Người lao động sẽ thiệt như thế nào khi lĩnh bảo hiểm xã hội một lần?

Chủ Nhật, 23/07/2017, 07:59
Chỉ trong vòng 4 năm qua, đã có hơn 2,5 triệu lao động xin lĩnh bảo hiểm xã hội một lần. Đây là con số không nhỏ và chắc chắn sẽ có những tác động đến tính ổn định của hệ thống an sinh xã hội này.


Lương hưu được xem là giá đỡ giúp người lao động khi về già, vậy tại sao lại có một lượng lớn người lao động hàng năm xin lĩnh bảo hiểm xã hội (BHXH)
một lần? PV Báo CAND có cuộc trao đổi với ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam xung quanh vấn đề này.

PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về vấn đề mỗi năm đang có một lượng lớn người lao động rời bỏ hệ thống an sinh xã hội mà cụ thể ở đây là không tham gia BHXH nữa?

Ông Điều Bá Được: Qua theo dõi của BHXH Việt Nam thì qua mỗi năm có khoảng trên dưới 600 nghìn người lao động hưởng BHXH một lần. Qua theo dõi cả quá trình thì số lượng mỗi năm vẫn đều đều như thế và chưa thấy số này tăng đột biến. Số lượng người hưởng BHXH một lần này chiếm khoảng 5% trong tổng số người tham gia BHXH. 

Với một số lượng người lớn như thế này hàng năm nhận BHXH một lần thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động theo quy định của Hiến pháp là khó được đảm bảo. Nếu người lao động không tích lũy ngay từ khi còn trẻ thì đến lúc về già sẽ không được hưởng chế độ. Bản thân người ta không lo được thì gia đình, xã hội phải lo. Cho nên về mặt lâu dài thì mục tiêu về mặt chính sách không đạt được.

Ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam. 

Những lao động lĩnh BHXH một lần này chủ yếu là rơi vào khu vực sử dụng lao động nhiều và ở đây có việc di chuyển lao động nhiều hơn. Cụ thể là ở các doanh nghiệp mà lượng lao động ra vào nhiều, liên tục tuyển dụng.

PV: Con số bình quân khoảng 600 nghìn người nhận BHXH một lần trên một năm là con số không hề nhỏ, theo ông nguyên nhân của việc này xuất phát từ đâu?

Ông Điều Bá Được: Theo tôi, trước hết những người nhận BHXH một lần này chắc chắn người ta phải có những khó khăn riêng của bản thân họ. Tôi nghĩ rằng họ có hoàn cảnh nào đó dẫn đến việc người ta chỉ có một khoản này thôi và không có gì trông cậy vào nữa. Tuy nhiên chính việc dựa vào cái khoản trợ cấp một lần này lại làm cho người lao động khó khăn thêm về lâu dài.

Nguyên nhân thứ 2 theo tôi nữa là nhận thức của người lao động chưa đầy đủ. Người ta chưa hiểu hết được lợi ích của việc tích lũy để hưởng lương hưu sau này, cũng như không hiểu được việc nhận trợ cấp một lần thì mình thiệt thế nào. Quan trọng là họ không thấy được các bài học nhãn tiền đã xảy ra ví dụ như những người đã hưởng trợ cấp thôi việc một lần theo Quyết định 176 thời những năm 1990. Lúc ấy người ta chỉ nghĩ đến việc nhận được một cục tiền như thế này và đưa vào gửi tiết kiệm thì nó còn cao hơn tiền lương của mình đi làm, cao hơn lương hưu. Người ta chỉ nhìn cái lợi ích trước mắt đó mà không biết được rằng chỉ ngay sau đó một thời gian ngắn, đồng tiền mất giá. Số tiền đó không đảm bảo trang trải cuộc sống nữa. Do đó, người lao động phải cân nhắc việc có nên nhận BHXH một lần không.

PV: Cách đây chưa lâu đã có thông tin rộ lên về việc khi thực hiện chính sách BHXH mới, người lao động ồ ạt xin nhận BHXH một lần. Thực tế có sự đột biến như thế không thưa ông?

Ông Điều Bá Được: Trước hết thông tin này đã được làm sáng tỏ. Không có chuyện người lao động ồ ạt xin nghỉ việc và nhận BHXH một lần vì Luật BHXH mới. Người lao động nghỉ việc do nhiều nguyên nhân chứ không phải do Luật BHXH mới này. Người lao động phải cảnh giác trước những thông tin như vậy. BHXH Việt Nam đã có những thông tin lý giải cụ thể để người lao động hiểu, và có phép so sánh giữa việc nhận BHXH một lần với việc hưởng lương hưu.

PV: Mỗi năm một số lượng lớn người ra khỏi hệ thống an sinh này thì sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu mở rộng độ bao phủ BHXH hiện nay như thế nào?

Ông Điều Bá Được: Thực chất thì việc người ta ra sẽ ảnh hưởng đến độ bao phủ. Việc này là đương nhiên vì mỗi năm lại có một lượng lớn người ra khỏi hệ thống. Tuy nhiên, người lao động phải hiểu được rằng, việc ra khỏi hệ thống an sinh này thì bất lợi chính là thuộc về người lao động chứ không thuộc về hệ thống. Bởi vì hệ thống nếu có nhiều người hơn tham gia hơn thì việc quản lý sẽ phải nâng cao hơn. Tiếp nữa, người lao động không tham gia vào hệ thống thì quyền lợi về lâu dài sẽ không được đảm bảo. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện mục tiêu đến năm 2020 phải có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Nếu người lao động không hình dung, không hiểu hết vấn đề mà cứ xin hưởng một lần thì sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu lâu dài này.

PV: 4 năm mà có đến khoảng 2,5 triệu lao động ra khỏi hệ thống BHXH. Đang có ý kiến rằng, phải chăng BHXH Việt Nam thời gian qua đã làm chưa tốt việc tuyên truyền, giải thích cho người lao động hiểu hết ý nghĩa của việc tham gia BHXH lâu dài. Ông đánh giá thế nào?

Ông Điều Bá Được: Tôi nghĩ không phải hoàn toàn là người lao động không hiểu vấn đề. Có những người hiểu nhưng vì những hoàn cảnh đặc biệt mà không khắc phục được và người ta phải xử lý bằng việc nhận BHXH một lần. Tôi cho đây cũng là quy luật. Đâu đó, đúng là cũng có những người lao động chưa hiểu hết quyền lợi của mình sau này khi tham gia BHXH. Người lao động không hiểu hết, khi mình không còn quan hệ lao động nữa, không còn tham gia BHXH nữa thì người ta lại phó mặc cho người khác, thông qua người khác để gửi đề nghị nhận quyền lợi BHXH một lần. Chính vì thế người ta không được tư vấn đầy đủ. 

Nếu cơ quan BHXH gặp được người lao động, hay người lao động tiếp xúc được với nhân viên BHXH chắc chắn người ta sẽ có sự lựa chọn khác. Vì thế, đương nhiên công tác tuyên truyền chúng ta phải đẩy mạnh, nhưng nó không chỉ là riêng cơ quan BHXH mà đây là vấn đề chung của cả xã hội. Làm thế nào để người lao động hiểu được lợi ích này. Bởi vì khi người lao động lấy BHXH một lần thì đương nhiên là họ bị thiệt. 

Chỉ tính đơn giản thế này thôi, anh đóng vào bình quân 2,64 tháng lương/năm. Bây giờ theo luật mới thì mới có quy định trả lại cho người lao động 2 tháng lương/năm. Có nghĩa nhận BHXH một lần họ đã bị thiệt mất 0,64 tháng lương/năm. Trước đây theo luật cũ họ còn chỉ được nhận lại có 1,5 tháng. Như thế người lao động thiệt thòi chứ không phải là Quỹ BHXH thiệt.

PV: Với số lượng lớn người lao động ra khỏi hệ thống thế này, liệu mục tiêu năm 2020 độ bao phủ 50% có đạt được không thưa ông?

Ông Điều Bá Được: Việc tính toán để đạt con số bao phủ thì có nhiều biện pháp, trong đó cũng có việc phải hạn chế đối tượng xin ra này. Tuy nhiên hạn chế này lại gặp ngay cản trở từ phía người lao động. Quy định của Luật BHXH 2014 đã có những quy định chặt chẽ hơn về điều kiện hưởng, nhưng đến nay vẫn chưa được xã hội chấp nhận. Đây là vấn đề tôi nghĩ rằng là phải làm thế nào để người dân hiểu thì người ta mới thực hiện được. Nếu người dân không thực hiện theo thì dù chính sách có tốt đẹp như thế nào đó cũng không thể đạt được.

PV: Trước thực trạng này, BHXH Việt Nam có đưa ra các giải pháp gì để hạn chế số người ra khỏi hệ thống an sinh xã hội đang được cho là tối ưu nhất này?

Ông Điều Bá Được: Có rất nhiều giải pháp để triển khai. Giải pháp xuyên suốt lâu dài là tuyên truyền để người lao động hiểu được lợi ích của việc tham gia BHXH. Bên cạnh đó là giải pháp thu hút lao động tham gia. 

Ví dụ như người ta ra rồi, nhưng người ta lại quay trở lại, chứ không phải ra là thôi hẳn. Các chính sách hiện nay cũng đã đảm bảo được việc này như người ta đã lĩnh BHXH một lần nhưng người ta quay lại thì cho phép họ đóng BHXH tự nguyện một lần. Việc này để giúp cho người lao động được tiếp tục đóng để đảm bảo được quyền lợi lâu dài. Hoặc là anh chưa đủ thời gian đóng, nhưng chính sách cho phép anh đóng một lần để đủ thời gian đóng 20 năm để được hưởng lương hưu. Như vậy là giải pháp đã đầy đủ, vấn đề quan trọng nhất là người dân có hiểu được vấn đề đó hay không. 

Người lao động phải hiểu được vấn đề là nếu mình không tham gia BHXH, việc này nó không chỉ ảnh hưởng đến mình mà còn ảnh hưởng đến gia đình, con cái, là gánh nặng cho con cái, xã hội sau này. Bởi sau này tuổi già còn nhiều vấn đề những như chăm sóc sức khỏe, ốm đau bệnh tật. Lúc đó gia đình và xã hội phải gánh vác và người ta sẽ phải sống trong cái vòng luẩn quẩn, không thoát ra được.

PV: Ông có đề cập đến việc nếu như người lao động được tiếp cận với cơ quan BHXH, được gặp nhân viên BHXH thì người ta có thể có những quyết định khác. Tại sao cơ quan BHXH không chủ động gặp người lao động để tư vấn cho họ về chính sách BHXH?

Ông Điều Bá Được: BHXH không thể đủ lực lượng để đi đến từng người dân để tuyên tuyền, tư vấn được. Đây là của cả hệ thống chính trị, phải có chiến lược về tuyền truyền. Ngành nào cũng thế thôi, sẽ không thể có đủ người để đáp ứng yêu cầu có thể đến từng ngõ ngách, từng con người để tuyên truyền được. Vấn đề ở đây là các giải pháp tổng thể thế nào để xử lý thôi. Tất nhiên ngành BHXH cũng đang rất cố gắng trong việc đó, nhưng nó còn phụ thuộc vào cách tiếp cận của người dân, rồi phương pháp truyền tải thông điệp. Đối với những trường hợp người lao động nhận BHXH một lần tôi chỉ nhấn mạnh một điều đó là nếu nhận BHXH một lần thì chỉ có thiệt cho người lao động.

Phan Hoạt (thực hiện)
.
.
.