Những nội dung cốt lõi trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng

Thứ Bảy, 03/10/2015, 07:38
Phần thứ hai: Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XI(2011 -2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới (1986 -2016); Mục tiêu tổng quát và động lực phát triển đất nước 5 năm (2016 -2020).
>> Phần thứ nhất

I. Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011 - 2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới (1986 - 2016)

1. Bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước tác động đến việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng

Để đánh giá chính xác kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, làm rõ những thành quả đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, cần xem xét bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước về các mặt, những tác động thuận và không thuận, những thời cơ và thách thức đối với nước ta 5 năm qua. Có như vậy mới xác định rõ nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan của cả ưu điểm và khuyết điểm.

Dự thảo văn kiện đã nêu, tình hình thế giới, khu vực 5 năm qua diễn biến nhanh, rất phức tạp, khó lường; đất nước đứng trước nhiều vấn đề mới, có cả những thuận lợi, thời cơ đan xen khó khăn, thách thức gay gắt.

Một số tình hình thế giới, khu vực tác động mạnh đến nước ta là:

- Kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo: Tháng 10-2010, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới năm 2011 tăng 4,2%, giai đoạn 2012 - 2015 tăng 4,6%/năm; thực tế tăng trưởng kinh tế thế giới (theo Báo cáo của IMF vào tháng 1-2015) năm 2011 tăng 3,9%, năm 2012 tăng 3,2%, năm 2013 tăng 3,3%, năm 2014 tăng 3,3% và năm 2015 dự kiến tăng 3,5%. Khủng hoảng nợ công diễn ra trầm trọng hơn ở nhiều quốc gia. Nhiều nước tăng cường bảo hộ thương mại và sản xuất. Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động làm cho mặt trái của chính sách kích cầu và những yếu kém nội tại của nền kinh tế bộc lộ nặng nề hơn.

- Khủng hoảng chính trị ở nhiều nơi, nhiều nước; các nước lớn cạnh tranh quyết liệt giành ảnh hưởng trong khu vực. Tình hình phức tạp, căng thẳng ở Biển Đông đe dọa nghiêm trọng hoà bình, ổn định và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ở trong nước, những thành tựu của công cuộc đổi mới đã tạo những điều kiện và tiền đề thuận lợi cho sự phát triển đất nước trong nhiệm kỳ 2011 - 2015. Giai đoạn 2006 - 2010 tăng trưởng kinh tế đạt 7%/năm. Nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm các nước đang phát triển có thu nhập trung bình và hoàn thành nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

Dự thảo văn kiện nêu một số điểm nổi bật của bối cảnh tình hình trong nước 5 năm qua là: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, cùng với những ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, những hạn chế, khiếm khuyết vốn có của nền kinh tế chưa được giải quyết, những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý và những vấn đề mới phát sinh đã làm cho lạm phát tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng và đời sống nhân dân. Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu gây thiệt hại nặng nề. Nhu cầu bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội ngày càng cao. Đồng thời, chúng ta cũng phải dành nhiều nguồn lực để bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền đất nước trước những động thái mới của tình hình khu vực và quốc tế.

Trước diễn biến mới của tình hình, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã quyết định điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; bảo đảm quốc phòng - an ninh và ổn định chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối của kế hoạch 5 năm.

2. Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011 - 2015)

Để đánh giá đúng, cần phải có các quan điểm tiếp cận khách quan (nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật), toàn diện (thấy cả mặt ưu điểm và khuyết điểm, nguyên nhân khách quan và chủ quan) và phát triển (xét trong trạng thái động, xu hướng của tình hình), gắn với thực tiễn và điều kiện lịch sử cụ thể của thế giới, khu vực và trong nước.

2.1. Thành quả và nguyên nhân

Khi đánh giá còn có ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, 5 năm qua, trong điều kiện rất khó khăn, nhiều thách thức mà chúng ta đạt được những thành tích như vậy thì phải đánh giá rằng, chúng ta đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng. Ngược lại, có ý kiến cho rằng chỉ nên đánh giá là đạt được những kết quả nhất định.

Trên cơ sở nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật một cách toàn diện, Dự thảo đánh giá: "Nhìn tổng quát, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành quả quan trọng". Đánh giá như vậy là phù hợp, đúng mức, phản ánh được cả những nỗ lực, cố gắng của chúng ta trong bối cảnh khó khăn, phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, cũng như cả những yếu kém, khuyết điểm cần được khắc phục.

Những thành quả quan trọng được thể hiện trên các mặt sau đây:

- Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dần ổn định.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và phối hợp tốt hơn với chính sách tài khoá. Cơ bản bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, lạm phát giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 5% năm 2015, cán cân thương mại được cải thiện; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư khá cao. Dự trữ ngoại hối đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

- Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước; chất lượng tăng trưởng được nâng lên.

Tăng trưởng kinh tế tuy thấp hơn 5 năm trước nhưng vẫn đạt tốc độ khá.

- Ba đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt kết quả tích cực.

Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện; môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh có bước cải thiện. Phát triển nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ đạt được những kết quả tích cực. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đạt kết quả quan trọng.

- Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực bước đầu.

- Văn hoá, xã hội có bước phát triển, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.

- Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu có những chuyển biến tích cực.

- Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, hoà bình, ổn định được giữ vững để phát triển đất nước.

- Quan hệ đối ngoại, vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao.

- Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy.

- Tiếp tục hoàn thiện quan điểm và thể chế về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đã xây dựng và thực thi Hiến pháp năm 2013; hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính đạt những kết quả tích cực; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng.

- Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng và đạt một số kết quả quan trọng - đặc biệt Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" được triển khai thực hiện, đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tạo tiền đề để đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng.

Những kết quả nêu trên tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn trong giai đoạn mới.                                   

(còn tiếp)

.
.
.