Đông diễn biến gay gắt, phức tạp. Nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn rất nặng nề.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 2016 - 2020, Đảng ta tiếp tục khẳng định một trong những nhiệm vụ quan trọng là phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quán triệt quan điểm, đường lối và nhiệm vụ phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề ra, lực lượng Công an nhân dân cần nhận thức sâu sắc rằng sức mạnh để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là sức mạnh tổng hợp. Lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là sự tham gia của toàn dân, của mọi chủ thể trong hệ thống chính trị.

Do vậy, sự nghiệp bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới đòi hỏi phải huy động được sức mạnh tổng hợp trên cơ sở thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội phải dựa vào nhân dân, lấy yên dân làm nền tảng, kết hợp chặt chẽ giữa thế trận an ninh nhân dân với thế trận quốc phòng toàn dân. Để tiếp tục khơi dậy và phát huy vai trò, trách nhiệm của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, cấp ủy Đảng và lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong lực lượng Công an nhân dân cần thực hiện những vấn đề sau đây:

1. Làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, dựa vào nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, tạo thế chủ động trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ.

Tiếp tục duy trì thực hiện có hiệu quả các nghị quyết liên tịch giữa lực lượng Công an với các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội để huy động ngày càng nhiều sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.

2. Quán triệt và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận trong Công an nhân dân; tích cực vận động nhân dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an với nhân dân. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 09/CT-TƯ ngày 1-12-2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Với ý nghĩa phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là một bộ phận cơ bản của nền an ninh nhân dân, công tác vận động tổ chức phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc phải là trách nhiệm của toàn xã hội trong đó lực lượng Công an nhân dân làm nòng cốt trong tham mưu, hướng dẫn và tổ chức xây dựng phong trào. Lực lượng Công an phải phát huy truyền thống đoàn kết với nhân dân, dân chủ với nhân dân, tôn trọng nhân dân, tin vào dân, dựa vào dân.

Mọi chủ trương, kế hoạch, biện pháp công tác bảo vệ an ninh, trật tự phải vì lợi ích của nhân dân, xuất phát từ yêu cầu của đời sống nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân để nhân dân ngày càng tham gia tích cực, nhiều hơn, trực tiếp hơn trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân.

3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức thông tin kịp thời mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để nhân dân hiểu rõ về nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia cùng lực lượng Công an phòng ngừa và đấu tranh với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và các loại tội phạm.

Phát huy vai trò tiên phong của báo chí Công an nhân dân trong việc phát hiện, tuyên truyền, biểu dương khen thưởng các tập thể và cá nhân quần chúng nhân dân có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhân rộng các mô hình tổ chức quần chúng tự quản về an ninh, trật tự đang được thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn.

4. Tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ, giữ gìn an ninh, trật tự ngay tại địa bàn dân cư theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và thực hiện, có sự hướng dẫn, hỗ trợ của lực lượng Công an.

Chú trọng phương thức vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc bằng các hình thức phù hợp như ký cam kết thực hiện các quy ước, quy chế, quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự để nâng cao trách nhiệm của công dân.

5. Tích cực, chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, xứng đáng là lực lượng mũi nhọn, nòng cốt trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, bảo vệ tài sản, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, thực sự là chỗ dựa vững chắc của nhân dân trong đấu tranh chống tội phạm.

Lấy mục tiêu phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, bảo đảm trật tự luật pháp là nhiệm vụ chính trị của các đơn vị, các cấp trong Công an nhân dân.

6. Tiếp tục cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự với tinh thần vì nhân dân phục vụ, việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiếp tục rà soát thủ tục hành chính để loại bỏ những thủ tục không cần thiết nhằm rút ngắn thời gian giải quyết, tránh gây phiền hà cho nhân dân; cải tiến các hình thức, biện pháp công tác trong công tác cấp đổi chứng minh nhân dân, hộ chiếu, đăng ký tạm trú, tạm vắng, quản lý vũ khí, vật liệu nổ... để phục vụ nhân dân tốt hơn.

Kiên quyết khắc phục và đẩy lùi những hiện tượng sách nhiễu, gây phiền hà nhân dân của một số cán bộ, chiến sĩ Công an.

7. Duy trì, giữ vững mối liên hệ mật thiết với nhân dân, thường xuyên tổ chức các diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến nhân dân để nhân dân góp ý kiến phê bình, xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Tổ chức các cuộc tọa đảm về văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sĩ Công an trong quan hệ, tiếp xúc với nhân dân; tăng cường liên hệ với nhân dân; thông qua các hình thức cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Thông qua đó góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an luôn vì nước quên thân, vì dân phục vụ. n

Chú thích: (1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr20. (2), (3), (4), (6) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr363. (5) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr119.

Thượng tướng, GS.TS Tô lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an
.
.
.