Noi gương Bác, lòng trong, tâm sáng hơn

Thứ Ba, 17/05/2016, 08:09
Cuộc đời hoạt động cách mạng vì nước, vì dân, vì nhân loại của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng phong phú và đặc sắc, là di sản vô giá với dân tộc ta và có vai trò to lớn với sự vận động, phát triển và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Chính vì vậy, năm 1987, khóa họp Ðại Hội đồng UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc) lần thứ 24 tại thủ đô Paris của nước Pháp, đã thông qua Nghị quyết về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là "Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và Nhà văn hóa kiệt xuất".

Nghị quyết có đoạn nêu rõ: “Ghi nhận năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm Kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và Nhà văn hóa kiệt xuất…

Nhận thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”…

Sự ghi nhận, tôn vinh của UNESCO đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh là minh chứng cho những đóng góp của Người với sự phát triển của dân tộc Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung.

Cùng với sự suy tôn ấy, trong trường ca “Theo chân Bác”, con tim thi sỹ cách mạng Tố Hữu đã thốt lên: “Vì sao? Trái đất nặng ân tình/ Hát mãi tên Người: Hồ Chí Minh/ Như một niềm tin, như dũng khí/ Như lòng nhân nghĩa, đức hy sinh”… Người là tấm gương tiêu biểu, sáng ngời cho đạo đức và văn hóa vì dân phục vụ, vì dân hy sinh, tất cả vì giải phóng con người, vì hạnh phúc của nhân dân.

Thấm nhuần tinh hoa của dân tộc và thời đại, Người đặc biệt luôn quan tâm chăm lo, giáo dục cán bộ, đảng viên theo tiêu chí: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; “Phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân”...

Trên tinh thần đó, qua các thời kì cách mạng, Đảng ta đã có nhiều chỉ thị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đặc biệt, ngày 15-5-2011, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 03/CT-TW về về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Chỉ thị nhấn mạnh những yêu cầu: Tạo sự thống nhất cao về nhận thức trong Đảng và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, coi đây là công việc thường xuyên hằng ngày, là trách nhiệm cụ thể thiết thân của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, chặt chẽ, kết hợp việc tổ chức học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các cuộc vận động và các phong trào đang triển khai trong Đảng và trong xã hội, góp phần đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Kết hợp giữa xây và chống.

Đề cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người, nhất là vai trò gương mẫu của cán bộ chủ chốt các cấp, của người đứng đầu, của cấp trên; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm các quy định của tổ chức đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị và sự giám sát của nhân dân…

Những mục tiêu, yêu cầu cụ thể nêu trên đã được triển khai sâu rộng trên mọi mặt đời sống xã hội, góp phần vào công tác xây dựng đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân.

Theo đánh giá của Bộ Chính trị, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".

Để phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được, khắc phục những thiếu sót, hạn chế, ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05/CT-TW về về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chỉ thị nhấn mạnh: “Tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”…

Hiện nay, tình hình trong nước và quốc tế đang đặt ra những thách thức to lớn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đòi hỏi chúng ta tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là với cán bộ lãnh đạo, đảng viên.

Chúng ta nguyện noi gương Bác, có tấm lòng trong, cái tâm sáng, ra sức học tập nâng cao trình độ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đưa nước ta tiến nhanh và bền vững trên con đường hội nhập, giàu mạnh, văn minh.

An Khang
.
.
.