Những chiêu thức gây nhiễu việc luật hóa an ninh mạng

Thứ Tư, 06/12/2017, 08:25
Việc an ninh thông tin truyền thông bị xâm hại sẽ dẫn đến những tổn hại rất nghiêm trọng đối với an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa và nhiều lĩnh vực khác. Vì vậy, vấn đề an ninh mạng đã và đang trở thành một vấn đề thuộc an ninh quốc gia chứ không còn là vấn đề an toàn như nhận thức cũ nữa...


(Tiếp theo số 4514)

III – Chủ quyền không gian mạng phải được khẳng định và bảo vệ

Những biểu hiện trên đây thực sự là một cuộc xâm lăng phi truyền thống cả về chính trị, kinh tế và văn hóa thông qua môi trường Internet. Có thể nói, Việt Nam đang đứng trước những thách thức gay go trong việc bảo đảm an ninh mạng, bảo đảm an toàn thông tin của mình mà nếu thiếu một hành lang pháp lý chặt chẽ và đủ mạnh, các cơ quan chức năng sẽ thiếu những vũ khí để bảo vệ xã hội, để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Do đó, nếu quên vấn đề có tính chiến lược, vĩ mô của Luật An ninh mạng mà sa đà vào việc tranh cãi những chuyện vụn vặt, những câu chữ, thậm chí là cả những chuyện theo cảm tính cá nhân mà suy diễn thiếu những luận cứ khoa học thì không thể nắm rõ vấn đề, dễ lệch hướng.

Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 20 năm Internet Day Vietnam (Ngày Internet Việt Nam 19-11-1997) do Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) tổ chức, Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn đã chỉ rõ, bên cạnh những giá trị làm thay đổi sâu sắc, tích cực đời sống kinh tế – xã hội và cuộc sống của người dân Việt Nam, Internet cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Đó là lượng thông tin xấu độc xuất hiện trên Internet và mạng xã hội ngày càng nhiều, nhất là tin giả, tin xuyên tạc, bịa đặt, thông tin chống phá chế độ, bôi nhọ lãnh đạo.

Ngoài ra, các vấn nạn như tấn công mạng, mất an toàn thông tin, thư rác, mã độc tống tiền đang nhằm vào các mục tiêu là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tại Việt Nam hiện đang gia tăng cả về số lượng, quy mô và độ phức tạp. Việc thông tin thuộc diện bí mật Nhà nước bị lộ lọt, bị đánh cắp cũng không còn là hiện tượng hiếm gặp.

Nếu chúng ta không kịp thời có những biện pháp, những hành lang pháp lý hữu hiệu, những cơ sở hạ tầng để chủ động giải quyết thì hậu quả sẽ rất lớn, thậm chí khôn lường. Việc chủ quyền về thông tin và truyền thông bị xâm hại sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác. Việc an ninh thông tin truyền thông bị xâm hại sẽ dẫn đến những tổn hại rất nghiêm trọng đối với an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa và nhiều lĩnh vực khác. Vì vậy, vấn đề an ninh mạng đã và đang trở thành một vấn đề thuộc an ninh quốc gia chứ không còn là vấn đề an toàn như nhận thức cũ nữa.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, hiện nay, có hạn chế là giải pháp kỹ thuật chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook hay Youtube để chặn. Các đối tượng phát tán thông tin thường xuyên tận dụng công nghệ để phát tán như sử dụng công cụ miễn phí của công ty đa quốc gia, kết hợp tiếp thị trực tuyến... để thông tin lan truyền nhanh, khó kiểm soát, lợi dụng SMS để phát tán, thanh toán điện tử. Cái khó nữa là người dân ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội nước ngoài. Trong bối cảnh nước ta chưa có dịch vụ tương tự thì ta lệ thuộc khá nhiều vào Facebook và Youtube. Năm 2017, Việt Nam có 363 trang mạng xã hội trong nước cấp phép hoạt động, 2 mạng nước ngoài cùng cấp vào Việt Nam (Facebook và Youtube).

Trong phiên thảo luận dự án Luật An ninh mạng, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, mạng internet làm biến đổi nhiều mặt quan hệ xã hội, tác động vào sản xuất, đời sống, kinh tế, văn hoá, xã hội, giúp năng suất lao động cao. “Không thể ngăn chặn, cản trở được sự phát triển của thông tin điện tử, internet vì bất kể lý do gì. Nếu vì đảm bảo an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ đó thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.              

Tuy nhiên, chúng ta vào “cuộc chơi chung” thì bộc lộ rất nhiều nguy cơ về mất an ninh nếu không làm chủ. Luật An ninh mạng ra đời làm sao huy động được toàn bộ xã hội hiểu được thế nào là vấn đề an ninh mạng, hiểu những gì là nguy cơ, thấy được trách nhiệm của mình phải làm gì để đảm bảo an ninh mạng.

Bộ trưởng so sánh dòng chảy thông tin, mạng internet cũng giống như hệ tuần hoàn của cơ thể con người. Mạch máu đó, dòng tuần hoàn đó càng lưu thông được, càng phát triển tốt thì cơ thể càng khỏe mạnh. Chúng ta không thể ngăn dòng tuần hoàn đó, vì nó nuôi sống cơ thể con người, cung cấp đầy đủ thông tin để chúng ta phát triển. Vấn đề an ninh, an toàn ở đây là làm sao cho hệ tuần hoàn, hệ thông tin đó không bị nghẽn mạch, không bị đột quỵ…”.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng chỉ ra thực tế, hệ thông tin hiện nay không an toàn ở chỗ có nhiều thông tin độc hại. Phải xử lý thế nào để giải quyết việc này, làm sao hệ tuần hoàn nuôi được cơ thể, nhiều chất dinh dưỡng, nhiều ô-xy thì cơ thể mới hoạt động tốt. Đấy cũng là mục tiêu mà chúng tôi xây dựng dự án luật này. Đối tượng bên ngoài xâm nhập không cứ là mục tiêu quốc phòng, an ninh, nếu chúng xâm nhập được vào thì sẽ phá hoại bất kể mục tiêu nào.

Phạm vi của không gian mạng không giới hạn ở một khía cạnh, vũ khí đó nằm trong tay của thế lực thù địch thì bất kể lĩnh vực nào, phá hoại sản xuất, khủng bố, làm tắc nghẽn hệ thông tin liên lạc, nổ máy bay, nổ nhà máy, tín dụng ngân hàng (làm cho tiền không vào được, không ra được, không thể thanh toán được)… thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Những nguy cơ đó là rất lớn. Đời sống thực có tội phạm gì thì trên không gian mạng ảo cũng có những tội phạm như thế.

Thực tế thì xử lý được bằng cách thu thập chứng cứ, khám nghiệm hiện trường, nhưng ở đây là chứng cứ ảo, chứng cứ số. Có thể chúng xóa đi ngay nhưng bằng khoa học kỹ thuật chúng ta khôi phục lại nguyên trạng dấu vết. “Vấn đề chứng cứ số nếu không kịp quy định sẽ rất khó khăn khi xử lý tội phạm trên mạng ảo. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu và mong được sự đóng góp tham gia ý kiến để hoàn chỉnh dự án luật và có thể trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và sự phát triển chung của đất nước” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Rõ ràng, vấn đề an ninh mạng đang đặt ra cấp bách đòi hỏi phải có khuôn khổ pháp lý rõ ràng, cụ thể và đủ mạnh để “mạch máu đó, dòng tuần hoàn đó càng lưu thông được, càng phát triển tốt thì cơ thể càng khỏe mạnh”. An ninh mạng phải được đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan, đầy đủ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích cộng đồng, chứ không phải “cắt tỉa” câu chữ rồi suy luận chuyện Nhà nước “cấm đoán” hòng gây tâm lý hoang mang và châm ngòi cho những tư tưởng chống phá.

Tân Hoàng Minh
.
.
.