Những hành xử không thuộc về văn hóa

Thứ Ba, 27/11/2018, 08:37
Chưa bao giờ vấn đề bạo lực lại gây bất an như bây giờ. Bạo lực xuất hiện ở ngoài đường, ngoài chợ, trong bệnh viện, sân bay và trong cả nhà trường. 

Đối tượng gây ra bạo lực không chỉ là đám thanh niên mới lớn thích thể hiện ta đây, là đám “đệ tử lưu linh” mà còn cả những người mặc áo cổ cồn trắng, là người thầy… Còn nạn nhân của bạo lực là bất kể ai, đó là người lành hiền, là bác sỹ, là học sinh…

1. Nếu điểm ra đây những vụ bạo lực thì nhiều vô kể, vào google “sớt” (tìm) cụm từ “đánh bác sỹ cấp cứu” trong 0,49s cho 25.400.000 kết quả. Bác sỹ, lại trong môi trường cấp cứu ở bệnh viện mà cũng bị… đánh thì đúng là hết từ để nói. Mà những vụ việc này đâu có hiếm cơ chứ.

Thông tin mới nhất trong ngày 26-11 là cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án trong vụ tát một học sinh lớp 6 về tội hành hạ người khác theo quy định của Bộ luật Hình sự. 

Mấy ngày gần đây, dư luận nóng hừng hực trước vụ việc này, khi một giáo viên chủ nhiệm đã yêu cầu 23 học sinh tát một bạn học sinh trong lớp vì bạn này nói tục. Và cô giáo lại chính là người “tặng” cậu học sinh nhỏ cái tát thứ 231. Thật khó tưởng tượng trên đời này lại có một giáo viên có hành vi phản sư phạm như vậy thì không hiểu, cô sẽ dạy gì cho các em mỗi khi lên lớp? 

Cha mẹ cho con đến trường, ngoài học cái chữ, còn mong cho con học cái nghĩa. Thế nhưng, sự việc xảy ra ở ngôi trường đang chuẩn bị đạt trường chuẩn quốc gia ở miền cát trắng Quảng Bình khiến họ hốt hoảng, hoang mang và hoài nghi.

Thông tin trước đó một ngày – ngày 25-11, Công an huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can trong vụ việc đánh nhân viên hàng không tại sân bay Thọ Xuân. 

Theo dõi diễn biến khởi phát vụ án cũng khó tin lại có chuyện thật như bịa này. 3 người đàn ông đi tiễn một người bạn ra sân bay. Khi người bạn làm thủ tục xong, 3 người này đã nhờ cô nhân viên Vietjet chụp ảnh. 

Mọi việc vui vẻ cho đến khi họ muốn chụp ảnh cùng cô và bị từ chối. Đám người này đã tung nắm đấm với cô, với quản lý của cô, với cả nhân viên an ninh hàng không. Cơ quan hàng không sau đó đã có lệnh cấm bay 12 tháng đối với 3 người này nhưng dư luận không hài lòng. Cơ quan điều tra ngay sau đó đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với cả 3 đối tượng.

2. Không phải đến bây giờ, hành vi hành hạ học sinh ở trường học hay cố ý gây thương tích nhân viên hàng không mới xảy ra và bị xử lý. Cách đây ít lâu, tại sân bay Nội Bài cũng xảy ra vụ hành khách đánh nhân viên hàng không hay ở Hải Phòng lại có cô giáo trừng phạt học sinh bằng cách bắt uống nước giặt giẻ lau bảng.

Những vụ việc này cũng dậy sóng dư luận và cũng bị cơ quan chức năng xử lý. Vậy tại sao sự phê phán của cộng đồng lẫn cán cân công lý không tạo được tính giáo dục và răn đe khi những vụ việc có tính chất tương tự và nghiêm trọng hơn vẫn xảy ra?

Tại sao ngày càng nhiều cách hành xử côn đồ, thiếu văn hóa? Lỗi tại tôi, tại bạn, tại học sinh, tại nhà trường, tại bác sỹ hay tại bệnh nhân…? 

Có rất nhiều cách lý giải điều này, như đó là nguyên nhân xã hội, gia đình, nhà trường, công nghệ, là kinh tế thị trường… Tuy nhiên, ở một góc nhỏ tôi xin được nhìn lại hai bộ phim chiếu trên VTV hút khách bậc nhất trong 2 năm gần đây là “Quỳnh búp bê” và “Người phán xử” để thấy phần nào câu trả lời. Đây là hai bộ phim có đề tài xã hội, nói kiểu nôm na là xã hội đen, là ma túy, mại dâm. 

Phim mô tả trần trụi mặt trái xã hội với những tay anh chị trong giới giang hồ, với chân dài, với những chiêu đấm đá, thù hận, với những phận đời đắng chát… đã thu hút lượng người xem đông đảo đến mức truyền thông liên tục cập nhật rating cũng như giá quảng cáo sau mỗi tập.

Tại sao khán giả lại thích ăn món ăn tinh thần đầy cảnh bạo lực, hở hang, hận thù? Đó không phải do thị hiếu sao? Mà tại sao, thị hiếu của họ lại như vậy?

Cao Hồng
.
.
.