Nhà báo trong cuộc đấu tranh phòng chống “Tự diễn biến, tự chuyển hóa”

Thứ Bảy, 23/03/2019, 11:26

Chiều 22-3, Cục Truyền thông Công an nhân dân, cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Nhà báo và những câu chuyện về “Tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Tham dự tọa đàm có đại diện Báo Quân đội nhân dân, Báo Quân khu 7, Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Quân đội, Báo Biên phòng.


Tại buổi tọa đàm, với bản lĩnh là nhà báo trong lực lượng vũ trang, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, bài học chống tiêu cực và làm thế nào để nhà báo không rơi vào vòng xoáy “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, vững vàng tác nghiệp trước cái xấu, cái ác.

Phát biểu đề dẫn, Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, Phó tổng biên tập Báo CAND, khẳng định ngoài năng lực công tác, nghề báo đòi hỏi rất cao về đạo đức, nhân cách người làm báo. “Gần đây, ta hay nghe nói đến cụm từ “tự chuyển biến, tự chuyển hóa”. Nhiều người cho rằng đây là lời cảnh báo. Tuy nhiên, trong thực tế điều này đã xảy ra. Nhiều cá nhân, đơn vị, địa phương, nhiều nhà báo, nhóm nhà báo đã là nạn nhân của “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Một dòng thông tin, một bài báo có thể cứu người nhưng cũng có thể đẩy người đến bờ vực thẳm”.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Bàn về đạo đức nhà báo khi tham gia chống tiêu cực bằng những thể loại phóng sự điều tra, Đại tá Lê Phi Hùng, Trưởng văn phòng đại diện Báo Quân đội nhân dân tại TP Hồ Chí Minh, cho rằng đây là thể loại rất gian nan, khổ ải, đúng với câu “nghề báo – nghề nguy hiểm”. Sự cám dỗ về vật chất với nhà báo khi viết phóng sự điều tra cực kỳ lớn. Do đó, cái tâm của phóng viên khi làm phóng sự điều tra rất quan trọng, nó không chỉ giữ uy tín của chính phóng viên mà còn cho cả tờ báo và nền báo chí nước nhà.  

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Bình, Phó cơ quan đại điện Cục Truyền thông CAND tại TP Hồ Chí Minh, ngoài bản lĩnh của mỗi phóng viên thì cách thức tổ chức chặt chẽ, khoa học của tòa soạn còn là biện pháp giúp phóng viên không rơi vào vòng xoáy “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Bởi nhìn lại loạt vụ nhà báo, nhóm nhà báo tống tiền doanh nghiệp, đưa thông tin sai sự thật… thời gian gần đây, sẽ dễ dàng nhận thấy hầu hết cơ quan chủ quản của những nhà báo này còn lỏng lẻo.

Thiếu tá Nguyễn Văn Bình, Phó cơ quan đại điện Cục Truyền thông CAND tại TP Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại buổi tọa đàm.

Ngày nay, nhờ công nghệ thông tin hiện đại, nhờ mạng xã hội đa dạng, phong phú mà nhà báo có được nhiều sự lựa chọn, có nhiều cách để nắm bắt thông tin và chuyển tải thông tin đến bạn đọc. Tuy nhiên theo các đại biểu, dù mạng xã hội giúp kết nối thông tin nhanh nhạy nhưng nó cũng có tác động ngược đến quan điểm, tư tưởng của nhà báo.

Thượng tá Trần Văn Rô, đại diện Báo Quân khu 7 phát biểu.

Đại úy Lê Hùng Khoa, Báo Quân đội nhân dân chỉ ra rằng hiện nay nhiều nhà báo sử dụng công cụ mạng xã hội một cách quá đà, đăng tải bài viết và bình luận chưa đúng chuẩn mực. Cá biệt, một số trường hợp viết hẳn bài trên facebook cá nhân bày tỏ quan điểm về vấn đề “nóng” đang diễn ra trong xã hội nhưng lại đi ngược với chính quan điểm của nhà báo đó khi viết bài đăng trên ấn phẩm báo chí. Theo anh, chính việc nhà báo tự cho mình quyền phán xét hoặc tìm cách câu view, hùa theo đám đông và bản lĩnh chính trị kém nên mới dễ xoáy vào hiện tượng “tự chuyển biến, tự chuyển hóa”.

Đại diện Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Quân đội phát biểu.

“Để sử dụng mạng xã hội đúng, hiệu quả, nhà báo phải xem rằng những gì mình phát ngôn trên mạng xã hội không chỉ là tư cách cá nhân mà còn là người làm báo với vai trò cung cấp thông tin, định hướng thông tin và dẫn dắt dư luận. Muốn vậy, bên cạnh những quy định chung, nhà báo cần tự đề ra nguyên tắc cho bản thân khi tham gia mạng xã hội như: bình tĩnh trong mọi trường hợp, chia sẻ có ý thức, đọc có chọn lọc, bình luận có trách nhiệm…” – Đại úy Lê Hùng Khoa phân tích.

Các đại biểu tham gia tọa đàm.

Các vấn đề xoay quanh quyền hạn của phóng viên khi nhập vai làm phóng sự điều tra, văn hóa tranh luận khi tham gia mạng xã hội, chuyển hóa nguồn thông tin từ cơ quan chức năng thành thông tin báo chí… cũng được các đại biểu trao đổi sôi nổi, rút ra nhiều bài học nghiệp vụ bổ ích. Quan trọng hơn hết, ngoài bản lĩnh chính trị, chuyên môn vững vàng, nhà báo phải không ngừng trui rèn đạo đức để “bút sắc, lòng trong”. Đặc biệt, riêng với các nhà báo thuộc cơ quan báo chí trong lực lượng vũ trang thì cần phát huy hơn nữa truyền thống anh hùng, xung kích trên mặt trận đấu tranh phòng chống quá trình “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.


Quỳnh Nga
.
.
.