Phải chuẩn bị phương án sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất của dịch Corona

Chủ Nhật, 02/02/2020, 07:53
Virus Corona từ Vũ Hán, Trung Quốc có tốc độ lây lan nhanh hơn dịch SARS năm 2003 khi trong vòng hơn 1 tháng đã khiến trên 12.000 người mắc bệnh ở 26 quốc gia, vùng lãnh thổ, đã trở thành đại dịch toàn cầu khi Tổ chức Y tế thế giới phải ban bố tình trạng khẩn cấp.


Là nước láng giềng với Trung Quốc, Việt Nam được xác định có nguy cơ lây bệnh rất cao, khi đến nay đã có 6 ca dương tính với virus Corona được phát hiện, trong đó ca mới nhất tại Khánh Hòa lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với 2 người bệnh đến từ Vũ Hán, Trung Quốc. Công tác phòng chống dịch đến nay của Việt Nam như thế nào để ngăn ngừa lây lan, phát tán virus ra cộng đồng.

Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với Ths.BSCKII Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương về vấn đề này.  

PV: Thưa bác sĩ (BS), là người từng có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống dịch SARS năm 2003, góp phần đưa Việt Nam là nước đầu tiên khống chế thành công đại dịch nguy hiểm này, ông đánh giá thế nào về mức độ nguy hiểm của virus Corona so với bệnh SARS?

Ths.BSCKII Nguyễn Hồng Hà.

Ths.BS Nguyễn Hồng Hà: Như các phương tiện thông tin đại chúng và các tài liệu thông tin rộng mở như hiện nay, có thể nhận thấy, tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra biểu hiện hô hấp và viêm phổi ngày càng nghiêm trọng tại Trung Quốc, đặc biệt TP Vũ Hán, đến nay đã lan ra toàn bộ các tỉnh của Trung Quốc. Trên thế giới đã có 26 nước có người nhiễm bệnh, chủ yếu các ca nhập cảnh đều từ Trung Quốc sang. 

Đến nay đã có 11.860 ca nhiễm khẳng định tại Trung Quốc, có 259 ca tử vong, nếu tính tỷ lệ tử vong trên ca khẳng định là khoảng 2,2%, so với virus SARS -CoV năm 2003 tỷ lệ tử vong thấp hơn (SARS tỷ lệ tử vong 9,6%), thấp hơn so với  virus Mers Cov năm 2012 ở Trung Đông (tử vong 34,4%). Thực sự số ca nhiễm có thể còn nữa do thống kê chưa đầy đủ. Các chuyên gia khẳng định ca nhiễm có thể lên tới 25.000-40.000 ca, bởi có nhiều ca nhiễm nhẹ thường dễ bị bỏ sót.

Virus Corona gần giống với virus gây bệnh SARS, nhưng tốc độ lây lan nhanh và ra cộng đồng nhiều hơn. Virus SARS chủ yếu lây trong không gian kín, không thông thoáng, chủ yếu lây cho nhân viên y tế, dịch trong bệnh viện là chính. Vì sao virus Corona lây lan ra cộng đồng mạnh hơn, tôi cho rằng là do ngưỡng nhiễm vào, một số chuyên gia dự đoán mức độ lây là 1/3,8 người, khả năng lây khi tiếp xúc gần trong khoảng 8,0cm đến 2m. Virus Corona là chủng biến thể, chắc chắn sau này sẽ nghiên cứu vaccine dự phòng. Do gần giống với SARS nên đương nhiên sẽ có các bộ gen trùng hợp nhau, giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu, quan trọng là có thể miễn dịch chéo.

PV: BS đánh giá sự vào cuộc của Việt Nam như thế nào trước dịch bệnh mới nổi nguy hiểm lần này?

Th.BS Nguyễn Hồng Hà: Tôi cho rằng Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đã vào cuộc và ban hành các chỉ đạo chống dịch quyết liệt. Thủ tướng đã thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng ban. Thủ tướng ban hành chỉ thị về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch huy động sức mạnh tổng hợp của các Bộ, Ban, ngành địa phương.

Chúng ta xác định nâng cấp đối phó với dịch lên mức cao nhất nhằm đáp ứng mạnh mẽ, quyết liệt, có thể hy sinh một số lợi ích kinh tế để tập trung cho công tác chống dịch. Đấy là quyết định cực kỳ đúng đắn do trước đó chúng ta đã có kinh nghiệm trong phòng chống dịch SARS năm 2003, cúm A/H1N1 năm 2009 và Hội chứng Hô hấp Trung Đông năm 2012, để chủ động đáp ứng với dịch.

Bộ Y tế đã hoàn thiện 4 kịch bản đáp ứng với dịch: Mức độ 1 chỉ có các ca xâm nhập ngoại lai; mức độ 2 đã có ca lây lan ra cộng đồng, ở mức độ hạn chế dưới 20 ca; mức độ 3 là lây lan ra cộng đồng một cách rõ hơn, từ 20 ca trở lên; mức độ 4 là mức khẩn cấp, dịch lan ra cộng đồng tới hàng nghìn ca. Từ kịch bản này để chúng ta nhận định tình hình và có chuẩn bị đáp ứng cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Tôi cho rằng đó là phù hợp với tiềm lực của chúng ta.

Hiện nay chúng ta đang đáp ứng mức độ 1, tăng cường khâu giám sát tại các cửa khẩu, hàng không, đường bộ, những ca đến từ vùng dịch, cách ly những người đến từ vùng dịch, theo dõi triệu chứng lâm sàng, nếu có phải xét nghiệm. Những người đến từ vùng dịch có biểu hiện sốt thì phải cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian ủ bệnh lâu, hay việc xét nghiệm virus Corona còn kéo dài từ 3-5 ngày càng làm nguy cơ lây bệnh càng cao. Là người có kinh nghiệm trong điều trị bệnh truyền nhiễm, xin BS cho biết, đến khi nào mới có thuốc điều trị cũng như vaccine phòng bệnh?

BS Nguyễn Hồng Hà: Hiện nay WHO đã công bố trình tự gen con virus này, bắt đầu đặt các công ty sản xuất mồi để thử, phải có mồi thử thì việc xét nghiệm mới nhanh được. Chúng ta hiện đang thử với công nghệ cao hơn là kỹ thuật giải trình tự gen, nhưng lại mất thời gian và rất tốn kém. Khi có mồi chuẩn, đến lúc làm xét nghiệm chỉ mất vài ba tiếng. Khoảng vài ngày nữa có mồi, tiến hành triển khai xét nghiệm nhanh. Dự tính thành lập thêm một số phòng xét nghiệm an toàn sinh học phân tử, tốt nhất là cấp III để phòng tránh phát tán virus. 

Trong vòng 20 năm có 3 nguyên nhân gây ra dịch bệnh mới nổi, vì vậy các hãng dược phẩm sẽ tập trung làm 2 việc, đó là nghiên cứu thuốc để kháng lại virus Corona và nghiên cứu sản xuất sớm vaccine phòng bệnh. Nhưng nghiên cứu sản xuất thuốc phải mất tới 5 đến 7 năm. Bây giờ chỉ hy vọng Trung Quốc và Hồng Kông nghiên cứu sản xuất vaccine sớm trên nền vaccine phòng bệnh SARS vì có chủng tương đồng về gen. Trước đây đã có nghiên cứu vaccine phòng bệnh SARS, nhưng vì bệnh chưa có nguy cơ tái trở lại nên sản xuất ra chưa có cơ hội thử nghiệm, đánh giá trên lâm sàng. Nay thuận lợi hơn là đã có nghiên cứu trước đó của SARS, vì vậy sẽ rút ngắn được thời gian cho việc sản xuất vaccine ngừa virus Corona. Để ngăn cản dịch do virus thì chỉ có vaccine bảo vệ khối cảm nhiễm và các phương pháp phòng chống dịch khác, chứ không có thuốc đặc hiệu.

PV: Thưa BS, nếu trong trường hợp kịch bản 4 xảy ra, có hàng nghìn người mắc bệnh, chúng ta sẽ ứng phó thế nào?

Ths.BS Nguyễn Hồng Hà: Nếu như dịch cúm A/H1N1 năm 2009, virus cúm có thuốc đặc hiệu, nhưng dịch bệnh lần này không có thuốc, đây là điều rất đáng lo ngại. Chúng ta đã xây dựng kịch bản 4, nghĩa là đã có sự chuẩn bị cho tình huống xấu nhất để chủ động ứng phó. Nếu kịch bản 4 xảy ra, có lẽ chúng ta cũng sẽ làm như Trung Quốc, thành lập bệnh viện dã chiến, huy động nhân lực và vật lực chống dịch. Phải sử dụng tất cả các biện pháp, trong đó biện pháp y tế chỉ là một phần, còn phải biện pháp khác như là hạn chế đi lại, giao lưu… giống như các biện pháp chống bão lụt, hạn hán, địch họa để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Theo quy luật bệnh dịch sẽ diễn ra trong vài tháng, hy vọng dịch trong vài ba tháng sẽ lui khi nhiệt độ nóng lên.

PV: Trước tốc độ lây lan mạnh như hiện nay, BS có khuyến cáo gì tới người dân để phòng chống dịch bệnh lan ra cộng đồng?

Ths.BS Nguyễn Hồng Hà: Đối với Việt Nam, nguy cơ lây nhiễm là rất cao, vì chúng ta có biên giới rất rộng với Trung Quốc, các hoạt động giao lưu, du lịch, buôn bán, học tập nhiều nên mức độ đi lại lớn. 5 ca nhiễm bệnh trước đều đi từ vùng dịch về Việt Nam một thời gian mới phát bệnh. Nhưng ca thứ 6 vừa phát hiện tại Khánh Hòa lại lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với 2 người bệnh đến từ Vũ Hán, Trung Quốc. Như vậy, việc phòng ngừa bệnh lan ra cộng đồng là hết sức cấp bách, phải sớm khoanh vùng những người mà nữ lễ tân tại khách sạn ở Khánh Hòa tiếp xúc, không để lan rộng. Còn các ca khác đến từ Vũ Hán có viêm phổi, sốt đang được chúng ta tiếp tục cách ly, theo dõi ở các BV tại Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Quan trọng nhất hiện nay là chúng ta làm thế nào để dịch không lây lan rộng ra cộng đồng. Người dân cần nắm thông tin, không lo lắng quá, nhưng cũng không thể chủ quan.

Khó khăn nhất hiện nay là khâu kiểm soát người đến từ vùng dịch. Vì có người còn uống thuốc hạ sốt để nhập cảnh, hoặc không khai báo y tế khi có nguy cơ. Người đến từ vùng dịch chưa có biểu hiện lâm sàng nhưng có thể đã bị nhiễm bệnh. Vì vậy, tôi đặc biệt khuyến cáo, những người đến từ vùng dịch và nhất là người tiếp xúc với người từ vùng dịch có sốt, phải khai báo y tế, vừa để bảo vệ mình, vừa bảo vệ cộng đồng. Đồng thời người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh đã được Bộ Y tế khuyến cáo.

Để phòng chống dịch, phải có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống vì công tác này không thể riêng lẻ ngành Y tế làm được. Ngành Y tế phải tăng cường cảnh giác phát hiện người bị bệnh. Người dân phải có ý thức khai báo yếu tố dịch tễ, đây là mấu chốt để phát hiện bệnh, vì chúng ta không có tiềm lực xét nghiệm hết các ca nhiễm trùng đường hô hấp. Tiếp tục theo dõi tình hình dịch trên thế giới và những khuyến cáo mới của WHO để có những biện pháp đáp ứng thích hợp.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Trần Hằng (thực hiện)
.
.
.