Phát huy tinh thần dân chủ

Thứ Hai, 28/09/2015, 08:09
Góp ý về Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhiều ý kiến cho rằng cần tránh việc dân chủ hình thức, vì thực tế hiện nay vẫn có những mảng công việc còn biểu hiện dân chủ hình thức, chưa đi vào chiều sâu, chưa thực hiện một cách có hiệu quả.

Ông Trần Xuân Báo, Bí thư Chi bộ khu phố 4 phường Hiệp Thành, quận 12, TP Hồ Chí Minh cho biết, cần tránh việc dân chủ hình thức, vì thực tế hiện nay vẫn có những mảng công việc còn biểu hiện dân chủ hình thức, chưa đi vào chiều sâu, chưa thực hiện một cách có hiệu quả. Đúng như phần hạn chế có đề cập rằng quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm.

Có lúc, có nơi, việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức… Từ đó, cần tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai, thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (theo Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH ngày 20/7/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Theo đó, những việc gì liên quan hay trực tiếp gắn với đời sống người dân cần phải được công khai để dân biết, dân bàn và quyết định trực tiếp; biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định; tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định được triển khai thực hiện nghiêm túc và đầy đủ…

Ông Trần Xuân Báo và Tiến sĩ Lưu Văn Quyết.

Tất cả nhằm mục đích để nhân dân ngày càng có ý thức hơn trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, chủ động và tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Chỉ có thực hiện tốt công tác tuyên truyền và học tập Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, những vấn đề “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mới được chính quyền cơ sở quan tâm thực hiện.

Đặc biệt là cần lồng ghép thông báo các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho nhân dân trong các cuộc họp tổ dân phố về tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng như: Việc quản lý sử dụng đất, chính sách xóa đói giảm nghèo, đền bù giải phóng mặt bằng, các khoản phí, lệ phí, việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi, phục vụ dân sinh…

Ngoài ra, những vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống nhân dân cũng cần được các cấp chính quyền cơ sở tổ chức thảo luận, lấy ý kiến của nhân dân. Có như vậy mới góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Góp ý về vấn đề giáo dục, Tiến sĩ Lưu Văn Quyết, Phó Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh cho rằng, với khái niệm xã hội hóa giáo dục hay thị trường hóa giáo dục, toàn xã hội sẽ tập trung nguồn lực phục vụ cho giáo dục.

Đồng thời, Nhà nước nên giao toàn bộ quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục đào tạo và Nhà nước lúc này chỉ cần định hướng, giám sát, chứ không áp đặt. Có như vậy các cơ sở giáo dục đào tạo mới có thể phát huy hết được tiềm năng của mình cũng như kêu gọi toàn xã hội đóng góp, phục vụ cho việc xây dựng, phát triển cơ sở giáo dục đào tạo đó. Dĩ nhiên cơ sở giáo dục đào tạo sẽ chịu trách nhiệm trước xã hội bằng chính chất lượng “sản phẩm” của mình là các sinh viên họ đào tạo ra - các sinh viên này có chuyên môn, năng lực, đạo đức tốt đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

Ngược lại, cơ sở giáo dục đào tạo làm không tốt sẽ mặc nhiên rơi vào tình trạng “nguy hiểm”, thậm chí là sự tồn vong của chính cơ sở giáo dục đào tạo này. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo hay chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đào tạo muốn trường mình tồn tại và phát triển, thu hút nhiều sinh viên theo học thì phải có đủ nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất tốt, đội ngũ thầy cô giáo, giảng viên phải đáp ứng được đòi hỏi cao về chuyên môn trong việc giảng dạy, truyền đạt các kiến thức, đáp ứng yêu cầu của xã hội hay các nhà tuyển dụng…

Thực tế trong những năm gần đây chúng ta đã có nhiều cải cách và cũng đã có giao quyền cho các cơ sở giáo dục đào tạo, nhưng dù sao vẫn theo định hướng chung, các trường chưa có nhiều tự chủ. Và kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua đã cho thấy rõ điều đó với khá nhiều bất cập. Nếu chúng ta giao quyền tự quyết cho các cơ sở giáo dục đào tạo thì chắc chắn sẽ có nhiều điều thuận lợi hơn. Vì khi đó họ sẽ được toàn quyền trong việc tuyển chọn đầu vào và xác định rõ ràng tiêu chuẩn đầu ra đồng thời chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình đào tạo. Tôi nghĩ như thế, giáo dục đào tạo sẽ thu hút được nhiều nguồn lực của xã hội đầu tư vào lĩnh vực này và sản phẩm đầu ra sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.

Nhiều nước phát triển trên thế giới đã tiến hành việc xã hội hóa giáo dục từ rất lâu rồi. Ngay như Trung Quốc, họ đã giao quyền tự chủ cho các trường và vai trò của đội ngũ thầy cô giáo, giảng viên rất quan trọng. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh là chúng ta vẫn không thể xa rời giáo dục truyền thống.

Riêng khía cạnh chất lượng nguồn nhân lực, thì ở lĩnh vực của tôi chính là đội ngũ giảng viên. Ngoài yếu tố chuyên môn cao, yếu tố đạo đức đối với các giảng viên cũng cần được đề cao, để đánh giá toàn diện người thầy. Dù ở thời điểm nào thì người thầy cũng cần phải có đạo đức, vì nếu chỉ có chuyên môn cao mà đạo đức không tốt sẽ ảnh hưởng đến việc giảng dạy, đến nhân cách của các em sinh viên. Theo tôi đây là một yếu tố vô cùng quan trọng, không thể xem nhẹ.

Phú Lữ (ghi)
.
.
.